09:02 04/02/2022

Xuất nhập khẩu và logistics Việt Nam sẽ tiếp tục bứt phá

Lan Quyên

Việt Nam có một thế mạnh về địa kinh tế rất thuận lợi để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu và dịch vụ logistics. Vì vậy, có thể nói: cả xuất nhập khẩu và logistics của Việt Nam đang hội tụ các điều kiện thuận lợi để tiếp tục bứt phá, tăng trưởng nhanh và bền vững hơn trong thời gian tới...

Nhân dịp đầu Xuân Nhâm dần, Tạp chí Kinh tế Việt Nam/ VnEconomy đã có cuộc trò chuyện với ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, về những kỷ lục xuất nhập khẩu của năm 2021 và những dự  báo trong năm 2022.

VỚI NHIỀU LỢI THẾ, VIỆT NAM ĐẠT KỶ LỤC VỀ XUẤT NHẬP KHẨU

Ông có nhìn nhận thế nào về hoạt động kinh tế nói chung và xuất nhập khẩu nói riêng trong năm 2021 vừa qua?

Kể từ khi cơn sóng thần mang tên Covid-19 ập đến, nền kinh tế thế giới cũng như Việt Nam đã chịu những tác động sâu sắc. Năm 2021, dịch bệnh đã tác động đến khắp các tỉnh thành của đất nước, đặc biệt tại các địa phương có sản lượng sản xuất công nghiệp lớn như Bắc Ninh, Bắc Giang, các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Đây cũng chính là những địa phương có đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất nhập khẩu chung của cả nước.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương

Kết quả này càng ấn tượng trong bối cảnh xuất khẩu gặp nhiều khó khăn cả trên thị trường ngoài nước và cả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hoá trong nước do dịch Covid-19. Tăng trưởng xuất khẩu cao góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần giải quyết việc làm, ổn định đời sống nhân dân.Nhưng 2021 cũng là năm xuất nhập khẩu chứng kiến mức kim ngạch kỷ lục, đạt trên 668 tỷ USD; xuất khẩu tăng trưởng ấn tượng, tăng 19% so với năm trước. Cán cân thương mại năm 2021 duy trì trạng thái xuất siêu với mức thặng dư đạt 4,1 tỷ USD. Đã có 33 thị trường có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (tăng 2 thị trường so với năm 2020), 5 thị trường trên 10 tỷ USD, 11 thị trường trên 5 tỷ USD (tăng 3 thị trường so với năm 2020). Có 35 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, tăng 3 mặt hàng so với năm 2020.

Đằng sau những con số thì ý nghĩa của việc tăng trưởng xuất nhập khẩu còn thể hiện như thế nào?

Thị trường xuất khẩu được mở rộng theo hướng đa dạng hóa và đa phương hóa, quan hệ thương mại mở rộng tới các châu lục, các khối kinh tế khu vực và quốc tế. Xuất khẩu của Việt Nam sang nhiều thị trường đạt mức tăng trưởng cao, đặc biệt là các thị trường mà Việt Nam đã ký kết FTA. Điều đó cho thấy chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế của chúng ta là hoàn toàn đúng đắn và đến giờ đã đem lại kết quả cụ thể.

Xuất nhập khẩu và logistics Việt Nam sẽ tiếp tục bứt phá  - Ảnh 1

Bên cạnh đó, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục củng cố, giữ vững các thị trường truyền thống, trọng điểm như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc... và mở rộng, phát triển thêm nhiều thị trường mới ra khắp thế giới, bao gồm vươn tới châu Phi, Mỹ La-tinh.

