17:36 19/07/2021

Nghi ngờ gian lận trong các lô hàng nhập khẩu cá tầm

Cảnh báo nguy cơ lây nhiễm các chủng virut mới từ cá tầm không rõ nguồn gốc đang được bán tràn lan trên thị trường Việt Nam...

Đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước kiểm tra, rà soát, làm rõ việc cấp Cites cho các doanh nghiệp nhập khẩu cá tầm vào Việt Nam hiện nay
Đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước kiểm tra, rà soát, làm rõ việc cấp Cites cho các doanh nghiệp nhập khẩu cá tầm vào Việt Nam hiện nay

Cơ quan thẩm quyền quản lý Cites Việt Nam (Công ước về buôn bán quốc tế các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp) vừa tổ chức đoàn liên ngành kiểm tra hoạt động nhập khẩu cá tầm tại các doanh nghiệp.

Đoàn kiểm tra này được thành lập sau nhiều lần các doanh nghiệp, hộ nuôi cá tầm tại Việt Nam lên tiếng trước tình trạng cá tầm không rõ nguồn gốc đang được nhập khẩu tràn lan trên thị trường Việt Nam.

NGHI NGỜ GIAN DỐI TRONG CẤP CITES

Hiệp Hội Phát triển cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng có đơn kiến nghị lần 2 gửi Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về vấn đề liên quan đến việc nhập khẩu cá tầm từ Trung Quốc.

Trong Đơn kiến nghị, Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh kiến nghị với Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ xem xét, có ý kiến yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công an kiểm tra tiến hành rà soát, làm rõ việc cấp Cites cho các doanh nghiệp nhập khẩu cá tầm vào Việt Nam hiện nay.

Hiệp hội phát triển cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng cho biết có căn cứ để nghi ngờ sự thiếu minh bạch, lợi dụng giấy phép Cites để nhập khẩu cá tầm tràn lan, sai phép.

Nghi ngờ của Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng được đặt ra sau ngày 24/6/2021, khi Tổng cục Hải quan có văn bản đã gửi cơ quan Cites Việt Nam về việc phối hợp kiểm tra cá tầm nhập khẩu.

 
Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng  nghi ngờ nhiều lô hàng nhập khẩu cá tầm hiện nay không nằm trong danh mục cá tầm được phép kinh doanh tại Việt Nam.

Tuy nhiên, kết quả giám định của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật sau đó đã không xác định cụ thể về giống, loài, con lai hay con thuần chủng của cá tầm nhập khẩu và cá tầm nhập khẩu có đúng với tên ghi trên Cites hay không?.

Theo quy định tại Nghị định số 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định cá tầm trong danh mục được phép kinh doanh ở Việt Nam gồm: cá tầm Beluga (Husohuso), cá tầm Nga (Acipenser gueldenstaedtii), cá tầm Sterlet (Acipenser ruthenus), cá tầm Xibêri (Acipenser sinensis) và cá tầm Trung Hoa (Acipenser sinensis).

Hiệp Hội Phát triển cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh, trong khi việc nhập khẩu cá tầm của các doanh nghiệp được cấp Cites hiện nay vẫn đang chưa khẳng định được là có phù hợp với Giấy phép Cites và quy định pháp luật hiện hành hay không nhưng vẫn tiếp tục cấp Cites cho các công ty nhập khẩu cá tầm là thiếu minh bạch.

Điều này ảnh hưởng lớn đến nghề nuôi cá tầm tại Việt Nam.

LẬP HỘI ĐỒNG KHOA HỌC KIỂM ĐỊNH CÁ TẦM NHẬP KHẨU

Kiến nghị của Hiệp Hội Phát triển cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng nêu rõ, trước đây, khi cá tầm Trung Quốc được kiểm soát nhập khẩu đúng quy định, đúng chủng loại và khối lượng khai báo, thì nghề nuôi cá tầm tại Việt Nam đã phục hồi dần, hàng nghìn hộ dân nuôi cá tầm trên cả nước bắt đầu bước qua giai đoạn khó khăn.

Theo đó, giá cá tầm nuôi trong nước đã tăng từ 120.000-130.000 đồng/kg lên 170.000-180.000 đồng/kg. Mức giá này đã bảo đảm phần nào việc duy trì sản xuất và tái đầu tư, phát triển cho nghề nuôi cá tầm.

Tuy nhiên, thời gian gần đây việc cấp Cites nhập khẩu cá tầm đang có dấu hiệu tăng trở lại, đặc biệt là cá tầm nhập khẩu từ Trung Quốc tăng mạnh làm cho giá cá tầm trên thị trường bị giảm xuống.

