18:30 21/06/2021

Nguy cơ vỡ quy hoạch khi người dân ồ ạt mở rộng diện tích trồng hồ tiêu

Chu Khôi

Khối lượng hạt tiêu xuất khẩu tháng 5/2021 đạt 30 nghìn tấn, đem về giá trị đạt 102 triệu USD. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu hạt tiêu đạt 124 nghìn tấn và 387 triệu USD, giảm 15,6% về khối lượng nhưng tăng 25,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020...

Nông dân ồ ạt trồng hồ tiêu có nguy cơ vỡ quy hoạch.
Nông dân ồ ạt trồng hồ tiêu có nguy cơ vỡ quy hoạch.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, việc giá hồ tiêu tăng cao trong thời gian gần đây là tín hiệu đáng mừng, là cơ hội để người trồng tiêu vực dậy sau nhiều năm giá xuống thấp.

Tuy nhiên, hiện ở nhiều địa phương tại Tây Nguyên, nông dân đang ồ ạt mở rộng diện tích hồ tiêu, vấn đề này rất đáng lo ngại vì nguy cơ dẫn đến vỡ quy hoạch, cung vượt cầu.

GIÁ TRỊ TĂNG, XUẤT KHẨU LẠC QUAN

Các thị trường xuất khẩu hạt tiêu lớn nhất của Việt Nam là Hoa Kỳ, Tiểu Vương Quốc Ảrập Thống Nhất và Pakistan với 34,8% thị phần. Xuất khẩu hạt tiêu tăng mạnh nhất ở thị trường Pháp với mức tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm trước.

Điều đặc biệt đáng mừng, giá tiêu xuất khẩu 5 tháng đầu năm nay đạt bình quân đạt 3.039 USD/tấn, tăng 42,4% so với cùng kỳ năm 2020. Nhờ giá tăng cao, nên mặt dù khối lượng xuất khẩu giảm mạnh, nhưng tiền thu về vẫn tăng cao hơn 25% so với cùng kỷ năm trước.

Cục Chế biến và Phát triển thị trường đưa ra dự báo, tình hình xuất khẩu hồ tiêu đang có dấu hiệu lạc quan hơn, khi giá hồ tiêu đang tăng mạnh. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã nhận được đơn hàng, trong bối cảnh nguồn cung cạn dần do vụ thu hoạch tiêu đã kết thúc. Nguyên nhân giá tiêu tiếp tục tăng là do nguồn cung tại Việt Nam - nước sản xuất tiêu lớn nhất thế giới giảm mạnh so với năm trước.

 
Nhìn lại ngành hồ tiêu 5 năm qua cho thấy, giai đoạn 2011-2018, xuất khẩu hồ tiêu luôn tăng trưởng cả về lượng và giá trị. Thế nhưng, những năm 2017 -2020, xuất khẩu hồ tiêu luôn lâm vào cảnh tăng mạnh về lượng, nhưng giảm về giá trị xuất khẩu.

Theo Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích trồng hồ tiêu cả nước năm 2001 chỉ có 35,3 nghìn ha. Năm 2015, diện tích trồng tiêu đạt 86.000 ha. Đến năm 2017 tăng vọt lên 152 ngàn ha, năm 2018, diện tích hồ tiêu có dấu hiệu giảm dần còn 149,8 ngàn ha và năm 2019 còn khoảng 140 ngàn ha.

Diện tích trồng hồ tiêu cả nước tính đến cuối năm 2020 còn 130 nghìn ha, giảm hơn 10 nghìn ha so với năm trước, trong đó đang cho thu hoạch là 110 nghìn ha.

Xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam năm 2016 đạt 176,6 nghìn tấn, kim ngạch đạt kỷ lục 1.422 triệu USD. Năm 2017, cả nước xuất khẩu được khoảng 214 ngàn tấn tiêu, kim ngạch đạt 1,11 tỷ USD; giảm 21% so với năm 2016.

Năm 2018, xuất khẩu được 232 ngàn tấn, kim ngạch đạt 758,8 triệu USD giảm 32,1% về giá trị so với năm 2017. Năm 2019, Việt Nam xuất khẩu được 287 ngàn tấn hồ tiêu, trị giá 722 triệu USD, tăng tới 23,4% về lượng nhưng giảm 4,8% về giá trị so năm 2018.

