11:20 21/04/2022

Xử lý nghiêm tình trạng nhập khẩu cá tầm lai

Chương Phượng

Bô Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để xử lý nghiêm tình trạng nhập lậu cá tầm. Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu các cơ quan chức năng thuộc Bộ cần tìm ra chính xác những lô, những cá thể cá tầm lai nhập khẩu, bởi chúng có thể xâm thực tự nhiên, phá hỏng hệ sinh thái, thậm chí gây nguy cơ dịch bệnh…

Cá tầm lai nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ gây nhiều hiểm họa.
Cá tầm lai nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ gây nhiều hiểm họa.

Từ năm 2020, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nuôi cá tầm phản ánh việc cá tầm Trung Quốc ồ ạt nhập khẩu vào Việt Nam và cho rằng, cá nhập từ Trung Quốc không chứng minh được nguồn gốc và giá bán chỉ bằng một nửa giá cá tầm trong nước.

Nhiều đơn phản ánh đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra nghi ngờ nhiều cá thể cá tầm nhập khẩu vào Việt Nam có thể là con lai, điều này trái với Công ước CITES mà Việt Nam là một nước tham gia. Trong đó, CITES quy định rõ, cá tầm nhập khẩu, sản xuất thương mại phải là thuần chủng.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì cuộc họp về cá tầm, ngày 20/4/2022.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì cuộc họp về cá tầm, ngày 20/4/2022.

220/246 MẪU GIÁM ĐỊNH NGHI NGỜ VI PHẠM

Báo cáo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hoạt động nhập khẩu cá tầm, ngày 20/4/2022, bà Hà Thị Tuyết Nga, Giám đốc Cơ quan quản lý CITES Việt Nam (Cơ quan thực thi Công ước về Buôn bán Quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp), cho biết thế giới có 27 loài cá tầm và tất cả đều được xếp vào danh mục quản lý theo Công ước CITES.

Trong số này, có 25 loài thuộc danh mục những loài bị đe dọa tuyệt chủng, nghiêm cấm xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển, quá cảnh mẫu vật từ tự nhiên vì mục đích thương mại.

 

"Hiện Việt Nam chỉ cho phép nhập khẩu mẫu vật cá tầm sống từ Trung Quốc và trứng cá tầm thụ tinh từ Đức và Nga. Trung bình hàng năm, nước ta nhập khoảng 2.500 tấn cá sống, và 20kg trứng cá. Với mẫu vật cá tầm sống, Việt Nam cho phép nhập 2 loài là cá tầm Siberi và cá tầm Nga. Trong năm 2021, CITES Việt Nam đã cấp giấy phép cho khoảng 3.000 tấn cá tầm sống nhập vào Việt Nam". 

Bà Hà Thị Tuyết Nga, Giám đốc Cơ quan quản lý CITES Việt Nam

Bà Hà Thị Tuyết Nga cho hay, tại Việt Nam, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật là cơ quan thường giám định cá tầm dựa trên gen ty thể. Tuy nhiên, Viện này chỉ đưa ra kết quả giám định mà không kết luận mẫu vật giám định có phù hợp với giấy phép CITES hay không.

Hai lý do được đưa ra, là giám định gen ty thể chỉ xác định di truyền theo dòng mẹ; và việc giám định ty thể chỉ trên một loại gen nên chưa đủ cơ sở kết luận.

Trong 246 kết quả giám định ADN ty thể cá tầm năm 2021, có 24 mẫu tương đồng với trình tự gen của loài cá tầm Amur, 2 mẫu tương đồng với cá tầm Sterlet, nhưng có tới 220 mẫu vừa tương đồng với loài Siberi vừa tương đồng với trình tự gen của cá tầm Nga. Thống kê này lột tả một phần số lượng cá tầm lai trong thực tế.

“Trước quan ngại từ Trung Quốc về vấn đề nhập khẩu cá tầm tại Việt Nam, Cơ quan CITES đã 3 lần gửi thư cho phía bạn trong vòng một tháng qua, đề nghị làm rõ chuyện cá tầm trong các trại nuôi của Trung Quốc có phải thuần chủng hay không. Tuy nhiên, đến nay CITES Việt Nam chưa nhận câu trả lời”, bà Nga cho hay.

Theo bà Nga, CITES Việt Nam đã gửi thư đề nghị Ban Thư ký CITES quốc tế hỗ trợ giám định cá tầm, đồng thời phối hợp tìm các biện pháp tham chiếu, khảo nghiệm, ứng xử phù hợp. Đồng thời, CITES Việt Nam cũng liên tục tổ chức các đoàn kiểm tra cơ sở kinh doanh nhập khẩu cá tầm sống từ Trung Quốc để tham mưu, tư vấn kịp thời cho các cơ quan quản lý nhà nước.

