16:36 30/09/2021

TP.HCM: Mở cửa từng bước và có lộ trình từ 1/10

Minh Tâm

Không phải ngay sau 30/9 thành phố sẽ mở cửa tất cả hoạt động mà mở cửa từng bước, có lộ trình để đảm bảo an toàn, sức khỏe của người dân…

Tất cả những chốt chặn trên địa bàn TP.HCM sẽ được gỡ bỏ sau 30/9.
Tất cả những chốt chặn trên địa bàn TP.HCM sẽ được gỡ bỏ sau 30/9.

Thông tin trên được Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình thông báo tại cuộc họp báo công bố Chỉ thị của UBND Thành phố về tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố vào sáng ngày 30/9.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình, sau 30/9, TP.HCM sẽ không mở cửa ồ ạt tất cả các hoạt động, mà mở cửa từng bước và có lộ trình. “Đưa sinh hoạt người dân từng bước về trạng thái bình thường mới nhưng không phải mọi người đồng loạt ra đường”, ông Bình nói.

MỞ CỬA NHƯNG PHẢI AN TOÀN

Cụ thể, sau ngày 30/9, TP.HCM tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid 19, từng bước nới lỏng giãn cách xã hội theo lộ trình tương ứng với diễn biến tình hình dịch bệnh tại thành phố và kết quả đánh giá mức độ an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế. 

Ông Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM tại buổi họp ngày 30/9.
Ông Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM tại buổi họp ngày 30/9.

Việc nới lỏng giãn cách xã hội sẽ thực hiện trên nguyên tắc triển khai từng bước thận trọng, chặt chẽ, chắc chắn theo phương châm "An toàn là trên hết", "An toàn tới đâu mở cửa tới đó, mở cửa thì phải an toàn".

Ông Bình nhận định suốt thời gian qua, TP.HCM nỗ lực vừa phòng chống dịch, vừa đảm bảo an sinh. Song song với đó, ý thức của người dân đã được nâng lên rất cao. "Nếu không ý thức được công tác phòng, chống dịch và trở nặng sẽ rất khó khăn để trở lại", Phó chủ tịch TP.HCM khuyến cáo. Theo ông, lộ trình mở cửa là ưu tiên phát triển kinh tế để người dân góp phần xây dựng thành phố.

Vận tải hành khách đường bộ, đường thủy nội địa được hoạt động phù hợp với cấp độ dịch bệnh từng khu vực, địa phương, theo hướng dẫn của Sở Giao thông Vận tải. Phương tiện giao thông cá nhân chỉ lưu thông trong thành phố. "Nếu đi liên tỉnh phải được sự cho phép của Sở Giao thông Vận tải", ông Bình nhấn mạnh.

 
"Theo lộ trình mở cửa, trẻ em dưới 18 tuổi hiện nay không học ở trường, mà đang học online nên không cần thiết ra đường. Trẻ em là tài sản của quốc gia, hiện nay chưa có vaccine cho trẻ em nên không để các em ra đường".
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình.

Vận tải hành khách liên tỉnh (đường bộ, đường thủy, đường sắt, hàng không) theo lộ trình phù hợp với kế hoạch của Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Y tế.

Hiện, Bộ Giao thông Vận tải đã hoàn thiện kế hoạch cho giao thông quốc nội và đang chờ hướng dẫn của Bộ Y tế. Nhưng khi đi, người dân cần sự cho phép của nơi đi và nơi đến. Sở Giao thông Vận tải hướng dẫn việc đi lại giữa các tỉnh trong vùng của các đối tượng ưu tiên (công vụ, công nhân, chuyên gia, người đi khám chữa bệnh); tổ chức vận chuyển người lao động về thành phố; lưu thông liên tỉnh trong trường hợp cấp thiết.

Shipper vận chuyển hàng hóa tiếp tục hoạt động theo hướng dẫn của Sở Công Thương. Hiện, có hơn 80.000 shipper (theo số liệu Sở Công Thương) vẫn hoạt động bình thường.

TP.HCM tăng cường kiểm soát lưu thông tại các chốt cửa ngõ giáp ranh với các tỉnh. Các chốt kiểm soát tiếp tục kiểm tra phương tiện, người tham gia lưu thông bằng mã QR và các công cụ nhận diện của từng ngành, lĩnh vực. Bên cạnh đó, thành phố tổ chức chốt kiểm soát lưu động, không để tập trung đông người tại chốt kiểm soát.

