Tạo “không gian tài chính” đủ dài cho nhóm doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo
Cho rằng việc chỉ miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm và giảm 50% thuế trong 4 năm tiếp theo như dự thảo luật là quá ngắn so với chu kỳ phát triển thực tế của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, đại biểu đề nghị nâng thời hạn miễn thuế thu nhập doanh nghiệp để tạo “không gian tài chính” đủ dài cho nhóm doanh nghiệp này...

Thảo luận tại tổ chiều ngày 15/5 về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân, các đại biểu Quốc hội khẳng định dự thảo Nghị quyết đã bước đầu thể chế hoá nhiều chủ trương lớn, quan trọng được Đảng đề ra tại Nghị quyết số 68-NQ/TW, đặc biệt là quan điểm xác lập khu vực kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Dự thảo cho thấy tư duy đổi mới trong hoạch định chính sách, với cách tiếp cận toàn diện, đồng bộ trên nhiều phương diện cốt lõi như đất đai, thuế, tín dụng, khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển nguồn nhân lực và cải cách thủ tục hành chính. Đây là bước đi thể hiện cam kết mạnh mẽ của Nhà nước trong việc tạo lập môi trường thuận lợi, bình đẳng và minh bạch cho kinh tế tư nhân phát triển bền vững, lâu dài.
CẦN NÂNG THỜI HẠN MIỄN THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP
Về hỗ trợ thuế, khoản 1 Điều 10 dự thảo Nghị quyết quy định: Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời hạn 02 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 04 năm tiếp theo đối với thu nhập từ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, công ty quản lý quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Việc xác định thời gian miễn, giảm thuế thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.
Góp ý dự thảo, đại biểu Nguyễn Như So, đoàn Bắc Ninh, đề nghị “cần nâng thời hạn miễn thuế thu nhập doanh nghiệp lên 5 năm, sau đó tiếp tục giảm 50% số thuế phải nộp trong 5 năm kế tiếp (tại khoản 1 Điều 10), để tạo “không gian tài chính” đủ dài cho nhóm doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo”.

Theo đại biểu, việc chỉ miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm và giảm 50% thuế trong 4 năm tiếp theo như dự thảo luật là quá ngắn so với chu kỳ phát triển thực tế của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; chưa tạo động lực đủ mạnh để khuyến khích doanh nghiệp tích luỹ nội lực, đầu tư cho nghiên cứu phát triển, hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đặc thù của nhóm doanh nghiệp này là phải đầu tư rất lớn và kéo dài cho các hoạt động như: Nghiên cứu, phát triển sản phẩm, thử nghiệm mô hình kinh doanh, xây dựng công nghệ lõi, tuyển dụng và giữ chân đội ngũ nhân sự chất lượng cao, đồng thời phải liên tục điều chỉnh để thích nghi với biến động của thị trường.
“Trong suốt quá trình đó, họ phải chấp nhận nguy cơ thua lỗ cao và kéo dài, thậm chí có thể không có lãi trong 5 -7 năm đầu. Vì vậy, chính sách thuế cần được thiết kế theo hướng thực sự đồng hành với doanh nghiệp trong suốt giai đoạn hình thành và tích luỹ nội lực ban đầu, thay vì dừng lại ở hỗ trợ ngắn hạn”.

Đại biểu cho rằng việc kéo dài thời gian miễn, giảm thuế sẽ tạo dư địa tài chính quan trọng, giúp doanh nghiệp tập trung nguồn lực cho đổi mới sáng tạo.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị cần nâng thời hạn miễn thuế thu nhập cá nhân lên 5 năm đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của các chuyên gia, nhà khoa học nhận được từ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (tại khoản 3 Điều 10), đây là lực lượng nòng cốt, trực tiếp tạo ra giá trị công nghệ, đổi mới sáng tạo và đưa sản phẩm ra thị trường.
Thực tiễn cho thấy, nhiều quốc gia có chính sách cạnh tranh rất mạnh mẽ trong lĩnh vực này. Đơn cử như Thái Lan, họ miễn thuế thu nhập cá nhân tới 10 năm cho nhà đầu tư và chuyên gia làm việc trong 10 lĩnh vực công nghệ - sáng tạo chiến lược. Nếu chúng ta không có chính sách đủ hấp dẫn, cạnh tranh thì sẽ bỏ lỡ cơ hội thu hút nhân tài và khó tạo được bước đột phá về công nghệ trong dài hạn.
TRÁNH “TRỤC LỢI” CHÍNH SÁCH
Liên quan đến khuyến khích các hộ kinh doanh thành lập doanh nghiệp, đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn Tp. Hà Nội cho rằng quy định miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong 3 năm đầu kể từ khi cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp lần đầu sẽ dẫn đến tình trạng “trục lợi” chính sách.
“Lập doanh nghiệp, hoạt động hết 3 năm được miễn thuế xong, đến năm thứ 4 phải đóng thuế thì lại xóa doanh nghiệp rồi đăng ký trở lại lấy tên người khác để làm chủ doanh nghiệp. Điều này có thể sẽ dẫn đến tình trạng trục lợi, sẽ không tạo ra được doanh nghiệp hoạt động ổn định, tạo được uy tín danh tiếng”, đại biểu phân tích.

