18:06 04/10/2021

Xe cá nhân được đi lại giữa các địa phương lân cận TP.HCM từ ngày 04/10

Xuân Nghi

Đề xuất của TP.HCM đối với các tỉnh lân cận là Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Tây Ninh về việc để người dân được tự do đi lại bằng xe cá nhân (xe máy, xe hơi) kể từ ngày 04/10, vẫn đang được các địa phương xem xét nhằm bảo đảm công tác phòng chống dịch Covid-19...

Ngày đầu tiên đi làm lại sau hơn 4 tháng giãn cách, sáng ngày 04/10 nhiều tuyến đường trong TP.HCM xe cộ trở nên đông đúc.
Ngày đầu tiên đi làm lại sau hơn 4 tháng giãn cách, sáng ngày 04/10 nhiều tuyến đường trong TP.HCM xe cộ trở nên đông đúc.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khôi phục sản xuất, kinh doanh, Ủy ban nhân dân TP.HCM đã có công văn số 3250/UBND-ĐT v/v tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động di chuyển, khôi phục sản xuất, kinh doanh an toàn. Theo đó, kể từ 04/10/2021, người dân tại TP.HCM được phép sử dụng xe cá nhân để đi lại giữa TP.HCM với các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Tây Ninh. TP.HCM cũng đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh này xem xét, thống nhất phương án cùng thực hiện.

TP.HCM CHÍNH THỨC CHO PHÉP ĐI LẠI 4 TỈNH LIỀN KỀ

Theo đó, đối tượng vận chuyển (công nhân, chuyên gia…) phải đã tiêm ngừa Covid-19 ít nhất 1 mũi đối với loại vaccine tiêm 2 mũi và ít nhất 14 ngày sau tiêm, hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng và có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính định kỳ 7 ngày/lần.

Đối với việc đi lại, vận chuyển bằng ô tô, đối tượng vận chuyển là công nhân, chuyên gia do các doanh nghiệp tổ chức đưa đón từ các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh đến cơ sở sản xuất đóng trên địa bàn TP.HCM và ngược lại. Đối với việc sử dụng xe cá nhân như: ô tô, mô tô, xe gắn máy thì người ngồi trên xe phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện như trên.

Người tham gia lưu thông phải sử dụng mã QR khai báo di chuyển của ứng dụng VNEID và mã QR có thể hiện lịch sử tiêm chủng của ứng dụng Y tế HCM hoặc Sổ sức khỏe điện tử (đến khi ứng dụng PC-Covid chính thức đưa vào hoạt động). Trường hợp không có mã QR thì xuất trình một trong các giấy tờ sau: Là người mắc Covid-19 đã khỏi bệnh dưới 6 tháng; người đã tiêm vaccine ngừa Covid-19 khi được cơ quan chức năng yêu cầu.

Người điều khiển, phục vụ phương tiện (tài xế, phụ xế, phục vụ) phải thực hiện nghiêm túc nguyên tắc 5K, trang bị dung dịch rửa tay (có ít nhất 70% nồng độ cồn) cho hành khách, dung dịch khử khuẩn cho phương tiện và thùng rác có nắp đậy trên mọi phương tiện vận tải. Trên phương tiện có thông tin khuyến cáo và hướng dẫn người lao động, hành khách và người dân chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định. Khi xe di chuyển phải mở cửa kính, không sử dụng máy lạnh; trong trường hợp sử dụng máy lạnh thì chỉnh nhiệt độ từ 260 C trở lên. Xe vận chuyển không quá 50% sức chứa của phương tiện, phải vệ sinh, khử khuẩn phương tiện sau mỗi chuyến đi.

Các đơn vị có trụ sở đóng trên địa bàn TP.HCM xây dựng phương án vận chuyển công nhân, chuyên gia, thông qua đơn vị đầu mối là Ban Quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp (HEPZA), Ban Quản lý Khu công nghệ cao (SHTP), UBND TP. Thủ Đức và UBND các quận/huyện. Các đơn vị đăng ký phương tiện, lộ trình, thời gian hoạt động, gửi đến Sở Giao thông vận tải TP.HCM để cấp giấy tạo điều kiện lưu thông liên tỉnh.

Để việc triển khai được đồng bộ, Ủy ban nhân dân TP.HCM đã chỉ đạo Sở Giao thông vận tải Thành phố chủ động phối hợp với Sở Giao thông vận tải các tỉnh xem xét, hoàn chỉnh dự thảo Phương án tổ chức cho người lao động di chuyển giữa TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Tây Ninh.

CÁC ĐỊA PHƯƠNG ĐANG XEM XÉT ĐỀ XUẤT CỦA TP.HCM

Trước đề nghị của TP.HCM theo công văn 3250/UBND-ĐT, nhiều địa phương lân cận cho biết đang xem xét, tính toán sao cho phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương mình.

Tỉnh Đồng Nai cho biết sẽ có phản hồi trước ngày 05/10. Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu Sở Giao thông vận tải tỉnh có ý kiến đối với đề xuất của TP.HCM trên cơ sở phối hợp cùng các Sở: Y tế, Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Nông nghiệp và Phát triển nông thông và Công an tỉnh Đồng Nai, thống nhất ý kiến để tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh, báo cáo kết quả trước ngày 05/10.

Trong khi đó, tỉnh Bình Dương cho biết chưa có phương án cho người lao động đi lại bình thường giữa tỉnh này với TP.HCM, Đồng Nai, Long An và Tây Ninh. Người đứng đầu Sở Giao thông vận tải Bình Dương, ông Nguyễn Anh Minh nói rằng việc đi lại thế nào còn phụ thuộc vào tình hình và công tác chống dịch Covid-19 ở mỗi địa phương. Bình Dương hiện chưa có chủ trương cho người lao động đi lại bình thường như ở TP.HCM. Tuy nhiên, tỉnh giáp ránh với TP.HCM này hiện đã cho phép các doanh nghiệp tự xét nghiệm Covid-19 cho công nhân của mình bằng phương pháp test nhanh kháng nguyên và cấp giấy xác nhận để công nhân đi lại.

"Sau khi đã họp và thống nhất ý kiến với các sở, ngành, Sở Giao thông vận tải sẽ tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh để có phương án tối ưu để cùng phối hợp với TP.HCM và các tỉnh lân cận", ông Minh cho biết.

Trước đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Phan Văn Mãi đã ban hành Chỉ thị 18 về tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn TP.HCM. Theo đó, kể từ 18h ngày 30/9/2021, TP.HCM tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, từng bước phục hồi, phát triển kinh tế xã hội theo lộ trình phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh tại Thành phố và kết quả đánh giá mức độ an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Trong kế hoạch từng bước mở cửa nền kinh tế sau ngày 01/10/2021, TP.HCM đặc biệt ưu tiên cho những đối tượng có nhu cầu thường xuyên lưu thông giữa các tỉnh và TP.HCM một cách cấp thiết.

Ghi nhận tại TP.HCM sáng ngày thứ hai đầu tuần 04/10/2021, ba ngày sau khi Thành phố thực hiện Chỉ thị 18 và ngày đầu tiên người dân được đi lại bình thường (có điều kiện), các hoạt động kinh tế, xã hội được nới lỏng, người dân bắt đầu đến cơ quan làm việc, các tuyến đường trên địa bàn trở nên nhộn nhịp, đông đúc. Nhịp sống nơi đây đang dần hồi sinh…