Xử phạt thao túng giá chứng khoán ngày càng nhiều
Trong số gần 300 quyết định xử phạt vi phạm trên thị trường chứng khoán trong 9 tháng qua có 5 trường hợp vi phạm về thao túng giá chứng khoán
Trong số gần 300 quyết định xử phạt vi phạm trên thị trường chứng khoán trong 9 tháng qua có 5 trường hợp vi phạm về thao túng giá chứng khoán. Cả 5 trường hợp này cùng nhận trát phạt 550 triệu đồng và đều được xác định hậu quả do hành vi thao túng cổ phiếu gây ra chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Tổng số tiền phạt của 5 vụ thao túng giá chứng khoán chiếm hơn 19% trong tổng số 14,4 tỷ đồng tiền xử phạt toàn thị trường trong 9 tháng qua.
Trong 9 tháng đầu năm 2018, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã triển khai 45 đoàn thanh, kiểm tra, trong đó có nhiều đoàn kiểm tra đột xuất, tập trung vào hoạt động giao dịch, chào bán/phát hành chứng khoán, về hoạt động kinh doanh chứng khoán.
Trên cơ sở kết quả giám sát, thanh kiểm tra, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xử phạt hành chính đối với 296 tổ chức, cá nhân với tổng số tiền xử phạt 14,4 tỷ đồng trong đó xử phạt 5 trường hợp thao túng giá chứng khoán với tổng số tiền phạt 2,75 tỷ đồng; tích cực phối hợp với cơ quan công an để xác minh, điều tra đối với một số vụ việc trên thị trường chứng khoán, tăng cường phối hợp giữa hai bên trong giám sát, phát hiện, kịp thời xử lý các hiện tượng thao túng, lũng đoạn thị trường.
Thao túng bị phạt hành chính và khởi tố hình sự
Ngoài 3 vụ thao túng giá chứng khoán đã bị khởi tố hình sự (vụ thao túng giá cổ phiếu DVD khởi tố năm 2010, vụ MTM khởi tố năm 2016, vụ CDO khởi tố năm 2017), trong 9 tháng 2018 có 5 vụ thao túng giá chứng khoán bị xử phạt vi phạm hành chính.
Mới đây nhất, ngày 20/09/2018, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Hoàng Minh Tú vì đã sử dụng 32 tài khoản để liên tục mua, bán, tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu của Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại Long Thành (nay là Công ty Cổ phần Đầu tư HP Việt Nam, mã chứng khoán: KDM)), trong thời gian từ ngày 29/3/2016 đến 17/4/2017.
Tuy nhiên, kết quả kiểm tra và các tài liệu có trong hồ sơ, xem xét tính toán số lợi bất hợp pháp từ việc thực hiện hành vi vi phạm cho thấy: không có số lợi bất hợp pháp từ hành vi vi phạm của ông Tú.
Trước đó, ngày 31/8, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã phạt ông Nguyễn Minh Tuấn với số tiền 550 triệu đồng, do đã thực hiện hành vi thao túng cổ phiếu của Công ty Cổ phần Đầu tư và Tư vấn Hà Long (nay là Công ty Cổ phần Halcom Việt Nam, mã chứng khoán: HID).
Ông Nguyễn Minh Tuấn đã sử dụng 2 tài khoản của mình và 36 tài khoản đứng tên người khác mở tại 8 công ty chứng khoán để liên tục mua, bán, tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu HID từ ngày 1/8/2016 đến 30/3/2017.
Tuy nhiên, căn cứ kết quả xác minh của Cơ quan công an, hậu quả do hành vi thao túng cổ phiếu HID của ông Nguyễn Minh Tuấn gây ra chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự và xem xét tính toán số lợi bất hợp pháp từ việc thực hiện hành vi vi phạm cho thấy không có số lợi bất hợp pháp từ hành vi vi phạm của ông Nguyễn Minh Tuấn.
Tương tự, trường hợp của ông Nguyễn Quang Vịnh cũng đã nhận trát phạt 550 triệu đồng khi đã sử dụng 12 tài khoản để liên tục mua, bán, tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu của Công ty Cổ phần Vinaconex 21 (mã chứng khoán: V21)). Trường hợp của ông Vịnh cũng được kết luận là không có số lợi bất hợp pháp từ hành vi vi phạm.
Trường hợp của ông Nguyễn Minh Toàn nhận trát phạt 550 triệu đồng vào ngày 4/5/2018 do đã sử dụng 1 tài khoản của mình và 21 tài khoản đứng tên người khác mở tại 3 công ty chứng khoán để liên tục mua, bán, tạo cung - cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu MBG của Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng và thương mại Việt Nam, trong thời gian từ ngày 26/11/2015 đến ngày 8/8/2016.
Trước ông Toàn, tháng 4/2018, Ủy ban Chứng khoán đã phạt ông Đức Minh Đạo 550 triệu đồng do sử dụng 1 tài khoản của mình và 14 tài khoản đứng tên người khác mở tại 3 công ty chứng khoán để liên tục mua, bán, tạo cung - cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu SGO.
