14:52 12/11/2012

Ôtô, xe máy và chuyện chính chủ, phụ chủ

An Nhi

Quy định xử phạt hành vi không sang tên, đổi chủ phương tiện giao thông còn ẩn chứa nhiều nỗi băn khoăn

Công tác xác minh đôi khi lại tốn kém hơn so với số tiền phạt. Đó chính
 là một trong những nguyên nhân mà lâu nay người điều khiển phương tiện 
không chính chủ chưa bị xử phạt.
Công tác xác minh đôi khi lại tốn kém hơn so với số tiền phạt. Đó chính là một trong những nguyên nhân mà lâu nay người điều khiển phương tiện không chính chủ chưa bị xử phạt.
Nghị định 71 của Chính phủ bắt đầu có hiệu lực với loạt hành vi vi phạm an toàn giao thông bị xử phạt nặng hơn. Trong đó, có một quy định mà phía sau đó còn ẩn chứa nhiều nỗi băn khoăn.

Dở khóc, dở cười

Tại nghị định mới, điều 33 đã được sửa đổi, bổ sung so với Nghị định 34 ban hành tháng 4/2010, trong đó: phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1,2 triệu đồng đối với chủ xe môtô, xe gắn máy không thực hiện chuyển quyền sở hữu theo quy định; phạt tiền từ 6-10 triệu đồng đối với chủ xe ôtô và xe chuyên dùng không thực hiện chuyển quyền sở hữu theo quy định.

Ngay sau khi nghị định có hiệu lực, câu chuyện xe chính chủ hay không chính chủ đã nhận được vô số những phản hồi mà đa phần là thiếu ủng hộ. Vì sao vậy?

Trên thế giới, các nước đều quy định rất chặt chẽ việc sang tên, đổi chủ tài sản hay phương tiện sau khi thực hiện chuyển nhượng. Điều này cùng lúc mang lại nhiều lợi ích, từ khâu quản lý nhà nước đến đảm bảo nguồn thu ngân sách hay vấn đề trách nhiệm của người sở hữu và sử dụng phương tiện. Thậm chí, khi thực hiện đúng quy định này, những chủ phương tiện cũ sẽ nghiễm nhiên không phải chịu phạt oan do chủ phương tiện mới vi phạm pháp luật an toàn giao thông.

Thực tế tại Việt Nam, quy định bắt buộc phải sang tên, đổi chủ phương tiện sau khi chuyển nhượng đã được ban hành từ rất lâu. Tuy nhiên, do có nhiều đặc thù dẫn đến khó tiến hành xác minh để xử phạt, nên hầu như những trường hợp người sử dụng xe không chính chủ lâu nay hiếm khi bị phạt.

Ôtô, xe máy và chuyện chính chủ, phụ chủ 1Có những phương tiện đã qua hàng chục đời chủ mà không biết người chủ đầu tiên là ai, thậm chí chủ trước đã chết. Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Nguyễn Hoàng Hiệp

Theo kết quả điều tra xã hội học của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, hiện có đến 40% phương tiện giao thông tại Việt Nam là không chính chủ. Trong đó, như Phó chủ tịch Ủy ban, ông Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, thì “có những phương tiện đã qua hàng chục đời chủ mà không biết người chủ đầu tiên là ai, thậm chí chủ trước đã chết”.

40% là con số không nhỏ, chưa nói đến là quá lớn để có thể xử lý “ngọt ngào” khi áp vào quy định. Bởi những lý do dẫn đến hiện thực phương tiện không chính chủ vốn mang muôn hình vạn trạng mà ở đó, có những trường hợp xuất phát từ những yếu tố rất riêng tại Việt Nam.

Trong loạt phản hồi mà độc giả gửi đến tòa soạn báo sau hai ngày thực hiện Nghị định 71, nhiều độc giả đã nêu lên những tình huống rất khó xử.

Chẳng hạn, một gia đình có 3 chiếc xe máy nhưng đều do một người đăng ký chủ sở hữu. Từ bản thân người bố đến người mẹ và người con đều sử dụng xe mang một tên đăng ký. Và để tránh bị xử phạt, trong khi người mẹ luôn phải kè kè bên mình giấy đăng ký kết hôn thì người con cũng phải giữ cuốn sổ hộ khẩu hoặc giấy khai sinh như một vật bất ly thân, ngoài những giấy tờ tùy thân thiết yếu khác.

Với đối tượng là sinh viên, xe máy chính chủ càng trở nên xa vời. Có bạn viết: “Đến Hà Nội học đại học, cháu được bố cho một chiếc xe để tiện đi lại. Không lẽ bây giờ cháu bắt bố phải viết giấy bán để đi đăng ký mới? Bố viết giấy cho mượn xe cũng được, nhưng chứng minh nhân thân thế nào? Không lẽ cháu phải cầm luôn giấy chứng minh thư của bố? Mà sau khi đọc báo thấy chuyện này bị xử phạt nặng, cháu tìm đọc nghị định thì còn gặp một quy định khác là người điều khiển phương tiện không mang theo chứng minh thư cũng bị phạt nặng. Vậy nếu cháu cầm chứng minh thư của bố, nghiễm nhiên đẩy bố cháu vào tình huống vi phạm pháp luật”.