Do đó, Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng kiến nghị Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập Hội đồng khoa học thực hiện thẩm định, kiểm tra rà soát các loài cá tầm hiện đang nhập khẩu về Việt Nam.

Đồng thời, Hiệp hội cũng kiến nghị yêu cầu các cơ quan chức năng kiểm tra rà soát lại quy trình cấp Cites từ phía Việt Nam, bảo đảm tuân thủ đúng trình tự thủ tục của Công ước Quốc tế về buôn bán các loại động, thực vật hoang dã, nguy cấp; Yêu cầu kiểm soát công tác thực hiện kiểm dịch đối với các lô hàng cá tầm nhập khẩu từ Trung Quốc, tránh tình trạng cấp không đúng trình tự thủ tục hoặc một giấy phép kiểm dịch sử dụng nhiều lần cho nhiều lô hàng; Yêu cầu Tổng cục Hải quan siết chặt kiểm tra việc nhập khẩu các lô hàng cá tầm tại các cửa khẩu giao thương với Trung Quốc, đặc biệt là các cửa khẩu thường xuyên nhập khẩu cá tầm; Yêu cầu Tổng cục Quản lý Thị trường đẩy mạnh giám sát nhằm tránh việc trà trộn nguồn gốc hoặc tiêu thụ cá tầm nhập khẩu từ Trung Quốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đặc biệt là tại các đầu mối đang có lượng cá tầm tiêu thụ lớn nhất hiện nay là chợ Yên Sở (Hà Nội) và chợ Bình Điền (TP.HCM).

PHÁT HIỆN NHIỀU VỤ NHẬP KHẨU SAI PHÉP

Chia sẻ với VnEconomy, đại diện Tổng cục Hải quan cho biết câu chuyện nhập khẩu cá tầm cũng đang khiến đơn vị này đau đầu.

Thời gian qua, lực lượng Hải quan một số cửa khẩu tại Lào Cai, Lạng Sơn, đã tiến hành lấy mẫu một số lô cá tầm nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam và phát hiện nhiều lô cá tầm không đúng với Giấy phép do Cơ quan Quản lý Cites Việt Nam cấp, không đúng với tờ khai hải quan, không thuộc danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam…

Thực tế, có những lô hàng được trà trộn nhiều loại cá tầm khác nhau, trong đó có cả những loại không nằm trong danh mục được kinh doanh tại Việt Nam.

Ngoài ra, việc kiểm tra các lô hàng cá tầm nhập khẩu vừa qua đang “vênh” nhau về kết quả giám định nên khó cho Hải quan khi xử lý.

Theo Tổng cục Hải quan, như một số lô hàng nhập khẩu được Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I kết luận là không đúng chủng loại với tờ khai hải quan và Giấy phép nhập khẩu do Cơ quan Quản lý Cites Việt Nam cấp.

Tuy nhiên, cùng lô hàng đó nhưng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật lại kết luận là có một mẫu đúng chủng loại và 4 mẫu không đúng chủng loại với tờ khai hải quan của doanh nghiệp.

Điều đáng nói là cả kết luận giám định Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật và Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I đều không xác định lô cá tầm nhập khẩu có thuộc Danh mục được phép kinh doanh tại Việt Nam hay không.

Theo Tổng cục Hải quan, sau khi làm việc với các đơn vị liên quan và nhận được khẳng định các loài cá tầm do Cơ quan quản lý Cites Việt Nam cấp giấy phép nhập khẩu và cá tầm thuộc Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam phải là cá tầm thuần chủng.

 
Khó khăn của cơ quan chuyên môn là không có mẫu gen cá tầm thuần chủng để có thể so sánh với mẫu gen lấy từ các lô hàng nhập khẩu để đưa ra  kết luận cuối cùng.

Tuy nhiên, những lô hàng cá tầm nhập khẩu về Việt Nam được Hải quan lấy mẫu đi kiểm tra lại không được các cơ quan chuyên môn kết luận có phải là giống thuần chủng hay không.

Phía Tổng cục Hải quan thừa nhận, việc Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng kiến nghị thành lập Hội đồng Khoa học thực hiện thẩm định, kiểm tra rà soát các loài cá tầm hiện đang nhập khẩu về Việt Nam là đúng. Chỉ có làm như vậy việc nhập khẩu cá tầm mới trở nên minh bạch, đúng pháp luật và không gây ảnh hưởng đến các hộ nuôi cá trong nước.