Xuất khẩu sang Trung Quốc đạt hơn 35,6 tỷ USD, điện thoại và linh kiện dẫn đầu về kim ngạch
Trong 8 tháng năm 2022, điện thoại các loại và linh kiện là nhóm mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc lớn nhất, đạt 8,9 tỷ USD, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 25,1% tỷ trọng xuất khẩu...
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong 8 tháng năm 2022 đạt hơn 35,6 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước.
Điện thoại các loại và linh kiện là nhóm mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc lớn nhất, đạt 8,9 tỷ USD, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 25,1% tỷ trọng xuất khẩu.
Tiếp đến là nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 7,6 tỷ USD, tăng 15,9%, chiếm 21,6 % tỷ trọng xuất khẩu.
Những nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng trong 8 tháng năm 2022 so với cùng kỳ năm trước: Máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 54,2%; hàng thủy sản tăng 82,7%; thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng 24,7%.
Trung Quốc cũng là thị trường tiêu thụ nhiều hàng nông sản của Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng thủy sản, rau quả; hạt điều; cà phê; chè; gạo; sắn và sản phẩm sắn; cao su, sản phẩm từ cao su…
Trung Quốc luôn là thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam. 8 tháng năm 2022, nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 33,1% tổng kim ngạch nhập khẩu từ các thị trường của Việt Nam, dự báo cả năm 2022 chiếm 33,4%. Đây là tỷ trọng tăng lên và lớn hơn nhiều so với các thị trường lớn thứ 2 trở xuống (như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hoa Kỳ, Thái Lan,…).
14 mặt hàng đạt quy mô lớn nhập khẩu lớn từ Trung Quốc (trên 1 tỷ USD). Lớn nhất là máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; vải; điện thoại và linh kiện; sắt thép; sản phẩm chất dẻo, hóa chất; nguyên phụ liệu dệt may, giày dép; dây điện và dây cáp điện...
Trong các mặt hàng này, có những mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong các mặt hàng nhập khẩu của Việt Nam như máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác, vải.
Bộ Công Thương nhận định, Việt Nam còn nhiều dư địa để khai thác thị trường Trung Quốc. Với dân số hơn 1,4 tỷ người, chiếm 18,7% tổng dân số toàn thế giới, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt các sản phẩm nông, thủy sản của thị trường Trung Quốc phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa cũng như sản xuất chế biến hàng xuất khẩu là rất lớn và đa dạng, phong phú.
Đáng chú ý, riêng 2 địa phương có biên giới tiếp giáp với Việt Nam là tỉnh Vân Nam (48,0 triệu người) và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (48,8 triệu người) mang lại cơ hội trực tiếp cho Việt Nam khai thác thương mại qua biên giới.
Bên cạnh đó, Việt Nam - Trung Quốc có đường biên giới trải dài tạo lợi thế về logistics và tập quán giao thương lâu đời. Đến nay, trên toàn tuyến biên giới phía Bắc có 76 cửa khẩu, lối mở, gồm: 7 cửa khẩu quốc tế, 6 cửa khẩu chính, 21 cửa khẩu phụ và 42 lối mở, điểm thông quan. Hệ thống này mang lại lợi thế lớn về logistics cho hoạt động thương mại Việt Nam - Trung Quốc.
Việt Nam-Trung Quốc là hai thị trường có tính chất bổ trợ lẫn nhau. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, chỉ đứng sau Hoa Kỳ.
Ngược lại, Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối tác thương mại lớn thứ 6 của Trung Quốc trên thế giới sau các nước Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức và Australia.