13:35 20/01/2025

Xuất khẩu toàn ngành cao su lập kỷ lục 10,2 tỷ USD

Chu Khôi

Giá cao su tăng do thiếu hụt nguồn cung trên toàn cầu, đã đưa giá trị xuất khẩu cao su thiên nhiên của Việt Nam năm 2024 thiết lập mốc mới cao nhất từ trước tới nay, với con số 3,4 tỷ USD. Tính cả xuất khẩu sản phẩm cao su (lốp xe, găng cao su…) và gỗ cao su, tổng giá trị xuất khẩu của toàn ngành năm 2024 đạt tới 10,2 tỷ USD…

Năm 2025 hứa hẹn sẽ tiếp tục là một năm thành công với ngành cao su Việt Nam, dự báo tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành sẽ đạt 11-11,2 tỷ USD, tăng trưởng 10% so với năm 2024.
Năm 2025 hứa hẹn sẽ tiếp tục là một năm thành công với ngành cao su Việt Nam, dự báo tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành sẽ đạt 11-11,2 tỷ USD, tăng trưởng 10% so với năm 2024.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, năm 2024, Việt Nam xuất khẩu khoảng 2 triệu tấn cao su, trị giá 3,4 tỷ USD; giảm 6,2% về khối lượng, nhưng tăng 18,2% về giá trị so với năm 2023.

Trước đó, kim ngạch xuất khẩu cao su đạt cao nhất vào năm 2022, với 3,3 tỷ USD. Năm 2023, xuất khẩu cao su của Việt Nam chỉ đạt 2,89 tỷ USD. Với kết quả năm 2024, xuất khẩu cao su đã vượt qua mức giá trị của năm 2022, để thiết lập mức kỷ lục cao nhất từ trước tới nay.

GIÁ CAO SU XUẤT KHẨU TĂNG MẠNH

Trung Quốc vẫn là thị trường đứng đầu trong tất cả các thị trường tiêu thụ  cao su Việt Nam. Năm 2024, xuất khẩu cao su sang Trung Quốc đạt gần 1,5 triệu tấn, trị giá 2,4 tỷ USD, giám 8,5% về lượng nhưng tăng gần 11% về kim ngạch so với năm 2023. Trung Quốc chiếm 72% về lượng và 71% kim ngạch xuất khẩu cao su của Việt Nam năm 2024.

Chính sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Trung Quốc sau các chính sách kích thích kinh tế, như các gói tài trợ đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đã thúc đẩy nhu cầu cao su trong nước và xuất khẩu, đặc biệt trong ngành công nghiệp ô tô.

 

"Giá xuất khẩu cao su bình quân trong cả năm đạt 1.701 USD/tấn, tăng 26% so với giá bình quân năm 2023 là 1.350 USD/tấn".

Hiệp hội Cao su Việt Nam.

Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), sở dĩ kim ngạch xuất khẩu cao su tăng mạnh trong năm 2024, chủ yếu là nhờ giá cao su xuất khẩu tăng cao.

Diễn biến giá cao su xuất khẩu sang Trung Quốc, cho thấy rõ sự tăng giá mạnh của cao su xuất khẩu nói chung trong năm qua. Cụ thể, trong tháng 1/2024, giá bình quân xuất khẩu sang Trung Quốc là 1.388 USD/tấn, tháng 2 tăng lên 1.433 USD/tấn. Tháng 4, giá cao su bình quân xuất khẩu sang Trung Quốc là 1.510 USD/tấn, tới tháng 7 đạt bình quân 1.619 USD/tấn. Tháng 9/2024, giá xuất khẩu bình quân 1.724 USD/tấn, và tháng 11/2024 là 1.905 USD/tấn, cao hơn 40% so với tháng 11/2023.

Giá bình quân xuất khẩu các chủng loại cao su sang Trung Quốc trong năm 2024 đều tăng so với năm 2023, trong đó có nhiều chủng loại tăng rất mạnh. Cụ thể, trong 11 tháng năm 2024, cao su RSS1 tăng 43%; Latex tăng 37%; SVR CV50 tăng 31%; RSS3 tăng 30%; SVR CV60 tăng 25%; hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp tăng 25%; SVR3L tăng 24%; SVR10 tăng 21%...

Trong năm 2024, giá cao su trên thị trường thế giới tăng mạnh do nguồn cung thiếu hụt so với nhu cầu. Theo Hiệp hội Các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC), trong 10 tháng năm 2024, sản lượng cao su tự nhiên toàn cầu đạt 11,2 triệu tấn, trong khi nhu cầu cao su tự nhiên là 12,1 triệu tấn. Như vậy, nguồn cung cao su thiên nhiên toàn cầu trong 10 tháng năm 2024 bị thiếu hụt khoảng 900 nghìn tấn so với nhu cầu tiêu thụ.

