10:54 14/04/2022

Xuất khẩu sang Hồng Kông: Sản phẩm đã bị “bêu” tên rất khó lấy lại niềm tin tiêu dùng

Vũ Khuê

Sản phẩm có vấn đề về chất lượng sẽ bị tẩy chay khỏi thị trường Hồng Kông. Khi đã được khắc phục nhưng doanh nghiệp phải mất thời gian dài, thậm chí nhiều năm mới lấy lại được niềm tin của người tiêu dùng…

Sản phẩm nông sản, thực phẩm Việt Nam tại Hội chợ tiêu dùng Hồng Kông
Sản phẩm nông sản, thực phẩm Việt Nam tại Hội chợ tiêu dùng Hồng Kông

Theo Thương vụ Việt Nam tại Hồng Kông (kiêm nhiệm Macao), Hồng Kông là một hòn đảo nhỏ với dân số hơn 7 triệu người, nền kinh tế chủ yếu dựa vào thương mại và dịch vụ, rất hạn chế trong sản xuất, tự cung tự cấp và trồng trọt chăn nuôi nên lương thực, thực phẩm họ phụ thuộc gần như 100% vào nhập khẩu. Do vậy, đây là thị trường rất tiềm năng cho doanh nghiệp Việt Nam khai thác.

SỨC KHOẺ NGƯỜI DÙNG LÀ HÀNG ĐẦU

Gần 15 năm phân phối các sản phẩm nông sản thực phẩm Việt Nam tại Hồng Kông, bà Nguyễn Ngọc Hà, Giám đốc Công ty Viet Kwong Business Development chia sẻ, Hồng Kông xứng danh là nơi chứa đựng nền ẩm thực quốc tế. Người tiêu dùng Hồng Kông có xu hướng muốn thưởng thức các món ăn tinh hoa của thế giới.

Thị trường Hồng Kông có quá nhiều sự lựa chọn cũng như sự cạnh tranh rất khốc liệt. Sản phẩm chỉ hơn nhau về hương vị, màu sắc nhưng giá tiền chênh nhau một chút cũng sẽ là lựa chọn ưu tiên của người dân.

Đặc biệt, bà Hà lưu ý, chất lượng sản phẩm vẫn là ưu tiên hàng đầu của người tiêu dùng Hồng Kông. Người tiêu dùng Hồng Kông không tham hàng rẻ, chất lượng kém, họ chú trọng ăn cho sức khỏe chứ không phải ăn cho vui vẻ. Nếu sản phẩm tốt cho sức khỏe là họ mua rất nhiều và mua lâu dài.

Ngược lại, nếu sản phẩm đang bán ra trên thị trường bị lỗi hay có vấn đề, người tiêu dùng có thể kiện lên Ủy ban bảo vệ người tiêu dùng nước này, khi ấy sản phẩm sẽ bị phong tỏa và không được bán ra thị trường ngay lập tức.

Bà Nguyễn Ngọc Hà, Giám đốc Công ty Viet Kwong Business Development.
Bà Nguyễn Ngọc Hà, Giám đốc Công ty Viet Kwong Business Development.

Hàng năm Ủy ban này sẽ thu thập mẫu mã thực phẩm bán trên thị trường để thí nghiệm, kiểm nghiệm độ an toàn thực phẩm, chỉ tiêu cho phép và các thành phần dinh dưỡng xem có ảnh hưởng đến đến sức khỏe của người tiêu dùng hay không. Kết quả kiểm nghiệm sẽ được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng một cách rõ ràng, không che giấu.

Vì vậy, bà Hà cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông cần lưu ý về vấn đề này. Bởi nếu có vấn đề về chất bảo quản, chất cấm hay không có lợi cho người tiêu dùng… sản phẩm sẽ bị đăng tải trên truyền hình Hồng Kông khuyến nghị người dân tránh và hạn chế sử dụng.

Ngay lập tức, sản phẩm sẽ bị tẩy chay khỏi thị trường Hồng Kông. Dù sản phẩm đã được khắc phục, doanh nghiệp phải mất thời gian dài, thậm chí nhiều năm để dư luận lắng xuống, người tiêu dùng quên đi sự việc đó khi ấy mới lấy lại được niềm tin mới.

Đơn cử, gạo được nhập vào Hồng Kông phải là một loại gạo ngon nhất của Việt Nam. Người tiêu dùng Hồng Kông hay so sánh gạo Việt Nam với gạo Thái Lan. Gạo Thái được đánh giá rất ngon, giá cả lại cạnh tranh… cho nên từ trước đến nay, thị trường gạo Hồng Kông chiếm 70% là gạo Thái Lan.

Gạo Việt Nam vẫn mang tiếng có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu, trong khi công nghệ bảo quản không cao.

