10:58 05/04/2022

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng 40% trong quý đầu năm 2022

Chu Khôi

Sau khi tăng 44% trong tháng 1 và 62% trong tháng 2, xuất khẩu thuỷ sản tháng 3/2022 đã tăng trưởng chậm hơn, nhưng doanh số vẫn cao hơn đáng kể so với 2 tháng đầu năm. Kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản tháng 3/2022 ước đạt 920 triệu USD, tăng trưởng 25% so với tháng 3/2021...

Cá tra tăng trưởng mạnh mẽ
Cá tra tăng trưởng mạnh mẽ

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 3 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của cả nước ước đạt 2,4 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước.

CÁ TRA TĂNG TRƯỞNG TÍCH CỰC, TÔM PHỤC HỒI 

Tăng trưởng mạnh mẽ của xuất khẩu thủy sản chủ yếu nhờ cá tra vẫn đang đà hồi phục mạnh, tăng 80% đạt 261 triệu USD trong tháng 3 với các tín hiệu tích cực về nhu cầu ở các thị trường chính như Mỹ, Trung Quốc, EU.

 

Luỹ kế 3 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu cá tra ước đạt 646 triệu USD, tăng 88% so với cùng kỳ năm 2021. Cá tra đang lấy lại vị thế trong cơ cấu sản phẩm thuỷ sản xuất khẩu, đến nay chiếm 27% giá trị xuất khẩu toàn ngành thủy sản.

VASEP cho biết, xuất khẩu cá tra có tín hiệu tích cực khi tăng mạnh ở hầu hết các thị trường lớn. Xuất khẩu cá tra sang Mỹ đạt 94,57 triệu USD, tăng 119,7% trong 2 tháng đầu năm.

Sau khi Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố kết quả sơ bộ đợt rà soát lần thứ 17 và mới nhất là kết quả cuối cùng POR17 thuế chống bán phá giá với cá tra phi-lê đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam, thêm một số doanh nghiệp cá tra Việt Nam được hưởng mức thuế 0% sang thị trường Mỹ. Vì vậy, dự báo giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này trong thời gian tới tiếp tục tăng trưởng mạnh.

Với thị trường EU, sau 2 năm liên tiếp xuất khẩu giảm sút, nhiều doanh nghiệp cá tra Việt Nam rút khỏi thị trường này. Tuy nhiên, 2 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu cá tra sang EU đạt gần 28 triệu USD, tăng gần 76%.

Đối với nhóm mặt hàng tôm, vẫn giữ tỷ trọng cao nhất với 37% mang về hơn 345 triệu USD trong tháng 3, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng giá trị xuất khẩu tôm trong quý đầu năm nay đạt trên 900 triệu USD, cao hơn 37% so với quý 1/2021.

Nhu cầu tôm ở các thị trường chính đều cao cùng với giá xuất khẩu trung bình tăng là những yếu tố giúp kim ngạch xuất khẩu tôm vượt xa năm trước.

Cũng theo VASEP, xuất khẩu tôm của Việt Nam tăng trưởng tốt ở tất cả thị trường chính như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Anh... Mỹ tiếp tục là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, chiếm 21% tổng giá trị xuất khẩu tôm của cả nước.

Thị trường Mỹ mở cửa trở lại hậu Covid-19, nhu cầu nhập khẩu thủy sản, trong đó có tôm, tiếp tục tăng cao. Việt Nam vẫn là nguồn cung tôm lớn thứ 4 trên thị trường Mỹ - sau Ấn Độ, Ecuador và Indonesia.

Trong khi đó, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc cũng có dấu hiệu phục hồi, tăng 14%. Trong năm 2022, dự báo Trung Quốc nhập khẩu tôm tăng mạnh nhưng thị trường này rất khắt khe. VASEP lưu ý các doanh nghiệp khi xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc cần bảo đảm công tác kiểm soát và phòng chống dịch Covid-19 trong quá trình sản xuất và thương mại.

Xung đột Nga – Ukraine đã ít nhiều tác động đến việc xuất khẩu tôm sang Nga và Ukraine dù 2 thị trường này chỉ chiếm tỉ trọng rất nhỏ trong tổng lượng xuất khẩu tôm của Việt Nam.

VASEP dự báo, xuất khẩu tôm cả năm dự kiến đạt khoảng 4 tỉ USD, tăng 3%.

 XUẤT KHẨU THỦY SẢN SẼ NHIỀU BIẾN ĐỘNG 

Đối với ngành hải sản, chiến sự Ukraine ảnh hưởng trực tiếp đến ngành khai thác thuỷ sản vì giá xăng dầu tăng quá cao, nhiều ngư dân cho tàu nằm bờ, thậm chí bán tàu bỏ nghề. Ngành chế biến hải sản vốn đã khó khăn về nguyên liệu lại càng thiếu hụt.

Vì vậy, xuất khẩu hải sản trong tháng 3/2022 chỉ giữ được mức tăng khiêm tốn dưới 3% đạt 312 triệu USD. Trong đó, xuất khẩu cá ngừ và mực bạch tuộc vẫn duy trì được tăng trưởng 20%, nhưng xuất khẩu các loài cá biển khác giảm 14%.