Ông Lê Thanh Hưng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), cho biết năm 2024 giá bán mủ cao su tăng và các công ty cao su thành viên Tập đoàn thực hiện vượt doanh thu, lợi nhuận kế hoạch đề ra. Doanh thu khối cao su năm 2024 của VRG ước đạt khoảng 24.582 tỷ đồng, bằng 111% kế hoạch và lợi nhuận trước thuế ước đạt khoảng 4.718 tỷ đồng, bằng 123% kế hoạch năm 2024.

Theo ông Hưng, một điểm nhấn của VRG trong năm 2024 là sản phẩm đã đáp ứng được quy định EUDR (Quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu). Đến nay, đã có 3 đơn vị thành viên của VRG đã hoàn thành việc đáp ứng theo yêu cầu EUDR, được khách hàng chấp nhận gồm Tổng Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng và Công ty Cổ phần Cao su Chư Sê Kampong Thom (Campuchia).

VRA DỰ BÁO KIM NGẠCH XUẤT KHẨU NĂM 2025 SẼ ĐẠT 11 TỶ USD

Hiệp hội cao su Việt Nam (VRA) thông tin: Con số giá trị xuất khẩu 3,4 tỷ USD được Tổng cục Hải quan công bố, mới chỉ là xuất khẩu mủ cao su (tươi và sơ chế). Thực ra, tổng giá trị xuất khẩu của toàn ngành cao su trong năm 2024 lên đến 10,2 tỷ USD. Đây cũng là mốc kỷ lục cao nhất từ trước tới nay. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm cao su chế biến sâu (lốp ô tô, găng cao su và các sản phẩm khác) đạt 4,5 tỷ USD và xuất khẩu gỗ cao su ước đạt 2,3 tỷ USD.

VRA nhận định năm 2025 hứa hẹn sẽ tiếp tục là một năm thành công với ngành cao su Việt Nam, dự báo tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành sẽ đạt 11-11,2 tỷ USD, tăng trưởng 10% so với năm 2024. Dự báo này được đưa ra trong bối cảnh ngành cao su không ngừng tìm kiếm cơ hội để tăng trưởng bền vững, đặc biệt khi giá trị xuất khẩu đang có xu hướng tăng mạnh nhờ các yếu tố kinh tế quốc tế và các chính sách nội tại của Việt Nam.

Ngành công nghiệp ô tô của Trung Quốc, nơi tiêu thụ một lượng lớn cao su, được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm 2025, do nhu cầu cao từ cả thị trường nội địa và các quốc gia xuất khẩu. Điều này mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp cao su Việt Nam khi nhu cầu từ Trung Quốc tiếp tục gia tăng.

Giá cao su trong giai đoạn đầu năm 2025 được dự báo sẽ tiếp tục giữ mức cao, chủ yếu nhờ vào sự hỗ trợ của cả cung và cầu. Theo nhận định của các chuyên gia, mặc dù sản lượng cao su tự nhiên tại các quốc gia sản xuất hàng đầu có xu hướng thu hẹp, nhưng nhu cầu tiêu thụ cao su toàn cầu vẫn tiếp tục tăng, đặc biệt là từ Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu cao su lớn nhất thế giới.

Một yếu tố quan trọng giúp duy trì giá cao su ở mức cao là sự gia tăng nhu cầu cao su phục vụ cho ngành "sản xuất lốp xe" và các thiết bị công nghiệp. Các công ty cao su Việt Nam đang hưởng lợi từ xu hướng này, khi nhu cầu cao su toàn cầu tăng cao, góp phần đẩy giá cao su xuất khẩu tăng lên.

Tuy nhiên, thách thức lớn của ngành cao su là Quy định không phá rừng của EU (EUDR) sẽ có hiệu lực vào 1/2026. EUDR yêu cầu các sản phẩm nhập khẩu, bao gồm cao su, phải chứng minh rõ ràng nguồn gốc và tuân thủ các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường.

Đây là vấn đề khó khăn đối với ngành cao su Việt Nam, vốn đang nỗ lực cải thiện chất lượng sản phẩm và phát triển thương hiệu bền vững. Các doanh nghiệp cần đầu tư vào quy trình sản xuất và nâng cao năng lực truy xuất nguồn gốc để đáp ứng các yêu cầu của các thị trường quốc tế, đặc biệt là EU.

Theo Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), châu Âu là thị trường nhập khẩu cao su và sản phẩm cao su lớn nhất thế giới, đạt mức 75 tỷ USD mỗi năm. Châu Âu cũng là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất, chiếm khoảng 31-34,5% tổng xuất khẩu cao su toàn cầu. Nếu các sản phẩm cao su của Việt Nam đáp ứng được các quy định của EUDR, ngành cao su sẽ có cơ hội mở rộng thị trường tại EU và nhiều thị trường khó tính khác, thay vì phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc như hiện nay.