22:41 27/09/2021

TP.HCM xây dựng kế hoạch riêng cho nhóm đối tượng được quay lại sau ngày 01/10

Xuân Nghi

Trong kế hoạch từng bước mở cửa nền kinh tế, sau ngày 01/10/2021, TP.HCM đặc biệt ưu tiên cho những đối tượng có nhu cầu thường xuyên lưu thông giữa các tỉnh và TP.HCM một cách cấp thiết.

Sau ngày 01/10, người dân trở lại TP.HCM làm việc đều phải có xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2.
Sau ngày 01/10, người dân trở lại TP.HCM làm việc đều phải có xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2.

Cùng với việc tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine, tăng cường độ bao phủ để có thể nhanh chóng nới lỏng giãn cách xã hội và phục hồi kinh tế Thành phố theo lộ trình đề ra, TP.HCM đã xây dựng bộ tiêu chí và kế hoạch mở cửa trở lại từng ngành nghề để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và đi lại của người dân.

ƯU TIÊN NGƯỜI KHÁM CHỮA BỆNH, VẬN TẢI HÀNG HÓA LIÊN TỈNH

Trong các lĩnh vực hoạt động đó, lĩnh vực vận tải có lộ trình mở cửa, ưu tiên những đối tượng cấp thiết trước. Trong nhóm đối tượng có nhu cầu đi lại thường xuyên liên tỉnh trong điều kiện có giãn cách xã hội, đối tượng là những người đi khám chữa bệnh từ các tỉnh đến TP.HCM chiếm tỷ lệ rất lớn, có thể lên đến hàng ngàn người mỗi ngày.

Cụ thể, trong suốt thời gian áp dụng giãn cách xã hội vừa qua, rất nhiều người, bệnh nhân từ khắp các tỉnh/thành không thể đến TP.HCM để khám, chữa bệnh do các phương tiện giao thông liên tỉnh cũng tạm ngừng hoạt động. Vì vậy, đây sẽ là nhóm đối tượng có nhu cầu đến TP.HCM chiếm tỷ lệ lớn.

Để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân các tỉnh vào TP.HCM, đòi hỏi họ phải phải có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 còn hiệu lực trong vòng 72 giờ kể từ thời điểm lấy mẫu (trừ trường hợp cấp cứu). Khi đi khám bệnh phải có giấy chuyển viện của các bệnh viện từ các tỉnh/thành đến bệnh viện tại TP.HCM, hoặc giấy hẹn tái khám của các bệnh viện tại TP.HCM. Ngoài ra, hoặc người đi khám bệnh phải có giấy xác nhận của chính quyền địa phương (phường, xã) về việc cho phép di chuyển đến TP.HCM. Giấy phải thể hiện đầy đủ thông tin về người đi khám bệnh, người điều khiển phương tiện và phương tiện.

Đối với hoạt động vận tải hàng hóa liên tỉnh, Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết, các loại phương tiện vận tải hàng hoá qua TP.HCM (đến TP.HCM, quá cảnh TP.HCM…) thì xe buộc phải có mã QR. Trong quá trình lưu thông thì xe không được dừng, đỗ, trừ trường hợp bất khả kháng như xe bị hư hỏng, có sự cố về sức khỏe của người trên xe (lái xe, phụ xe…)...

Sở Giao thông vận tải TP.HCM sẽ giao quyền tự chủ cho doanh nghiệp trong việc tổ chức xét nghiệm cho tài xế, nhân viên, cũng như quản lý an toàn trong quá trình hoạt động.

ĐÓN NGƯỜI LAO ĐỘNG TRỞ LẠI, TỪNG BƯỚC PHỤC HỒI SẢN XUẤT KINH DOANH

Ngoài ra, TP.HCM cũng xây dựng kế hoạch đón người làm việc quay trở lại Thành phố, sau ngày 01/10. Sở Giao thông vận tải TP.HCM là đơn vị đầu mối cấp mã QR và thông báo về các địa phương nhằm phối hợp tổ chức đưa đón công nhân, nhân viên. Xe khách vận chuyển công nhân sẽ trả khách tại hai bến xe Miền Đông và Miền Tây, không đưa vào trong nội thành, trả khách tận nơi. Hành khách từ các bến xe này, sẽ đón taxi được Sở Giao thông vận tải cấp phép hoạt động để về nơi cư trú. Đối với xe trung chuyển của doanh nghiệp vận tải đã đăng ký hoạt động, cũng được tham gia đưa đón theo quy định. Trong thời gian này, các doanh nghiệp phải tự chủ xe đưa đón công nhân, nhân viên của mình.

Sau đó, kể từ tháng 11, các ban quản lý như Ban Quản lý khu chế xuất – khu công nghiệp TP.HCM (HEPZA), Ban Quản lý Khu công nghệ cao (SHTP) sẽ thống kê danh sách người có nhu cầu trở lại Thành phố làm việc, để phối hợp với Công ty cổ phần xe khách Phương Trang (FUTA Buslines) lên kế hoạch vận chuyển.

Một nhóm đối tượng nữa là những công nhân, nhân viên, chuyên gia đang sống tại TP.HCM nhưng làm việc cho doanh nghiệp có nhà máy, công trình ở các địa phương khác; hoặc đang làm việc tại TP.HCM nhưng cư trú ngoài TP.HCM. Nhóm này cũng có nhu cầu quay lại TP.HCM và được yêu cầu là đã tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi thứ nhất đủ 14 ngày hoặc mắc Covid-19 đã khỏi bệnh Covid-19 có xác nhận của cơ quan y tế đủ điều kiện tham gia hoạt động. Hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 còn hiệu lực theo quy định của ngành y tế.

Hiện TP.HCM đang dự thảo chỉ thị về các giải pháp sau ngày 01/10, trong đó có các lộ trình tháo gỡ rào chắn. Song song đó, Sở Giao thông vận tải cũng đang tham mưu cho Chính quyền Thành phố về tổ chức giao thông trong thành phố và giao thông liên vùng sau ngày 01/10. Theo nhận định của Sở Y tế TP.HCM, hiện Thành phố đã qua đỉnh điểm của dịch cũng như việc chống dịch đang ở mức độ có hiệu quả rất tốt.

Mới đây, ngày 24/9/2021, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Phan Văn Mãi đã có văn bản số 3165/UBND-VX về việc xin ý kiến áp dụng quy định riêng đối với việc mở cửa nền kinh tế. Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng quy định riêng phù hợp hơn với tình hình và điều kiện tại TP.HCM; quan tâm ưu tiên vaccine cho TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để sớm đạt độ bao phủ theo quy định của Hướng dẫn (Hướng dẫn “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, chú thích của người viết).