18:24 03/10/2022

Xuất khẩu nông lâm thủy sản vượt trên 40 tỷ USD, nhiều mặt hàng tăng trưởng cao

Chu Khôi

Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng (VA) của khu vực nông lâm thủy sản 9 tháng năm 2022 đạt 2,99% so với cùng kỳ 2021; trong đó, nông nghiệp tăng khoảng 2,43%, lâm nghiệp tăng 5,2% và thủy sản tăng 4,43%. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 3 quý ước khoảng 40,8 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước…

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản trong 9 tháng đạt khoảng 74,7 tỷ USD, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản trong 9 tháng đạt khoảng 74,7 tỷ USD, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước.

Thông tin tại buổi họp báo thường kỳ diễn ra vào chiều 03/10/2022, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết 9 tháng năm 2022, nông nghiệp vẫn đạt tăng trưởng khá; năng suất, sản lượng nhiều sản phẩm chủ lực tăng, đảm bảo đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, góp phần vào tăng trưởng chung của kinh tế cả nước.

7 SẢN PHẨM/NHÓM SẢN PHẨM ĐẠT GIÁ TRỊ XUẤT KHẨU TRÊN 2 TỶ USD  

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản trong 9 tháng đạt khoảng 74,7 tỷ USD, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu ước khoảng 40,8 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm ngoái; nhập khẩu ước khoảng 33,9 tỷ USD, tăng 5,7%; xuất siêu khoảng 6,9 tỷ USD, gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì họp báo chiều 3/10/2022.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì họp báo chiều 3/10/2022.

Đến nay, có 7 sản phẩm/nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD (cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, sản phẩm gỗ). Nhiều mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn cùng kỳ năm trước, như: Cà phê gần 3,1 tỷ USD (tăng 37,6%); cao su trên 2,3 tỷ USD (tăng 7,8%); gạo trên 2,6 tỷ USD (tăng 9,3%); hồ tiêu khoảng 774 triệu USD (tăng 7,7%); sắn và sản phẩm sắn trên 1,0 tỷ USD (tăng 21,0%), cá tra trên 1,9 tỷ USD (tăng 83,3%), tôm gần 3,5 tỷ USD (tăng 24,8%), gỗ và sản phẩm gỗ trên 12,4 tỷ USD (tăng 11,4%); mây, tre, cói thảm 654 triệu USD (tăng 3,4%), phân bón các loại 900 triệu USD (tăng 170,4%); thức ăn gia súc và nguyên liệu 861 triệu USD (tăng 9,7%). 

 

"Về xuất khẩu trong 9 tháng, nhóm nông sản chính đạt trên 16,8 tỷ USD, tăng 7,5%; lâm sản chính khoảng 13,3 tỷ USD, tăng 10,8%; thủy sản trên 8,5 tỷ USD, tăng 38,0%; chăn nuôi 265,5 triệu USD, giảm 18,4%".

Về thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản 9 tháng: các thị trường thuộc khu vực châu Á chiếm 43,7% thị phần; châu Mỹ chiếm 28,3%; châu Âu chiếm 11,6%; châu Đại Dương  chiếm 1,7% và châu Phi chiếm 1,7%.

Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất, đạt trên 10,5 tỷ USD (chiếm 25,8% thị phần. Đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc khoảng 7,4 tỷ USD (chiếm 18,2% thị phần); thứ 3 là thị trường Nhật Bản với giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt trên 3,1 tỷ USD (chiếm 7,6%); thứ 4 là thị trường Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu đạt trên 1,9 tỷ USD (chiếm 4,7%).

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết đến nay, đã cấp 4.597 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu tại 54 tỉnh, thành phố; 1.419 mã số cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu cho các loại quả tươi (thanh long, xoài, vú sữa, chuối, bưởi, chanh không hạt, nhãn, vải, ớt, thạch đen...) được phép xuất khẩu sang Trung Quốc, Hoa Kỳ, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Gần nhất có 2 Nghị định thư về xuất khẩu chanh dây và sầu riêng đã được ký giữa Việt Nam - Trung Quốc; đã có 25 mã số cơ sở đóng gói và 51 vùng trồng sầu riêng được Trung Quốc phê duyệt và trong tháng 9 đã xuất khẩu lô sầu riêng chính ngạch đầu tiên sang thị trường Trung Quốc.

TĂNG TRƯỞNG GDP NGÀNH LÂM NGHIỆP LÊN TỚI 5,2%

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng của khu vực nông lâm thủy sản 9 tháng đạt 2,99% so với cùng kỳ 2021.

