Xuất nhập khẩu 9 tháng năm 2019: Những điểm nhấn và cảnh báo
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 9 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 194,296 tỷ USD
Số liệu thống kê mới nhất cho thấy, xuất, nhập khẩu; xuất, nhập siêu hàng hóa của Việt Nam 9 tháng đầu năm 2019 có nhiều điểm nhấn; song, bên cạnh đó cũng có một số điểm cần cảnh báo về các mặt xuất khẩu, nhập khẩu và xuất siêu.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 9 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 194,296 tỷ USD; kim ngạch nhập khẩu đạt 188,423 tỷ USD; xuất siêu đạt 5,873 tỷ USD.
Xuất khẩu đạt quy mô lớn và tăng khá
Điểm nhấn đầu tiên là kim ngạch xuất khẩu 9 tháng năm 2019 đạt quy mô lớn nhất so với cùng kỳ từ trước đến nay, lớn hơn nhiều mức cả năm 2016 (176,6 tỷ USD) và cách không xa mức của cả năm 2017 (215,1 tỷ USD).
Điểm nhấn thứ hai là tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu, tăng 8,2%. Tốc độ tăng này tuy thấp hơn tốc độ tương ứng của cùng kỳ năm trước (15,8%), nhưng đã cao hơn cận trên của tốc độ tăng theo mục tiêu cả năm 2019 (7-8%).
Điểm nhấn thứ ba là tăng trưởng đạt được ở cả 2 khu vực (khu vực trong nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI); trong đó, tốc độ tăng kim ngạch của khu vực trong nước (tăng 16,4%) cao gấp trên 3 lần tốc độ tăng tương ứng của khu vực FDI, bao gồm cả dầu thô (tăng 5%) và cao gấp 2 lần tốc độ tăng của cả nước (tăng 8,2%) - điều mà các năm trước chưa đạt được. Điều đó chứng tỏ khu vực trong nước đã có nỗ lực và tranh thủ tốt hơn các ưu đãi khi các FTA.
Điểm nhấn thứ tư là tăng trưởng đạt được ở nhiều nhóm/mặt hàng. Trong 45 nhóm/mặt hàng chủ yếu có thống kê cụ thể, có 30 nhóm tăng so với cùng kỳ, trong đó có 20 nhóm tăng cao hơn tốc độ chung, như túi xách, ví, va li, mũ, ô dù; sản phẩm mây tre cói thảm, gỗ và sản phẩm gỗ; dệt may; giày dép...
Có 28 nhóm/mặt hàng đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó có 8 đạt trên 5 tỷ USD, 5 mặt hàng vượt qua mốc 10 tỷ USD và 3 mặt hàng đạt trên 20 tỷ USD.
Điểm nhấn thứ năm là sau 8 tháng đã có 51/86 thị trường tăng so với cùng kỳ; trong đó có 13 thị trường có mức tăng khá (trên 100 triệu USD), đặc biệt có 7 thị trường có mức tăng rất cao (trên 500 triệu USD) như Mỹ, Nhật Bản, Thụy Sĩ, Hàn Quốc, Đài Loan, Canada, Italia).
Mới qua 8 tháng đã có 27 thị trường đạt trên 1 tỷ USD, có 8 thị trường đạt trên 4 tỷ USD (Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Hồng Kông, Hà Lan, Đức); đặc biệt 9 tháng có 4 thị trường đầu đã đạt trên 10 tỷ USD, 2 thị trường đầu đạt trên 20 tỷ USD, riêng Mỹ đạt gần 45 tỷ USD.
Bên cạnh những điểm nhấn trên, xuất khẩu 9 tháng cũng có những điểm còn hạn chế, bất cập và đứng trước một số thách thức cần cảnh báo.
Trong tổng quy mô xuất khẩu, hàng nông sản, khai khoáng vẫn còn chiếm tỷ trọng lớn; hàng chế biến có tỷ trọng tăng lên, nhưng tỷ trọng hàng gia công, lắp ráp vẫn còn lớn, kể cả một số hàng xuất khẩu do khu vực FDI thực hiện.
Trong tổng kim ngạch xuất khẩu, tỷ trọng của khu vực FDI tuy giảm xuống, nhưng vẫn còn rất lớn (69,3%). Tăng trưởng xuất khẩu hầu hết các nông, thủy sản chủ yếu bị sụt giảm, trong đó có loại giảm sâu (như gạo, cà phê, hạt tiêu,...).
Theo thị trường xuất khẩu 8 tháng sang 29/80 thị trường chủ yếu bị giảm, trong đó mức giảm tương đối lớn (trên 100 triệu USD) là Hồng Kông, Áo, Trung Quốc, Australia, Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia, Malaysia, Đức.
Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ- Trung còn bất định, nhiều quốc gia thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ, hạ giá mạnh đồng tiền, chính sách nhập khẩu thay đổi... là những thách thức đến hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Nhập khẩu tăng cao hơn xuất khẩu
Tăng trưởng nhập khẩu (8,9%), cao hơn tốc độ tăng của xuất khẩu.
Có 17/53 nhóm mặt hàng chủ yếu có kim ngạch giảm, trong đó giảm sâu có lúa mì, hạt điều, đậu tương, dầu mỡ động thực vật, xăng dầu, sản phẩm khác từ dầu mỏ, phân bón, giấy, bông, điện thoại các loại và linh kiện... Trong 86 thị trường chủ yếu có 30 thị trường giảm, trong đó giảm sâu có Hồng Kông, Malaysia, Mexico, Nga, Singapore...
Một điểm nhấn quan trọng là trong quan hệ buôn bán với nước ngoài, Việt Nam tiếp tục ở vị thế xuất siêu khá lớn, tương đương với cùng kỳ năm trước. Kỳ vọng cả năm 2019 sẽ không nhập siêu lớn như kế hoạch (7-8 tỷ USD), trái lại còn xuất siêu khá lớn (trên 6 tỷ USD).
Nếu dự đoán trên là đúng thì năm 2019 sẽ là năm thứ 4 liên tiếp xuất siêu và là năm có mức xuất siêu lớn nhất từ trước đến nay. Đây là một trong những yếu tố quan trọng góp phần cải thiện cán cân thanh toán, tăng dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá...
Khu vực trong nước vẫn nhập siêu, nhưng tỷ lệ nhập siêu đã giảm so với cùng kỳ (32,6% so với 35,4%); khu vực FDI tiếp tục xuất siêu lớn, tăng về kim ngạch (25,3 tỷ USD so với 24,6 tỷ USD).
Trong 8 tháng, có 59/86 thị trường, Việt Nam xuất siêu, trong đó xuất siêu lớn (trên 1 tỷ USD) có 17 thị trường (Mỹ, Hà Lan, Hồng Kông, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Anh, Campuchia, Canada, Áo, Ấn Độ, Đức, Philippines, Pháp, Mexico, Tây Ban Nha, Bỉ, Italia); 6 thị trường trên 2 tỷ USD; 5 thị trường trên 3 tỷ USD; đặc biệt Mỹ (ước 9 tháng) 34,2 tỷ USD...