07:00 10/04/2022

Xuất khẩu sắn được giá nhưng vẫn “bỏ trứng vào một giỏ”

Chu Khôi

Xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn trong tháng 3/2022 ước đạt 450.000 tấn với trị giá đạt 202 triệu USD, đưa kết quả xuất khẩu ngành sắn 3 tháng đầu năm lên 970.000 tấn và 420 triệu USD, giảm 0,6% về khối lượng nhưng tăng 15,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021…

Hội nghị tổ chức tại Gia Lai ngày 8/4/2022.
Hội nghị tổ chức tại Gia Lai ngày 8/4/2022.

Nhận định tại hội nghị “Thực trạng và định hướng phát triển sắn bền vững tại Việt Nam”  do Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai tổ chức, ngày 8/4/2022, các đại biểu cho rằng, dù là ngành hàng xuất khẩu thu về cả tỷ USD mỗi năm, song ngành sắn cũng còn không ít hạn chế, tồn tại gây ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững.

VẪN CÒN NHIỀU BẤT CẬP 

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, năm 2021 cả nước có 528 ngàn ha sắn, sản lượng đạt gần 10,7 triệu tấn, tập trung chủ yếu tại 5 vùng Trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Trong đó Tây Nguyên chiếm tỷ lệ cao nhất với trên 172 ngàn ha, chiếm hơn 32% tổng diện sắn cả nước.

Theo ông Cường, hiện các giống sắn mới được trồng phổ biến tại các tỉnh, vùng trồng sắn với khoảng 75% tổng diện tích sắn cả nước, tạo sự đột phá về năng suất, sản lượng góp phần mang lại lợi nhuận cao cho nông dân trồng sắn.  

Lãnh đạo Cục Trồng trọt cũng cho biết, đến nay trên cả nước đã có 26 tỉnh, thành phố ghi nhận bệnh khảm lá sắn với diện tích hơn 65.000 ha. Đã có 9 giống sắn mới được công nhận và lưu hành, trong đó có 6 giống có khả năng kháng bệnh khảm lá sắn (HN3, HN5, HN, HN36, HN80, HN97) và HL-S12, HL-S14, STB1.

“Để tăng hiệu quả sử dụng đất và giải quyết nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy chế biến, ngoài việc nghiên cứu chọn tạo các giống sắn có năng suất củ tươi và hàm lượng tinh bột cao, khả năng chống chịu tốt với sâu bệnh, đặc biệt là bệnh khảm lá sắn thì tiêu chí thời gian sinh trưởng ngắn, có thể trồng rải vụ cung cấp củ tươi cho công nghiệp chế biến đang được tập trung nghiên cứu”, ông Cường chia sẻ.

Đề cập về chế biến và tiêu thụ sắn, ông Lê Thành Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cho hay hiện nay sắn và các sản phẩm từ sắn là một trong 13 sản phẩm nông sản chủ lực xuất khẩu của Việt Nam, với giá trị xuất khẩu đứng thứ 2 thế giới chỉ sau Thái Lan. Xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn chiếm khoảng 70% tổng sản lượng sắn trong nước.

Năm 2021, xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn đạt 2,87 triệu tấn đem về 1,16 tỉ USD. Trong đó tinh bột sắn đạt 2,06 triệu tấn với giá trị 949,6 triệu USD, còn lại là sắn lát với 805.000 tấn và giá trị xuất khẩu là 210,4 triệu USD.

 

"Đến nay, có 27 tỉnh, thành phố có nhà máy chế biến tinh bột sắn và có khoảng 120 nhà máy chế biến tinh bột sắn quy mô công nghiệp, tổng công suất thiết kế 11,3 triệu tấn củ tươi/năm, tổng công suất thực tế 8,62 triệu tấn/năm".

Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản

Xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn trong tháng 3/2022 ước đạt 450.000 tấn với trị giá đạt 202 triệu USD, đưa xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn 3 tháng đầu năm 2022 ước đạt 970.000 tấn và 420 triệu USD, giảm 0,6% về khối lượng nhưng tăng 15,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Theo ông Hòa, dù là ngành hàng xuất khẩu thu về cả tỷ USD mỗi năm, song ngành sắn cũng còn không ít hạn chế, tồn tại gây ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững. Để tiêu thụ sắn và sản phẩm từ sắn của Việt Nam cần nhiều khâu trung gian, chi phí logistics cao nên phải cạnh tranh gay gắt về thị trường xuất khẩu với các nước Thái Lan, Campuchia, Lào…

“Thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 95,8% tổng lượng tinh bột sắn xuất khẩu của cả nước đều phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc, điều này dẫn đến thiếu bền vững và bị động”, ông Hòa nêu thực tế.