Tổng giá trị xuất khẩu hải sản trong quý 1/2022 ước đạt 878 triệu USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước, nhờ tăng trưởng cao trong 2 tháng đầu năm. Trong đó: xuất khẩu cá ngừ đạt 234 triệu USD, tăng 55%; mực bạch tuộc tăng 35% đạt 156 triệu USD. Xuất khẩu thuỷ sản có vỏ và cua ghẹ đạt lần lượt 30 triệu USD và 54 triệu USD, tăng 23% và 70% so với quý 1 năm 2021.

 

Xuất khẩu thuỷ sản sang các thị trường chính trong tháng 3/2022 vẫn duy trì tăng trưởng cao. Trong đó, xuất khảu sang Mỹ tăng 42%, sang Trung Quốc tăng 77%, sang EU tăng 37%, Hàn Quốc tăng 23%. Tuy nhiên, xuất khẩu sang Nhật Bản chỉ tương đương so với tháng 3/2021.

VASEP cho biết xung đột Nga – Ukraine khiến cho xuất khẩu thuỷ sản sang Nga giảm 86% trong tháng 3/2022 chỉ còn 2,7 triệu USD, và xuất khẩu sang Ukraine bị dừng hoàn toàn trong tháng 3/2022. Hai tháng đầu năm xuất khẩu thuỷ sản sang Ukraine vẫn đạt 4,5 triệu USD.

Tuy Nga chỉ chiếm chưa tới 2% giá trị xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam và Ukraine chỉ chiếm 0,3%, nghĩa là sụt giảm về doanh thu ở 2 thị trường này không đáng kể, nhưng hệ luỵ của cuộc chiến đối với ngành thuỷ sản không hề nhỏ vì giá xăng dầu tăng ảnh hưởng đến cả sản xuất, xuất khẩu.

VASEP dự báo xuất khẩu thuỷ sản trong tháng 4/2022 sẽ tiếp tục bị tác động bởi chiến sự Nga – Ukraine. Tuy nhiên, ngành thủy sản vẫn có động lực tăng trưởng ở các thị trường lớn như Mỹ, EU, khi hoạt động giao thương, xúc tiến thương mại đã trở lại trạng thái bình thường, các doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam lại tham gia các hội chợ thuỷ sản quốc tế để kết nối và mở rộng khách hàng.

Do vậy, dự báo xuất khẩu thuỷ sản trong tháng 4 /2022 vẫn duy trì tăng trưởng 25% đạt 934 triệu USD. Trong đó, xuất khẩu các loại cá biển có thể giảm 15%, nhưng XK cá tra sẽ tăng 80% và tôm sẽ tăng 20%, cá ngừ tăng 18%, mực, bạch tuộc tăng 25%.

ĐẨY MẠNH XÚC TIẾN THỦY SẢN SANG BẮC MỸ

 Nhằm triển khai Chương trình cấp quốc gia về Xúc tiến thương mại năm 2022 đã được phê duyệt, VASEP đã tổ chức đoàn doanh nghiệp tham gia Triển lãm Thủy sản Bắc Mỹ 2022 để trưng bày giới thiệu sản phẩm và tiếp cận khách hàng tại gian hàng riêng và gian hàng chung diện tích 1.600 feet vuông.

Trong số 14 đơn vị tham gia triển lãm có 2 doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra, 3 doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm, 2 doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá ngừ, 1 doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu mực bạch tuộc, 6 doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu các sản phẩm thủy sản.

 

Năm 2021, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Mỹ đạt 2 tỷ USD tăng 27% so với năm 2020 – đây là con số kỷ lục cao nhất từ khi xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường Mỹ. Giá trị xuất khẩu tăng một phần do giá trung bình tăng 10-30% so với năm 2020.

Triển lãm Thủy sản Bắc Mỹ được xem là sân chơi kết nối các nhà kinh doanh thủy sản toàn cầu, là cơ hội rất quan trọng để doanh nghiệp nắm bắt, cập nhật tình hình nhằm duy trì và phát triển thị trường Hoa Kỳ, cũng như tìm kiếm khách hàng mới, mở rộng thị phần tại thị trường Hoa Kỳ nói riêng và Bắc Mỹ nói chung.

Đây là hội chợ truyền thống mà thủy sản Việt Nam luôn duy trì sự có mặt của doanh nghiệp, sản phẩm Việt Nam từ những ngày đầu phát triển thị trường xuất khẩu.

Tại Triển lãm Thủy sản Bắc Mỹ 2022, VASEP sử dụng slogan “Việt Nam - Ngôi nhà của thủy sản Châu Á” với định hướng biến Việt Nam trở thành quốc gia cung cấp thủy sản hàng đầu của Châu Á, nơi khách tham quan có thể tìm thấy đa dạng các sản phẩm và mặt hàng từ cá tra, tôm, cá ngừ, cá biển đến cua, ghẹ, mực, bạch tuộc… từ đông lạnh, chế biến đến đóng hộp giúp đáp ứng các nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng. Tại triển lãm lần này, với sự đa dạng của các công ty triển lãm, khách tham quan gian hàng quốc gia Việt Nam có thể cảm nhận rõ ràng slogan trên.