Lại có trường hợp, một gia đình do điều kiện kinh tế chưa cho phép nên cả nhà 4 người phải dùng chung một chiếc xe máy. Trong trường hợp này, để giúp cả gia đình không vi phạm pháp luật, người đứng tên chủ sở hữu phải cùng lúc viết 3 tờ giấy cho mượn… vô thời hạn, đồng thời phải làm bản sao công chứng giấy tờ tùy thân là 3 bộ nữa, bởi giấy tờ gốc không không thể đem ra… cắt xén.

Đó chỉ là vài trường hợp điển hình mà nếu áp một cách máy móc vào quy định xem ra sẽ dễ nảy sinh nhiều chuyện dở khóc, dở cười.

Chính chủ, phụ chủ

Cũng nên nhìn nhận một cách khách quan là mỗi quy định pháp luật vốn dĩ không sai theo góc nhìn quản lý, có chăng chỉ là chưa phù hợp với thực tế theo từng thời điểm và ở chừng mực nào đó.

Không chỉ ở khía cạnh quản lý nhà nước mà ngay với bản thân người sử hữu và sử dụng phương tiện, vấn đề “chính chủ” cũng thực sự mang lại lợi ích cho bản thân. Khi giao thông được quản lý bằng hệ thống giám sát và xử lý hiện đại, thu phí hay phạt vi phạm tự động chẳng hạn, nếu phương tiện không do chính chủ điều khiển, nghiễm nhiên hệ thống sẽ tự động phạt người đứng tên. Và hệ quả tréo ngoe là, trong khi người trực tiếp sử dụng bị thu tiền (cầu đường) hoặc bị phạt do vi phạm pháp luật an toàn giao thông nghiễm nhiên bình yên thì người chủ sử hữu cũ lại bị mất tiền, bị lưu vào “sổ đen” vi phạm pháp luật.

Tại sao câu chuyện xử lý phương tiện không chính chủ lại bị xem là khó khăn, khó khả thi dẫn đến chưa nhiều người dân đồng tình?

Theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp, thì sở dĩ tỷ lệ phương tiện không chính chủ cao trong khi quy định xử phạt thực tế đã có từ rất lâu, là do khó thực hiện khâu xử lý.

Ông thừa nhận, để xử phạt người điều khiển phương tiện không chính chủ (vi phạm pháp luật ở chỗ không sang tên đổi chủ), bản thân cơ quan chức năng sẽ phải tiến hành xác minh xem có chính chủ hay không chính chủ. Viết giấy cho mượn thì rất dễ nên kèm theo đó sẽ còn những thủ tục phức tạp khác mà cơ quan chức năng phải xác minh. Nhưng công tác xác minh, đôi khi lại tốn kém hơn so với số tiền phạt. Đó chính là một trong những nguyên nhân mà lâu nay người điều khiển phương tiện không chính chủ chưa bị xử phạt.

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến cho rằng, khó không có nghĩa phải buông xuôi, không thực thi. Vấn đề ở chỗ nên dành thời gian để mỗi người dân nhận thức rõ các quy định pháp luật, chủ động thực hiện như một quyền lợi và nghĩa vụ của bản thân.

Ôtô, xe máy và chuyện chính chủ, phụ chủ 2Có độc giả nêu ý kiến: để giúp những người trong gia đình sử dụng chung phương tiện mà không bị phạt hoặc không phải cùng lúc thực hiện quá nhiều thủ tục, giấy tờ phát sinh, cơ quan chức năng nên nghiên cứu giải pháp bổ sung vào giấy đăng ký xe phần “phụ chủ” với vài “chủ phụ” khác nhau.

Có lẽ trước mắt, cơ quan cảnh sát giao thông cần ưu tiên hơn cho việc xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông khác, đặc biệt là những hành vi gây mất an toàn cao.

Một câu chuyện khác cần xem xét lại, theo nhiều ý kiến, là nên điều chỉnh các mức thu lệ phí trước bạ đối với xe đã qua sử dụng hay không. Bởi thực tế cho thấy, rất nhiều người do nhu cầu cá nhân hoặc điều kiện kinh tế chưa phù hợp nên buộc phải mua xe cũ. Song do mức phí đang bị đánh giá là cao (với ôtô là 12%) thì với số tiền phải chi lớn, họ thường lựa chọn sử dụng biển số cũ, theo đó nghiễm nhiên vi phạm quy định về sang tên, đổi chủ sau chuyển nhượng.

Suy cho cùng, trong tỷ lệ 40% phương tiện không chính chủ thì không phải toàn bộ là khó xử lý. Việc người dân mượn ôtô của nhau hay thuê xe để sử dụng không thường xuyên nên giấy tờ cho mượn kèm theo các thủ tục pháp lý không quá khó khăn. Còn trong trường hợp chuyển nhượng, việc sang tên đổi chủ là nên (và bắt buộc phải) làm. Khó là với những trường hợp mượn hoặc cho, tặng giữa những cá nhân mang quan hệ huyết thống.

Từ thực tế này, có độc giả nêu ý kiến: để giúp những người trong gia đình sử dụng chung phương tiện mà không bị phạt hoặc không phải cùng lúc thực hiện quá nhiều thủ tục, giấy tờ phát sinh, cơ quan chức năng nên nghiên cứu giải pháp bổ sung vào giấy đăng ký xe phần “phụ chủ” với vài “chủ phụ” khác nhau. Tương tự chiếc thẻ tín dụng, vốn lâu nay các ngân hàng đều cho phép đăng ký chủ thẻ phụ để khách hàng tiện sử dụng.