Dự báo năm 2022, Trung Quốc sẽ có nhu cầu nhập khẩu lớn hơn nữa và sẽ nhập khẩu nhiều hơn sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam do điều kiện địa lý thuận lợi.

Tuy nhiên, rủi ro cho người nông dân ở chỗ xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc sắp tới sẽ gặp nhiều khó khăn vì hàng loạt quy định, tiêu chuẩn mới được Cục Hải quan Trung Quốc ban hành và áp dụng từ năm 2022.

TÁI CƠ CẤU NGÀNH SẮN THEO HƯỚNG NÀO?

Ông Lê Thanh Hòa và Hiệp hội Sắn Việt Nam đều cho rằng cần phải tái cơ cấu ngành sắn.

Ông Hòa khuyến cáo, các doanh nghiệp cần phải đầu tư công nghệ mới để chế biến tinh bột sắn, không dùng hình thức lắng lọc tự nhiên mà dùng hệ thống máy ly tâm, máy tách để rút ngắn khoảng thời gian tách bột xuống còn vài chục phút, các chất thải như nước, bã đều được tập trung gom sạch rồi xử lý theo quy trình.

 

"Đến nay tiêu thụ sắn và sản phẩm sắn trong nước chỉ chiếm khoảng 30% tổng sản lượng sắn, dùng chế biến thức ăn chăn nuôi, làm thức ăn cho gia súc, nguyên liệu đầu vào cho công nghiệp, sản xuất cồn rượu, bột ngọt, mỳ ăn liền, đường lỏng, tinh bột biến tính, bánh kẹo. Trong khi đó, Việt Nam lại phải nhập khẩu khá nhiều nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu dùng trong công nghiệp chế biến thực phẩm".

Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản

"Về xuất khẩu, nên giảm dần và tiến tới loại bỏ xuất khẩu sắn lát khô và củ sắn tươi bên cạnh khuyến khích hợp tác đầu tư phát triển, mở rộng vùng nguyên liệu là những điều cần làm để nâng cao chất lượng cho củ sắn. Mặt khác, cần tăng lượng sắn sử dụng làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi để giảm nhập khẩu đầu vào cho ngành chăn nuôi", ông Lê Thanh Hòa khuyến nghị

Ông Nghiêm Minh Tiến, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Sắn Việt Nam, cho rằng xuất khẩu sắn phải sớm tránh tình trạng “bỏ trứng vào một rổ”.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng cơ quan chức năng và Hiệp hội Sắn Việt Nam đang nghiên cứu để nâng cao chất lượng sắn xuất khẩu sang các thị trường khác, đặc biệt là thị trường EU tiềm năng.

Ông Tiến cũng thông tin một số doanh nghiệp thành viên của hiệp hội đã đưa sản phẩm tới một số quốc gia khác ngoài Trung Quốc như Belarus, Nga, Nhật Bản, Đài Loan, Indonesia, Philippines, Trung Đông và châu Phi thông qua tận dụng các hiệp định thương mại tự do.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh, khẳng định vai trò của cây sắn không chỉ dừng lại ở xóa đói giảm nghèo mà đã trở thành loại cây hàng hóa.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị các đơn vị tập trung vào công tác nghiên cứu khoa học, đẩy mạnh hợp tác quốc tế để tìm ra các giống sắn sạch bệnh và kháng bệnh mới, góp phần giảm chi phí sản xuất đầu vào. 

Bên cạnh đó, các nhà máy chế biến sắn và các sản phẩm từ sắn cần đổi mới công nghệ chế biến để phát triển một cách đa dạng các sản phẩm sắn; tăng cường mở rộng thêm vùng nguyên liệu; giải quyết triệt để vần đề xử lý chất thải trong chế biến sắn, đảm bảo an toàn môi trường.

“Tôi đề nghị các bên hợp tác mở rộng, liên kết và chuyên nghiệp hóa vùng nguyên liệu, hợp tác với chuyên gia để tăng giá trị công nghệ trong cây sắn, tăng chế biến sâu. Cần phải chú trọng thêm vấn đề môi trường và tiêu chuẩn nước thải tại các nhà máy cũng cần được coi trọng vì đây là tiêu chuẩn có thể xuất khẩu sang được các thị trường khó tính như EU hay không”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.

Ông Doanh cũng cho hay, sẽ có Đề án Phát triển sắn bền vững đến năm 2030 trong năm nay để tạo cơ sở phát triển giống, vùng nguyên liệu, giải pháp cho thị trường và kêu gọi đầu tư.