Thông tin về ngành trồng trọt, Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường cho hay trong 9 tháng, giá trị sản xuất trồng trọt tăng khoảng 1,0% so với cùng kỳ năm 2021.

Lũy kế đến trung tuần tháng 9, cả nước gieo cấy được gần 7 triệu ha lúa; đã thu hoạch trên 5,4 triệu ha; năng suất bình quân đạt 61,6 tạ/ha; sản lượng thu hoạch trên 33,4 triệu tấn. Nhóm cây ăn quả: Tổng diện tích đạt 1.162,6 nghìn ha, tăng 25,6 nghìn ha, tăng 2,3%. Nhóm cây công nghiệp hiện có tổng diện tích 2.198,3 nghìn ha, tăng 18,0 nghìn ha so với cùng kỳ năm trước.

Thông tin về ngành chăn nuôi, ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết nhờ dịch bệnh trên gia súc, gia cầm cơ bản được kiểm soát nên chăn nuôi gia súc, gia cầm đã phục hồi và phát triển trở lại.

Giá trị sản xuất 9 tháng tăng khoảng 5,35% với sản lượng thịt hơi các loại đạt trên 5,1 triệu tấn, tăng 5,33% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, đàn lợn ước tăng 8,8%, sản lượng thịt lợn hơi ước đạt 3.232,7 nghìn tấn, tăng 5,8%. Đàn gia cầm ước tăng 3,8%; sản lượng thịt ước đạt 1.467,1 nghìn tấn, tăng 4,8%. Trứng ước đạt 13,4 tỷ quả, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Tổng cục Lâm nghiệp thông tin: Diện tích trồng rừng từ đầu năm đến nay đạt 187,5 nghìn ha, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng gỗ khai thác ước đạt 13,7 triệu m3, tăng 6,18%; sản lượng củi 13,9 triệu ste, tăng 0,36%. Chín tháng, cả nước thu 2.471 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng, đạt 82,4% kế hoạch, tăng 17,2% so cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng GDP ngành lâm nghiệp đạt tới 5,2% so với cùng kỳ năm trước.

 

"Giá trị sản xuất lĩnh vực thủy sản 9 tháng ước tăng khoảng 4,43% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thủy sản tháng 9 ước đạt 805,9 nghìn tấn, tăng 4,3% so với tháng 9/2021; lũy kế 9 tháng, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 6.602,8 nghìn tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước".

Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết để đạt được mục tiêu cả năm 2022 (Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 toàn ngành 2,8 - 3,0%; Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản khoảng 55 tỷ USD - cao hơn Chính phủ giao 5 tỷ USD), ngành nông nghiệp chỉ đạo nhiều giải pháp trong quý cuối năm. Đó là, tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh; tổ chức lại sản xuất theo vùng chuyên canh.

Bộ cũng đã hướng dẫn, định hướng các địa phương (nhất là các vùng trọng điểm sản xuất gạo, chăn nuôi, thủy sản) có kế hoạch sản xuất phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Đồng thời thúc đẩy phát triển chăn nuôi bền vững, an toàn sinh học, đảm bảo nguồn cung và ổn định giá thực phẩm, giá thịt lợn để góp phần giữ chỉ số CPI trong ngưỡng cho phép, nhất là dịp Tết nguyên đán Quý mão năm 2023.

Cùng với đó, phát triển hệ thống lưu thông tạo điều kiện cho người tiêu dùng có khả năng tiếp cận lương thực thực phẩm trong mọi tình huống; tổ chức tốt việc mua, bán, dự trữ lương thực tại các địa phương.

Đối với xúc tiến thương mại quốc tế, mở cửa thị trường, thúc đẩy xuất khẩu, Bộ sẽ chủ động cùng Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao nghiên cứu, phân tích, dự báo thị trường, cơ hội và thách thức; đánh giá tác động và tham mưu Thủ tướng Chính phủ có đối sách, kịch bản thích ứng với diễn biến cung - cầu nông lâm thủy sản trên thế giới, nhất là đối với hàng lương thực, thực phẩm (như mới đây là chính sách “phát triển nông nghiệp bền vững” của Thái Lan, Châu Âu ban hành “Chính sách nông nghiệp chung mới”, Ấn độ hạn chế xuất khẩu gạo, Trung Quốc dần nới lỏng hạn chế xuất nhập khẩu khi thực thi chính sách “Zero Covid”…). 

Đồng thời, thúc đẩy nâng cao trình độ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ; gia tăng chế biến để nâng cao năng suất; nghiên cứu chọn tạo giống, quy trình thâm canh nhằm tăng năng suất, chất lượng nông sản.