Trong số hàng trăm nghìn những hiện tượng, mới chỉ có vài trường hợp bị phạt. Nhưng liệu mức phạt như vậy đã đủ sức răn đe? Nhiều vụ sai phạm không thấy Ủy ban Chứng khoán ra quyết định thu hồi khoản thu lợi bất chính?
Theo bà Vũ Thị Chân Phương, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán, nhà đầu tư thao túng cổ phiếu có nhiều mục tiêu khác nhau. Có trường hợp thao túng để tạo thanh khoản tốt bằng việc dùng kỹ thuật cho chứng khoán chạy lòng vòng giữa các tài khoản của họ, mà chưa thu lợi bất chính.
Với trường hợp này, khi Ủy ban Chứng khoán phát hiện thì xử phạt và đương nhiên không thể kèm theo đó là tịch thu khoản thu lợi bất chính vì trên thực tế không có. Ngược lại, có trường hợp vi phạm mà Ủy ban Chứng khoán phát hiện nhà đầu tư thu lợi bất chính thì ngoài áp dụng mức hình phạt cao, Ủy ban Chứng khoán còn ra quyết định tịch thu khoản thu lợi bất chính.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, việc chứng minh được khoản thu lợi bất chính để tịch thu không đơn giản.
"Chúng tôi thường xuyên làm việc với cơ quan công an, viện kiểm sát để phối hợp đánh giá và xử lý vi phạm. Các trường hợp xử phạt hành chính về thao túng giá chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán đều phối hợp với cơ quan công an, chứ không tùy tiện ra quyết định xử phạt", Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết.
Từ vụ việc có dấu hiệu vi phạm đến ra quyết định xử phạt là cả một quá trình, vì phải chứng minh được làm giá thông qua làm rõ hành vi câu kết, thông đồng, việc làm giá có tác động đến thị trường thế nào, mục đích thao túng để làm gì.
"Ở các nước có thị trường chứng khoán phát triển, chẳng hạn Pháp, họ đưa ra cảnh báo hàng nghìn trường hợp có giao dịch bất thường, nhưng để có căn cứ đưa ra xử phạt thì không nhiều, vì việc chứng minh vi phạm cần nhiều thời gian, nhiều bằng chứng cụ thể", bà Phương cho biết thêm.
Khắc phục khi sửa Luật Chứng khoán?
Để tăng tính răn đe với các hành vi vi phạm, trong quá trình sửa Luật Chứng khoán và Luật Xử lý vi phạm hành chính, Ủy ban Chứng khoán đã kiến nghị bổ sung vào các luật này các chế tài mới theo hướng tăng nặng, với mong muốn giữ gìn kỷ cương thị trường.
Đồng thời, hướng tới tạo dựng khung khổ pháp lý cho sự phát triển của thị trường, một trong những chính sách nhằm hoàn thiện nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán đang được Ban soạn thảo đưa vào Luật Chứng khoán sửa đổi là nâng cao thẩm quyền của cơ quan quản lý trong việc quản lý, giám sát và xử lý vi phạm trên thị trường.
Đây vốn là đề xuất không mới bởi từ năm 2010 khi xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã đề xuất được trao quyền điều tra. Chính phủ đã đồng ý nhưng Quốc hội đã không thông qua nội dung này.
Trong dự thảo lần này, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chỉ đưa ra quyền được tiếp cận thông tin như trên chứ không phải là quyền điều tra nhằm yêu cầu các bên liên quan cung cấp thông tin để hỗ trợ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong việc xác định hành vi giao dịch nghi vấn. Quyền này khác với quyền điều tra của cơ quan công an.
Trả lời câu hỏi của báo chí về việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đề xuất thêm quyền này có phải tình trạng thao túng hay làm giá đang trở thành mối nguy, ảnh hưởng quyền lợi nhà đầu tư? Khi chưa có quyền điều tra nhưng Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vẫn đang xác định, xử lý được các vi phạm. Nếu có quyền tiếp cận thông tin như vậy việc xác định hành vi vi phạm liệu có nhanh hơn?...
Theo ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, câu hỏi về quyền này có cần thiết hay không cũng giống như là câu hỏi đất nước có cần thiết phải có cảnh sát hay không? Chừng nào cần duy trì trật tự xã hội thì vẫn cần cảnh sát và cảnh sát vẫn cần phải tiếp tục nâng cao nghiệp vụ, hiện đại hóa trang thiết bị để theo kịp diễn biến của xã hội.
"Tương tự, ở góc độ cơ quan giám sát thị trường, chúng tôi cho rằng, chừng nào còn có thị trường chứng khoán thì cơ quan giám sát còn cần được trao thẩm quyền để giám sát, theo kịp diễn biến của thị trường. Và, khi có quyền này thì việc xác định hành vi giao dịch đó có vi phạm hay không sẽ nhanh hơn", ông Dũng nói.