Xuất khẩu sắn giảm mạnh
Xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn trong tháng 6/2019 ước 131 nghìn tấn với giá trị 51 triệu USD
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn trong tháng 6/2019 ước 131 nghìn tấn với giá trị 51 triệu USD. Lũy kế 6 tháng đầu năm, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 1,2 triệu tấn và 460 triệu USD, giảm 19% về lượng và giảm 15,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.
Sắn và các sản phẩm từ sắn xuất khẩu tiếp tục giữ xu hướng giảm giá do nhu cầu của thị trường chính là Trung Quốc tiếp tục chững lại.
Giá xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn bình quân tháng 6/2019 của Việt Nam đạt 386,3 USD/tấn, giảm 2,91% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, giá xuất khẩu bình quân tinh bột sắn giảm nhẹ, đạt 425 USD/tấn, giảm 1,7% so với tháng trước nhưng giảm 15,2% so với cùng kì năm 2018.
Trung Quốc vẫn tiếp tục là thị trường lớn nhất của sản phẩm sắn Việt Nam trong những tháng đầu năm, chiếm tới 89,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm này, kế đến là Hàn Quốc và các nước Đông Nam Á. Nhưng, xuất khẩu sắn sang Trung Quốc đã giảm 16,4% về lượng và giảm 3,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018; và giảm mạnh trên cả hai kênh xuất khẩu chính ngạch và biên mậu.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nêu lên nhiều nguyên nhân khiến xuất khẩu sắn vào Trung Quốc sụt giảm mạnh.
Một là, từ năm 2018 đến nay, Trung Quốc vẫn tiếp tục áp dụng chính sách duy trì sản lượng dự trữ ngô ở mức thấp thông qua đấu giá định kỳ. Cơ quan dự trữ ngũ cốc quốc gia của Trung Quốc (Sinograin) thông báo rằng đã giảm được 100 triệu tấn ngô trong năm 2018, khiến giá ngô trở nên cạnh tranh hơn và dẫn tới sụt giảm các sản phẩm thay thế ngô, đặc biệt là sắn lát.
Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, năm 2018, Trung Quốc nhập khẩu 4,8 triệu tấn sắn lát, trị giá 1,13 tỷ USD, giảm 41% về lượng và giảm 22% về trị giá so với năm 2017.
Hai là, từ đầu năm 2019 đến nay, Trung Quốc đã tăng cường kiểm soát nghiêm ngặt các quy định về nhãn mác, bao bì, thông tin sản phẩm tinh bột sắn Việt Nam và siết chặt nhập khẩu qua kênh biên mậu.
Ba là, để giảm áp lực thuế quan đối với xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ, Trung Quốc đang áp dụng chính sách giảm giá đồng nhân dân tệ, gây bất lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu sắn qua kênh biên mậu.
Bốn là, các nhà nhập khẩu từ Trung Quốc tăng nhập khẩu sắn chính ngạch từ Thái Lan. Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp Thái Lan đã giảm giá xuất khẩu sắn vào Trung Quốc để giành giật thị trường sắn Việt. Hiệp hội Thương mại sắn Thái Lan công bố giá sàn sắn lát xuất khẩu hiện ở mức 215 USD/tấn FOB Bangkok, giá tinh bột sắn xuất khẩu ở mức 450 – 455 USD/tấn FOB Bangkok, giảm 10 USD/tấn so với cuối tháng 4/2019.
Theo thông tin tổng hợp của Hiệp hội Sắn Việt Nam, hiện nay đang trong thời điểm nắng nóng, và là thời điểm sắn cuối vụ 2018 – 2019, các nhà máy chủ yếu đã dừng sản xuất. Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng tinh bột sắn cho sản xuất thực phẩm tại Trung Quốc giảm mạnh, trong khi lượng tồn kho của các nhà máy Việt Nam vụ 2018 - 2019 không còn nhiều.
Nguồn cung và chất lượng sắn củ tươi giảm mạnh nên hầu hết các nhà máy chế biến tinh bột sắn đã tạm ngưng sản xuất khiến nguồn cung tinh bột sắn xuất khẩu khan hiếm. Bên cạnh đó, giá xuất khẩu đang giảm mạnh nên doanh nghiệp cũng có xu hướng gom hàng, tạm ngưng xuất khẩu.
Dự báo, trong thời gian tới, các giao dịch xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn vẫn tiếp tục ảm đạm do nhu cầu từ phía Trung Quốc yếu, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của Trung Quốc cũng đang trong mùa thấp điểm nên xuất khẩu tinh bột sắn dự đoán sẽ vẫn trầm lắng.
Tuy vậy, vẫn le lói hy vọng về nhu cầu tiêu thụ sắn lát của Trung Quốc được dự đoán có thể tăng trở lại sau khi Trung Quốc tăng thuế nhập khẩu lên 25% với gói hàng hóa trị giá 60 tỷ USD của Mỹ khiến nguồn cung nhập khẩu giảm...
Trong vòng 10 năm trở lại đây, cây sắn phát triển mạnh, được trồng rộng rãi từ Bắc tới Nam với tổng diện tích lên tới 560.000ha, được Bộ Công Thương đưa vào danh mục các mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD.
Hiện, khối lượng sắn và sản phẩm sắn xuất khẩu hàng năm của Việt Nam đang chiếm 27,3% tổng thương mại sắn trên toàn cầu. Điểm đáng mừng là thị trường xuất khẩu sắn ngày càng được mở rộng, hiện đã XK đến hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tuy nhiên, xuất khẩu sắn vẫn đang lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc, khi 80-90% tổng khối lượng sắn xuất khẩu của Việt Nam là bán sang thị trường này. Các chuyên gia cho rằng, để đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu sắn trong thời gian tới, các doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục tìm kiếm thêm thị trường mới ngoài thị trường Trung Quốc nhằm hạn chế sự phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc trong tình trạng bị ép giá.
Để nâng cao chất lượng sản phẩm, Hiệp hội Sắn Việt Nam đã yêu cầu các nhà máy quy mô nhỏ, hộ gia đình phải thực hiện nghiêm các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm. Người nông dân và các doanh nghiệp phải thay đổi phương thức sản xuất, quản lý, tăng cường khâu chế biến sâu để gia tăng giá trị. Hiệp hội Sắn cũng đề nghị thống nhất chung quy ước ghi thông tin sản phẩm trên bao bì để thuận lợi cho việc kiểm tra, giám sát và thông quan hàng hóa tại 2 đầu cửa khẩu Việt Nam - Trung Quốc.