Đưa hồ tiêu ra khỏi luồng vàng, gỡ khó trước nguy cơ mất các thị trường lớn
Việc đưa hồ tiêu ra khỏi luồng vàng là quyết định mang tính linh hoạt, gỡ khó cho hồ tiêu trước nguy cơ mất các thị trường lớn.…
Ngày 29/7, chia sẻ với VnEconomy, đại diện Tổng cục Hải quan xác nhận đã quyết định đưa mặt hàng hồ tiêu ra khỏi danh mục áp dụng phân luồng vàng khi làm thủ tục xuất khẩu.
TĂNG THÊM CHI PHÍ CHO DOANH NGHIỆP XUẤT KHẨU
Mặc dù chưa có hướng dẫn cụ thể, thậm chí là trái với quy định tại Điều 3 Thông tư 03/2021/TT-BYT của Bộ Y tế nhưng việc đưa hồ tiêu ra khỏi luồng vàng là quyết định mang tính linh hoạt, gỡ khó cho Hồ tiêu trước nguy cơ mất các thị trường lớn.
Mặt hàng hồ tiêu khi xuất khẩu phải đáp ứng được Thông tư 03/2016/TT-BYT ngày 21/1/2016 của Bộ Y tế. Cụ thể là là quy định xuất khẩu dược liệu phải đủ điều kiện đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc.
Trước đó, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam đã lên tiếng về việc Thông tư 48/2018/TT-BYT ngày 28/12/2018 của Bộ Y tế đưa mặt hàng hồ tiêu (có mã HS 0904.11.20) vào danh mục dược liệu.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, với quy định tại Thông tư 48 của Bộ Y tế mặt hàng hồ tiêu trước kia chỉ có khoảng 6% sản lượng xuất khẩu nằm trong luồng vàng, thì nay tăng lên 60%.
Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn phản ánh lên Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho biết, 95% hồ tiêu xuất khẩu của mình phải đưa vào luồng vàng.
Việc hồ tiêu bị đưa vào luồng vàng đã gây không ít khó khăn cho mặt hàng hồ tiêu của Việt Nam như đội giá do tăng chi phí, kéo dài thời gian thông quan… Hệ quả là thị phần hồ tiêu của Việt Nam tại các thị trường lớn như Mỹ đang bị sụt giảm.
CHỈ NÊN ÁP DỤNG VỚI HÀNG NHẬP KHẨU
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu cho rằng, quy định của Bộ Y tế là “cầm đèn chạy trước ô tô” vì hơn 95% lượng hàng hồ tiêu của Việt Nam được đăng ký xuất khẩu theo dạng hàng hóa nông sản, mục đích làm thực phẩm, gia vị… mà không nhằm mục đích làm dược liệu.
Thực tế, nếu xuất khẩu với mục đích làm dược liệu sẽ rất khó đưa vào các thị trường lớn như Mỹ, EU… vì tiêu chuẩn cho nguyên liệu nhập khẩu làm dược liệu của các thị trường này rất khắt khe.
Các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu cho rằng chỉ nên áp dụng quy định liên quan đến y tế cho hàng nhập khẩu vào Việt Nam để đảm bảo an toàn. Với hàng xuất khẩu không nên áp dụng, còn thị trường nhập khẩu nào áp dụng là chuyện của họ.
Ở đây Bộ Y tế Việt Nam đang đi ngược và làm khó cho mặt hàng hồ tiêu của Việt Nam khi xuất khẩu. Trong khi các thị trường nhập khẩu lại không áp dụng các quy định này, họ chỉ áp dụng với mặt hàng hồ tiêu nhập khẩu với mục đích làm dược liệu.
Theo tìm hiểu của VnEconomy, ngay sau khi Thông tư 48 được Bộ Y tế ban hành, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu đã có ý kiến phản ánh, kiến nghị chỉ nên áp dụng cho hàng nhập khẩu để tránh gây khó khăn cho hồ tiêu xuất khẩu.
Đến tháng 3/2021, Bộ Y tế mới tiếp thu khi ban hành thông tư số 03/2021/TT-BYT loại bỏ một số mặt hàng trong đó có hạt tiêu ra khỏi danh mục.
Tổng cục Hải quan, cho biết mặc dù Thông tư 03 đã loại bỏ Hồ tiêu ra khỏi danh mục dược liệu nhưng chính tại Điều 3 của Thông tư này vẫn quy định: “Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo thông tư này được sử dụng với mục đích làm thuốc và nguyên liệu làm thuốc thì thực hiện theo các quy định của văn bản quy phạm pháp luật về dược”.
Với quy định này thì mặt hàng hồ tiêu vẫn thuộc nhóm hàng xuất, nhập khẩu có điều kiện. Do đó Hải quan vẫn phải phân luồng mặt hàng Hồ tiêu vào luồng vàng để tiến hành kiểm tra theo quy định về kiểm tra chuyên ngành y tế.
Trước những vướng mắc như vậy, Tổng cục Hải quan đã có văn bản gửi đến Bộ Y tế đề nghị nghiên cứu, rà soát danh mục tại Thông tư số 48 và Danh mục tại Thông tư số 03 để thống nhất ban hành danh mục dược liệu.
Tổng cục Hải quan cũng đề nghị Bộ Y tế không quy định kiểm tra điều kiện về dược đối với tất cả hàng hóa xuất khẩu, vì việc sử dụng vào mục đích gì là do nhà nhập khẩu ở nước ngoài chứ không phải do nhà xuất khẩu Việt Nam.
Quy định này làm phát sinh thủ tục, chi phí và là rào cản đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam.