Xem xét kế hoạch lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu
Việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu đã từng được tiến hành 2 lần trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13
Theo chương trình phiên họp thứ 27 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, việc cho ý kiến về kế hoạch tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn được tiến hành ngay sáng ngày đầu tiên.
Cụ thể, sáng 10/9, sau khi cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghe Trưởng ban Công tác đại biểu báo cáo về kế hoạch lấy phiếu tín nhiệm và tiến hành thảo luận.
Việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn đã từng được tiến hành hai lần trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá 13. Sau khi sửa nghị quyết 35 thì việc này chỉ được tiến hành duy nhất một lần vào kỳ họp cuối năm của năm giữa nhiệm kỳ.
Theo nghị quyết, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với: Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội; Thủ tướng, phó thủ tướng, bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước.
Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín. Trên phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ của những người được lấy phiếu tín nhiệm, các mức độ: "tín nhiệm cao", "tín nhiệm", "tín nhiệm thấp".
Ngoài nội dung trên, trong phiên họp kéo dài gần 2 tuần của tháng 9 này, Uỷ ban Thường vụ còn xem xét các báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, công tác phòng chống tội phạm, phòng chống tham nhũng năm 2018.
Báo cáo tổng hợp của Chính phủ, của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và cá nhân có liên quan về việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn tại kỳ họp, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chất vấn tại phiên họp cũng được xem xét tại phiên họp này.
Các dự án luật được cho ý kiến tại phiên họp gồm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục (sửa đổi), Luật Thi hành án hình sự, Luật sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Quản lý thuế (sửa đổi)...
Đáng chú ý, lần này dự án Luật Hành chính công, sáng kiến lập pháp của đại biểu Trần Thị Quốc Khánh cũng sẽ được đưa ra thảo luận.
Ngoài ra, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội còn cho ý kiến việc chuẩn bị kỳ họp thứ sáu của Quốc hội, về đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, kế hoạch kiểm toán năm 2019...
Một số nội dung về tài chính như phương án bổ sung kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài giai đoạn 2016-2020 của Ngân hàng nhà nước Việt Nam, phương án phân bổ sử dụng nguồn kinh phí còn lại và xử lý vướng mắc trong việc chuyển nguồn kinh phí thường xuyên của ngân sách trung ương năm 2017 cũng nằm trong chương trình dự kiến của phiên họp.