Ông Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Cơ quan thực thi Các Biện pháp Vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật), cho rằng hai nước Việt Nam và Trung Quốc có thể phối hợp triển khai một đơn vị thí nghiệm trung lập về kiểm soát cá tầm, nhằm đảm bảo lợi ích giữa bên xuất và nhập khẩu

Tại một số tỉnh biên giới Trung Quốc, nghề nuôi cá tầm được xem là giải pháp xóa đói giảm nghèo cho người dân. Thực thi kiểm soát Vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật trong nhập khẩu cá tầm, các bên cần hài hòa lợi ích với nhau theo quy định của WTO và thông lệ quốc tế.

“Nhập khẩu cá tầm với mục đích làm thực phẩm và sản xuất thương mại cần bộ tiêu chí đánh giá khác nhau, trong đó đặc biệt quan tâm đến những rủi ro về mất an toàn thực phẩm, thậm chí mang mầm bệnh cho cá tầm trong nước”, ông Lê Thanh Hòa nói.

KHẲNG ĐỊNH CẤM NHẬP KHẨU CÁ TẦM LAI

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo không cấp phép cho nhập khẩu cá tầm lai. Trong bối cảnh chưa có cơ quan nào tại Việt Nam đưa ra kết luận về giám định cá tầm nhập khẩu, thì giấy phép CITES cấp cho cá tầm nhập khẩu phải là cá thể thuần chủng. 

“Ngay từ khi xuất hiện những quan ngại về vấn đề nhập khẩu cá tầm, tôi đã trực tiếp thị sát hoạt động nhập khẩu tại cửa khẩu, cũng như các cơ sở kiểm dịch động vật, cơ sở kinh doanh. Từ đó, thấy rằng muốn sản xuất cá tầm thì phải có khảo nghiệm, muốn đưa cá tầm vào kinh doanh thương mại thì phải kiểm định được chất lượng an toàn, vệ sinh thực phẩm”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Khẳng định việc kiểm soát nhập khẩu cá tầm không chỉ là nhiệm vụ của CITES, mà còn là trách nhiệm của ngành thủy sản, ngành thú y, ngành nông nghiệp, Thứ trưởng yêu cầu CITES Việt Nam làm ngay 3 việc: Gửi tờ trình xin ý kiến các cơ quan, đơn vị liên quan; Tổ chức nhiều chuyên kiểm tra thực tế; Chọn đơn vị đủ khả năng giải trình, hoặc tham chiếu quốc tế để giải quyết rốt ráo vấn đề.

 

“Không được để những vấn đề trong tầm giải quyết tồn đọng quá lâu. Các đơn vị  kiểm soát nhập khẩu cá tầm cần dựa theo căn cứ là Nghị định số 06/2019/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm. Đây được xem là một bản nội địa hóa Công ước CITES, đồng thời là cơ sở pháp lý để các bên liên quan triển khai, thực hiện".

Ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

“Việc kiểm soát và cấp phép phải căn cứ trên cơ sở khoa học, không thể đưa kết quả chung chung. Cần phải kiểm soát chặt chứng chỉ lấy mẫu, tăng tần suất lấy mẫu, tăng số lượng lấy mẫu. Nếu không thể kết luận bằng giải trình tự một gen thì các bên liên quan phối hợp để giải trình tự nhiều gen, đến khi ra câu trả lời cuối cùng”. Thứ trưởng Phùng  Đức Tiến yêu cầu.

Nghe báo cáo của Cơ Quan Quản Lý CITES Việt Nam về hoạt động nhập khẩu cá tầm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan yêu cầu các cơ quan chức năng thuộc Bộ cần những đánh giá đầy đủ, chính xác về những cá thể lai, bởi chúng có thể xâm thực tự nhiên, phá hỏng hệ sinh thái, thậm chí gây nguy cơ dịch bệnh. 

Lấy ví dụ về chuyện ốc bươu vàng trước đây, Bộ trưởng nhấn mạnh: "Việc gì đúng, mang lại lợi ích cho người dân thì chúng ta cần ủng hộ. Các cơ quan, đơn vị không được né tránh vấn đề. Chậm một ngày là thiệt hại một ngày".

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để xử lý nghiêm tình trạng nhập lậu cá tầm. Bộ trưởng yêu cầu các bên liên quan xem xét toàn bộ vấn đề và đưa ra kết luận cụ thể để hướng dẫn doanh nghiệp, đảm bảo hài hòa lợi ích cho cả đơn vị nhập khẩu lẫn đơn vị sản xuất, kinh doanh trong nước.