15:08 12/03/2013

Xe không chính chủ: Bên muốn bỏ, bên bảo phạt

An Nhi

Bộ Giao thông Vận tải muổn bỏ quy định xử phạt xe không chính chủ vào nghị định mới thì Bộ Công an lại muốn đưa vào

Đa số ý kiến đều đề nghị trước khi đưa vào thực hiện, cần nghiên cứu rõ 
những tác động cả tích cực lẫn tiêu cực lên đa số người dân.
Đa số ý kiến đều đề nghị trước khi đưa vào thực hiện, cần nghiên cứu rõ những tác động cả tích cực lẫn tiêu cực lên đa số người dân.
Đã có những luồng quan điểm trái chiều nhau xung quanh vấn đề xử lý đối với ôtô, xe máy không chính chủ trong quá trình hoàn thiện nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 71 của Chính phủ.

Trong khoảng 300 góp ý gửi về ban soạn thảo nghị định mới sau khi bản dự thảo lần thứ 2 được đưa ra công khai, phần lớn các ý kiến đều tỏ ra không đồng tình với các quy định xử phạt lỗi xe không sang tên, đổi chủ mà gần đây nhiều người gọi tắt là xe không chính chủ.

Xuất phát từ luồng quan điểm này, các đại diện Bộ Giao thông Vận tải, cho rằng hiện chưa nên đưa chế tài xử phạt lỗi xe không chính chủ vào nghị định mới.

Nguyên nhân, theo bà Trịnh Minh Hiền, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Giao thông Vận tải), là do còn nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện, nhất là khi hệ thống văn bản hướng dẫn người dân đi sang tên, đổi chủ, các thủ tục thực hiện sang tên đổi chủ còn nhiều vướng mắc. Mặc dù theo bà Hiền, việc xử phạt lỗi không sang tên, đổi chủ là đúng, là cần thiết.

Thực tế cũng cho thấy, sau khi Nghị định 71 của Chính phủ được ban hành và có hiệu lực với mức xử phạt cao, không ít người dân đã kêu ca rằng họ bị đẩy vào thế khó bởi do những điều kiện khách quan, việc sang tên đổi chủ gặp nhiều khó khăn, tốn kém và thậm chí không thể hoàn thành thủ tục sang tên, đổi chủ.

Chẳng hạn, có người mua chiếc ôtô đã qua sử dụng của một doanh nghiệp. Do trong quá trình làm thủ tục chuyển nhượng, bản thân người dân không nắm rõ, không để ý hết các loại giấy tờ đúng quy định nên đã thiếu hóa đơn hoặc hóa đơn không có chữ ký thủ trưởng cơ quan và con dấu nên hồ sơ sang tên, đổi chủ đã không được chấp nhận.

Trường hợp xe đã qua quá nhiều lần chuyển nhượng là dễ gặp nhất. Đáng chú ý là không ít phương tiện mà đến nay, người đứng tên giấy đăng ký xe đã không còn minh mẫn hoặc đã mất nên không thể thực hiện sang tên đổi chủ. Bởi theo Thông tư 36/2010/TT-BCA của Bộ Công an ngày 12/10/2010, việc sang tên, đổi chủ phải có sự tham gia trực tiếp của người đứng tên giấy đăng ký và người bán cuối cùng.

Vì vậy, theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng, trước hết các cơ quan hãy nghiên cứu về tính khả thi của các biện pháp xác minh nguồn gốc xe thật tốt, đầy đủ, khi đó mới nên đưa quy định xử phạt vào nghị định.

Bộ trưởng Thăng cho rằng, nếu đưa quy định này vào để thực hiện ngay, người dân sẽ gặp không ít những phiền phức, ảnh hưởng đến cuộc sống, công việc. Ông lấy ví dụ, khi một người dân đang vội công việc gì đó, do có sơ xuất dẫn đến mắc lỗi hành vi tham gia giao thông mà bị tạm giữ phương tiện để xác minh lỗi xe không chính chủ thì sẽ rất phiền phức cho nhân dân.

Trái với luồng quan điểm này, các đại diện Bộ Công an lại cho rằng cần đưa chế tài xử phạt xe không chính chủ vào nghị định mới.

Theo Đại tá Trần Sơn Hà, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông Đường bộ - đường sắt, thực tế quy định xử phạt xe không chính chủ đã có từ lâu. Người dân chỉ phản ứng khi mức xử phạt tăng cao được đưa vào Nghị định 71. Vì vậy, sẽ không vấn đề gì nếu đưa vào nghị định mới. Vấn đề là Bộ Tài chính cần nghiên cứu mức xử phạt sao cho hợp lý.

Một đại diện khác đến từ Bộ Công an cũng đồng quan điểm khi cho biết mới đây bộ đã ban hành Thông tư 12 sửa đổi, bổ sung Thông tư 36 về đăng ký xe, trong đó gỡ khó về thủ tục cho những trường hợp xe đã qua nhiều lần chuyển nhượng. Với quy định mới, có thể nói trường hợp nào cũng có thể giải quyết thủ tục sang tên đổi chủ. Thời gian dành cho các trường hợp này là từ giữa tháng 4 năm nay đến hết năm 2014 và trong khoảng thời gian đó, xe không chính chủ sẽ chưa bị xử phạt. Do vậy, nhất thiết phải đưa chế tài xử phạt vào nghị định mới.

Cũng có không ít quan điểm khác còn băn khoăn với việc ứng xử xe không chính chủ. Nhiều ý kiến cho rằng, thực tế xử phạt xe không chính chủ là cần thiết, là đúng nhằm quản lý phương tiện, người điều khiển phương tiện tốt hơn. Ví dụ trường hợp người điều khiển vi phạt các lỗi nặng, thậm chí vi phạm phát luật gây chết người khi tham gia giao thông thì trách nhiệm của người đứng tên trên giấy đăng ký xe sẽ thế nào?

Dù vậy, đa số ý kiến đều đề nghị trước khi đưa vào thực hiện, cần nghiên cứu rõ những tác động cả tích cực lẫn tiêu cực lên đa số người dân. Và quan trọng hơn, trước khi thực hiện thì bản thân các cơ quan chức năng cũng phải xử lý tốt các vấn đề liên quan, từ quản lý chất lượng phương tiện, quản lý phương tiện, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân dễ dàng thực hiện các quy định pháp luật.