Gần đây nhất là năm ngoái, sản phẩm cà phê sấy lạnh và cà phê bột của Việt Nam đã bị Ủy ban bảo vệ người tiêu dùng Hồng Kông chỉ rõ, vạch tên và đưa lên các phương tiện thông đại chúng, khuyến cáo người tiêu dùng hạn chế và cân nhắc sử dụng do có hàm lượng chất bảo quản cao, nguy cơ gây ung thư, rối loạn tuần hoàn máu.

Ngoài ra còn rất nhiều những sản phẩm khác cũng đã bị cảnh báo khi sản phẩm được phản ánh chứa nhiều tạp chất.

Do đó, bà Hà khuyến cáo, Hồng Kông là một thị trường rất khó tính tuy nhiên cũng là một thị trường rất linh hoạt và có tiếng tăm về chất lượng sản phẩm, nên việc xuất khẩu lương thực - thực phẩm chế biến sang Hồng Kông cũng cần phải đặc sắc.

“Khi sản phẩm lọt được vào mắt xanh của thị trường này thì coi như doanh nghiệp cầm trên tay tấm thẻ xanh để đi ra các thị trường khác. Một khi sản phẩm được tin dùng tại Hồng Kông thì đương nhiên mặt hàng đó sẽ được các đối tác nước ngoài tin tưởng nhập khẩu”, bà Hà nói.

THỊ HIẾU NGƯỜI TIÊU DÙNG KHÁC BIỆT

Bên cạnh chất lượng sản phẩm, bà Hà cho biết, Hồng Kông đất chật người đông, người Hồng Kông giàu, ăn rất sang nhưng lại rất khiêm tốn trong mua sắm. Bởi đặc thù nhà ở của họ rất nhỏ, cho nên họ mua cái gì cũng rất ít.

Ở Hồng Kông chợ và siêu thị nằm rải rác khắp nơi và ngay dưới chân tòa nhà họ ở nên mua sắm không phải tích luỹ. Họ không thích mua nhiều, vì họ không có chỗ để dự trữ. Họ đi mua sắm hàng ngày thậm chí hàng giờ, đâu đâu cũng là nơi mua sắm, cho nên việc đóng gói bao bì phải phù hợp. Như với gạo, túi 9 kg với họ là nhiều, hầu như họ chỉ mua loại 5kg.

Ngoài ra, do người dân Hồng Kông bị tiểu đường và huyết áp cao rất nhiều, nên sản phẩm cần cố gắng giảm lượng đường ở mức phù hợp. Xu hướng hiện nay họ quan tâm tới sản phẩm hữu cơ, sản phẩm ăn kiêng nhiều hơn.

Bên cạnh đó, mẫu mã bao bì phải bắt mắt và hấp dẫn. Họ không biết nhiều tiếng Anh nên trên bao bì phải có chữ Trung Quốc. Trên sản phẩm phải có thành phần dinh dưỡng (7 thành phần cơ bản), nguồn gốc xuất xứ, trọng lượng và hạn sử dụng đầy đủ.

Nếu hạn sử dụng quá dài họ cho rằng sản phẩm nhiều chất bảo quản. Nếu hạn sử dụng quá ngắn họ chê không để được lâu, nên doanh nghiệp cần lưu ý vấn đề này. Sản phẩm càng khó mua, khó tìm, đặc sắc, có lợi cho sức khỏe, chủng loại phong phú… càng được ưu tiên lựa chọn.

“Xuất khẩu hàng hoá vào Hồng Kông không khó nếu doanh nghiệp đáp ứng các quy định, nhưng giữ được thị trường lại không dễ. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải nghiêm ngặt trong quy trình sản xuất, chế biến và áp dụng công nghệ cao trong bảo quản sản phẩm”, bà Hà nhấn mạnh.

Trong phương thức thanh toán, theo bà Hà, Hồng Kông sử dụng hình thức thanh toán rất linh hoạt (theo phương thức T/T, L/C, DP…) và rất sòng phẳng, đa số là 30% ký quỹ, 70% sẽ được trả sau khi có bộ chứng từ chứng minh tàu đã cập cảng Hồng Kông.

Một lưu ý khác, có nhiều cách tiếp cận thị trường: liên kết với các tập đoàn phân phối hàng hoá, tham gia hội chợ triển lãm chuyên ngành tại thị trường này, tham gia các sàn thương mại điện tử lớn…

Song trước khi quyết định hợp tác với doanh nghiệp Hồng Kông, theo bà Hà, doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ, tránh tình trạng chỉ là trung gian thương mại và dịch vụ môi giới sẽ rất phiền phức cho vấn đề thanh toán cũng như lưu thông hàng hóa trên thị trường Hồng Kông.