Xuất khẩu tiêu năm 2020 đạt 288 nghìn tấn và 666 triệu USD, tăng 1,2% về khối lượng nhưng lại giảm 6,8% về giá trị so với năm 2019. Trong 5 tháng đầu năm cho thấy, xuất khẩu tiêu đang đổi chiều: giảm về lượng nhưng tăng về giá trị.

Hiện hồ tiêu Việt Nam được xuất khẩu đến 108 quốc gia và vùng lãnh thổ, là quốc gia hàng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu khi chiếm trên 40% về sản lượng và trên 60% về thị phần xuất khẩu hồ tiêu.

Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân khiến giá hồ tiêu tăng cao trong niên vụ 2020- 2021 là do giá hồ tiêu xuống thấp liên tiếp nhiều năm qua, cho nên nông dân ở nhiều địa phương đã phá bỏ cây tiêu, chuyển sang trồng cây khác, dẫn đến sản lượng tiêu thu hoạch và xuất khẩu giảm mạnh.

 NGUY CƠ CUNG VƯỢT CẦU, VỠ QUY HOẠCH

Tại thị trường nội địa, giá tiêu ngày 21/6 trong khoảng 71.000 - 74.500 đồng/kg. Hiện với mức giá này, cho thấy giá tiêu đang ở mức cao nhất trong vòng 4 năm trở lại đây.

Vài tháng trở lại đây, khi thấy giá tiêu liên tục tăng, nhiều nông dân Đắk Lắk, Đắk Nông đang bắt đầu tăng diện tích trồng cây tiêu. Ông Doãn Gia Lộc, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông cho biết toàn huyện có hơn 1.000ha hồ tiêu, trong đó phần lớn đã cho thu hoạch.

Từ đầu mùa vụ tới nay, mặt bằng giá hồ tiêu tăng hơn mọi năm, nên người dân đã mở rộng diện tích loại cây trồng này. Thị trường buôn bán trụ hồ tiêu đã nóng trở lại. Tuy nhiên, điều này sẽ đối diện nhiều rủi ro, thậm chí tái diễn tình trạng “cung vượt quá cầu”.

Trước thực trạng trên, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Nô đã khuyến cáo người dân cần cẩn trọng, trong thời điểm này chưa nên mở rộng diện tích hồ tiêu.

 
"Trước đây có nhiều vườn tiêu bị chết do dịch bệnh, chủ vườn đào trụ lên bán lại. Lúc này, mầm bệnh vẫn tồn tại trên trụ tiêu, nếu không được xử lý kỹ, nông dân rất dễ “gặp họa”. Vì vậy, người dân không nên tiếp tục phát triển hồ tiêu mà cần tập trung chăm sóc những vườn hồ tiêu khỏe mạnh, phù hợp để ổn định sản xuất".
Ông Doãn Gia Lộc, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển nông sản cho rằng, việc giá hồ tiêu tăng cao như hiện nay là tín hiệu đáng mừng cho nông dân, cho ngành hồ tiêu, cũng là cơ hội để người trồng tiêu vực dậy sau nhiều năm giá xuống thấp.

Tuy nhiên, hiện ở nhiều địa phương tại Tây Nguyên, nông dân đang ồ ạt mở rộng diện tích hồ tiêu, vấn đề này rất đáng lo ngại vì nguy cơ dẫn đến vỡ quy hoạch, cung vượt cầu.

Để tránh rủi ro cho người trồng hồ tiêu, các địa phương nên khuyến cáo người dân cần thận trọng khi mở rộng diện tích trồng hồ tiêu lúc giá đang lên cao. Người dân cần tập trung chăm sóc, đầu tư vào diện tích hồ tiêu đang cho năng suất ổn định, tránh đầu tư vào những vùng đất kém hiệu quả, cằn cỗi; chú trọng đầu tư theo hướng hữu cơ, VietGAP.

Mặt khác, các địa phương cần hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ tiêu sạch đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, bảo đảm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần chủ động tiếp cận thị trường, đầu tư mạnh vào chế biến sâu để tăng các loại sản phẩm, số lượng và kim ngạch xuất khẩu khi thu hoạch rộ hồ tiêu. 

 
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn định hướng đến năm 2025, duy trì diện tích trồng hồ tiêu khoảng 100.000-120.000 ha, diện tích cho thu hoạch 95.000 ha, năng suất bình quân 25-27 tạ/ha, sản lượng khoảng 237-256 ngàn tấn/năm.