Ngoài ra, quy định này cũng có thể sẽ xảy ra bất hợp lý với các doanh nghiệp không trục lợi như doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo bị phá sản thì sẽ không được hưởng chính sách miễn thuế này nếu tiếp tục đăng ký lập doanh nghiệp mới. Thực tế với các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, có tới 95% doanh nghiệp đăng ký xong thì phá sản. Như thế sẽ không khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Chính vì vậy, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng vẫn áp dụng miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ nhưng không nên miễn thuế liên tục trong 3 năm mà năm đầu tiên miễn thuế, những năm sau chỉ miễn 50%. Trong thời gian này, các doanh nghiệp đã hoạt động ổn định, có uy tín, danh tiếng thì sẽ không phá đi để làm lại.
Liên quan đến hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp, quỹ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, đại biểu cho biết dự thảo quy định, nguồn quỹ tiếp nhận quản lý nguồn vốn vay, tài trợ, viện trợ, đóng góp, ủy thác của các tổ chức và cá nhân hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ. Theo đại biểu “nguồn này rất ít, thì lấy đâu ra tiền để các doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn”? Do đó, đại biểu cho rằng cần cho phép các địa phương được sử dụng ngân sách để cấp bổ sung vốn điều lệ của quỹ.
Ngoài ra nếu quỹ này dùng để cho vay và tài trợ thì chỉ hỗ trợ một vài doanh nghiệp sẽ hết vốn. Trong khi đó các doanh nghiệp nhỏ và vừa không có tài sản bảo đảm nên không thể vay được tín dụng. Vì vậy, đại biểu đề nghị cho phép dùng quỹ này để bảo lãnh cho vay thì nhiều doanh nghiệp có thể tiếp cận được vốn.
Bên cạnh quỹ nhà nước này, đại biểu đề nghị cần bổ sung chính sách khuyến khích các quỹ tư nhân tham gia hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, đầu tư vào các lĩnh vực mạo hiểm để huy động thêm nguồn vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Phát biểu ý kiến tại tổ, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân là rất cần thiết và đúng đắn. “Chúng ta cần quyết sách phát triển kinh tế tư nhân cùng các thành phần kinh tế khác để tạo đột phá cho nền kinh tế”.

Phó Thủ tướng cho rằng cần tạo cơ chế thông thoáng và ưu đãi để phát triển kinh tế theo định hướng đảm bảo công bằng, minh bạch, không phân biệt giữa các thành phần kinh tế tư nhân, Nhà nước hay vốn đầu tư nước ngoài.
Đề cập đến quy định chỉ kiểm tra không quá 1 lần/năm với doanh nghiệp, Phó Thủ tướng nêu vấn đề: “Quy định như vậy không biết có đầy đủ không. Ví dụ chỉ kiểm tra một lần, nếu có lỗ hổng thì sao, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ, là những vấn đề cấp thiết".
Liên quan quy định về quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa với chức năng cho vay khởi nghiệp; hỗ trợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa, Phó Thủ tướng lo ngại với nội dung cho vay có thể thất bại ngay từ khi thiết kế. "Cơ chế nào thu tiền nếu không có tài sản đảm bảo, thế chấp?"
Do vậy, quỹ này nên hỗ trợ, hình thành từ nhiều nguồn, đóng góp từ các nguồn khác nhau, làm nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhưng phải quy định rõ nội dung hỗ trợ doanh nghiệp như chuyển giao công nghệ, đào tạo cán bộ, hỗ trợ nâng cao nhân lực, giải phóng mặt bằng, thu hút công nghệ cao…
Các doanh nghiệp tư nhân cần khoa học công nghệ, vốn, nguồn nhân lực chất lượng cao nên các chính sách cần bám sát nhu cầu này để có hỗ trợ phù hợp.
"Để phát triển thành phần kinh tế tư nhân, quan trọng nhất là Nhà nước kiến tạo, thành phần kinh tế tư nhân triển khai thực hiện, có như vậy mới thành công được", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.