"Sau ngày 30/9 sẽ thấy không còn chốt chặn như trước nhưng Công an TP.HCM vẫn duy trì chốt lưu động, kiểm tra, giám sát và tuần tra để đảm bảo an toàn", Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nói.

Ông Bình cũng nhấn mạnh tinh thần đảm bảo hoạt động lưu thông hàng hoá giữa TP.HCM với các địa phương một cách thuận lợi, đáp ứng phục vụ đời sống nhân dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu.

SẼ KIỂM TRA NGẪU NHIÊN NGƯỜI ĐI ĐƯỜNG

Thành phố sẽ thành lập các đoàn/tổ kiểm tra liên ngành thường xuyên, đột xuất kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoạt động trên địa bàn xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Các doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp, Khu Công nghệ cao do Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp thành phố, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Thành phố kiểm tra, giám sát.

"TP.HCM không cấp giấy đi đường nhưng tuần tra, kiểm tra. Ở các chốt kiểm soát, công an hoàn toàn có thể kiểm tra xác suất về điều kiện tham gia lưu thông. Nếu chưa đủ điều kiện về vaccine thì chưa được tham gia lưu thông và sẽ bị nhắc nhở", ông Bình nói.

 
Sau 30/9, Công an TP.HCM sẽ giải tỏa tất cả các chốt nội đô, từng bước chuyển sang trạng thái bình thường mới, nhưng vẫn sẽ kiểm soát đột xuất, ngẫu nhiên người đi đường.

Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó giám đốc Công an TP.HCM, cho biết thành phố sẽ sử dụng biện pháp kiểm soát khác thay giấy đi đường trước đây đối với người dân đủ điều kiện lưu thông. Công an Thành phố duy trì 12 chốt chính giáp ranh các tỉnh, địa phương TP.HCM và các chốt phụ. Tổng cộng có 51 chốt phụ với sự phối hợp công an địa phương kiểm soát người ra vào thành phố.

“Trong thời gian ứng dụng PC-Covid chưa được cập nhật, đồng bộ và đưa vào sử dụng, người dân khi tham gia lưu thông trên địa bàn TP.HCM có thể sử dụng mã QR của ứng dụng VNEID và ứng dụng Y tế HCM có thể hiện lịch sử tiêm vaccine. Trường hợp không có mã QR, có thể trình giấy xác nhận tiêm chủng ít nhất 1 mũi, hoặc người là F0 khỏi bệnh dưới 180 ngày có giấy xác nhận cũng được lưu thông”, đại tá Quang nói.

Trong thời gian tới, Công an TP.HCM có thể thành lập một số chốt lưu động, tổ chức kiểm tra cả test nhanh y tế khi cần thiết.

KHÔNG TỰ Ý ĐI LIÊN TỈNH

Cũng theo ông Quang, người dân không được tự ý đi tỉnh bằng xe cá nhân. “Với 51 chốt của thành phố, nếu người dân cùng kéo về các tỉnh sẽ gây ra ùn tắc, ảnh hưởng đến hoạt động lưu thông của chuỗi cung ứng hàng hóa. Lực lượng chức năng cũng ghi nhận nhiều trường hợp thông chốt kiểm soát bằng nhiều cách. Công an TP.HCM sẽ phối hợp công an các địa phương để kiểm soát, xử lý. Nếu người nào cố ý, tự ý rời thành phố làm lây lan dịch bệnh có thể xử lý hình sự”, đại tá Quang nhấn mạnh.

Nói thêm về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình khẳng định thành phố không vì lý do nào đó mà cấm cản người dân rời địa bàn. Việc kiểm soát này nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho tất cả người dân. Mỗi tỉnh thành có mức độ phủ vacicne và dịch bệnh khác nhau. Do đó, người dân có nhu cầu về quê phải di chuyển theo tổ chức để tránh xảy ra tình trạng lây lan dịch bệnh.

Về thắc mắc nhiều người TP.HCM đang bị kẹt ở các tỉnh làm thế nào để về lại thành phố, ông Bình cho biết người dân có nhu cầu cần gửi đơn lên Sở Giao thông Vận tải TP.HCM để xem xét. Thành phố chưa có bộ tiêu chí hay quy định cho việc đưa đón này mà đang thực hiện giống như tổ chức đưa đón công nhân, lao động ở các tỉnh về.

 

CÁC HOẠT ĐỘNG ĐƯỢC PHÉP TỪ 1/10:

Thống kê những hoạt động được phép và chưa được phép mở lại sau 1/10
Thống kê những hoạt động được phép và chưa được phép mở lại sau 1/10