Cán cân thương mại có thặng dư suốt một thập kỷ vừa qua (từ năm 2012, chỉ trừ năm 2015 là nhập siêu) giúp nền kinh tế tăng dự trữ ngoại tệ, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nước ta đang phải sử dụng chính sách kết hợp tài khóa - tiền tệ. Điều này đem đến sự cân bằng và tự chủ tốt hơn cho hoạt động xuất khẩu cũng như cho nền kinh tế Việt Nam. Đã từng có giai đoạn xuất khẩu của cả nước phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu các mặt hàng như dầu thô, than đá để có ngoại tệ bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Tuy vậy, những năm gần đây, Việt Nam đã không chỉ cân bằng được cán cân thương mại, mà cơ cấu xuất khẩu cũng có sự chuyển dịch tích cực. Nhóm hàng công nghiệp chế biến là động lực cho tăng trưởng chung của xuất khẩu, chiếm trên 86% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Tỷ trọng trong tổng kim ngạch của nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản giảm. Xuất khẩu nông, thủy sản tăng mạnh, nhưng tốc độ tăng chưa bằng nhóm hàng công nghiệp nên tỷ trọng trong xuất khẩu chung có giảm.

Trong dịch bệnh, hoạt động thương mại của chúng ta vẫn có mức độ tăng trưởng rất lớn. Ông có thể lý giải như thế nào không?

Theo tôi, có một số nguyên nhân.

Chúng ta đã xác lập được vị thế quan trọng trong chuỗi cung ứng của một số sản phẩm, như: điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, dệt may, da giày, đồ gỗ, thuỷ sản, gạo, cà-phê, hồ tiêu... Vì vậy, mặc dù hoạt động sản xuất của chúng ta có bị gián đoạn trong quý 3, nhưng các đơn hàng không bị chuyển đi hoặc chuyển không đáng kể.

Năng lực phục hồi của các doanh nghiệp rất tốt. Qua 2 năm thử thách với dịch bệnh, các doanh nghiệp cũng đã tìm ra cách thích ứng nên kể cả trong dịch bệnh vẫn duy trì sản xuất "3 tại chỗ", và ngay sau khi có Nghị quyết 128 đã bật lên mạnh mẽ.

Dịch bệnh khiến một số mặt hàng như sản phẩm điện tử gia dụng, đồ gỗ nội thất bị suy giảm sản lượng ở những khu vực khác trên thế giới, và các đơn hàng dồn về Việt Nam, tạo điều kiện cho các ngành này tăng mạnh.

Một thế mạnh khác là chúng ta đang sở hữu 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) với hầu hết các thị trường trọng điểm trên thế giới, nhờ vậy tạo ra một xung lực lớn cho hoạt động sản xuất và xuất khẩu, cùng với đó giúp chúng ta tiếp nhận được nhiều công nghệ tiên tiến, hiện đại và đào tạo được lực lượng lao động chuyên nghiệp hơn.

Một yếu tố nữa là trong làn sóng chuyển dịch đầu tư để tái cơ cấu chuỗi cung ứng của các tập đoàn, Việt Nam vẫn đang là một địa chỉ có nhiều lợi thế để các nước lựa chọn.

THÀNH CÔNG VÌ SÁCH LƯỢC LÂU DÀI TRONG CHỐNG DỊCH

Nhìn lại năm 2021, trong một bài báo trên VnEconomy đầu tháng 8, ông cũng đã đề cập đến việc phải có sách lược lâu dài trong chống dịch, sau này được thể hiện thành chủ trương thích ứng an toàn với dịch bệnh. Điều gì khiến ông đưa ra đề xuất như vậy?

Thực ra những điều đó không phải chỉ là ý nghĩ của riêng tôi. Trên nhiều diễn đàn khác nhau cũng đã có những ý kiến tương tự như vậy. Trong đó có cả ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia y tế cho đến doanh nghiệp. Mọi người đều có nhận định chung chống dịch là ưu tiên cao nhất, nhưng bên cạnh đó thì cuộc sống vẫn diễn ra, vẫn phải xem xét đáp ứng những nhu cầu tối thiểu của cuộc sống. Như vậy, khi không thể dập tắt ngay được dịch bệnh thì chúng ta phải xem xét phương án vừa chống dịch, vừa cho phép các hoạt động kinh tế - xã hội được thực hiện để duy trì nguồn lực chống dịch.

Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 và các biện pháp giãn cách xã hội đã gây ra đứt gãy chuỗi logistics ở một số tỉnh thành đồng bằng sông Hồng và miền Đông Nam Bộ.
Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 và các biện pháp giãn cách xã hội đã gây ra đứt gãy chuỗi logistics ở một số tỉnh thành đồng bằng sông Hồng và miền Đông Nam Bộ.

Còn về phân loại cấp độ dịch, tại thời điểm khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, chúng ta vẫn không có một chỉ số hay thước đo chung về các cấp độ dịch. Điều này không chỉ cần thiết cho giới chuyên môn mà ngay cả người dân cũng cần. Cùng với thước đo này là bộ các quy tắc ứng xử tương ứng với từng cấp độ. Không có thước đo này cũng là một nguyên nhân làm cho các biện pháp chống dịch rất khác nhau. Có nơi xuất hiện cả trăm ca bệnh nhưng không áp đặt các biện pháp hạn chế nào, nhưng có địa phương mới chỉ xuất hiện vài ca bệnh thì phong tỏa cả một tỉnh. Rồi cách hiểu thế nào là giãn cách, thế nào là phong tỏa cũng rất khác nhau.

Thực tế thì các văn bản chống dịch ban hành trước đó không có khái niệm "phong tỏa", nhưng vì thiếu quy định phân loại, hướng dẫn nên các địa phương tự đặt ra biện pháp như vậy, dẫn đến có những nơi áp dụng cả những biện pháp cực đoan như giăng dây thép gai, chính quyền khóa cửa bên ngoài nhà dân... Vì vậy, việc đưa ra phân loại cấp độ dịch và các biện pháp xử lý tương ứng sẽ rất quan trọng để triển khai chống dịch đồng bộ, nhất quán trên cả nước.

Khi có mặt tại TPHCM trong những ngày căng thẳng nhất của đợt dịch tại thành phố này, cảm nhận của ông lúc đó như thế nào?

Bộ Công Thương là một trong những bộ đã thiết lập Tổ công tác đặc biệt tại TPHCM từ rất sớm, vào giữa tháng 7. Tổ bao gồm các anh chị công tác tại TP.HCM cùng một số anh chị từ ngoài Bắc vào.

Tôi vào tham gia hoạt động của Tổ vào cuối tháng 8, khi hoạt động giãn cách ở TPHCM đang ở mức độ cao nhất, toàn bộ người dân phải ở trong nhà. Các chuyến bay thương mại giữa Hà Nội và TPHCM cũng dừng hoạt động, tôi đi nhờ được một chuyến bay tăng cường đưa lực lượng y tế từ Hải Dương và Thanh Hóa vào tham gia chống dịch. Nhìn mọi người trên chuyến bay hôm đó, tự nhiên mình cũng có một cảm xúc rất lạ. Lúc đó mình chỉ nghĩ đến hình ảnh ngày xưa cha anh mình đã lên đường "đi B", tăng cường, chi viện cho miền Nam...

Câu chuyện ùn tắc ở biên giới đến giờ cơ bản đã giải quyết xong, nhưng về lâu dài thì như thế nào, thưa ông?

Đợt ùn tắc ở biên giới gần đây có nguyên nhân trực tiếp là do Trung Quốc siết chặt các biện pháp phòng dịch khiến năng lực thông quan giảm xuống đáng kể. Nhưng dù do nguyên nhân gì thì chúng ta cũng đều thấy những rủi ro của xuất khẩu qua cửa khẩu đường bộ, đặc biệt là xuất khẩu nông sản và xuất khẩu qua cửa khẩu phụ, lối mở (hay còn gọi là xuất khẩu tiểu ngạch).

Vì vậy, dù đợt ùn tắc vừa qua cơ bản đã giải tỏa xong, nhưng các vấn đề vẫn còn đó nếu chúng ta không thay đổi. Trong nhiều điều phải thay đổi, tôi rất mong các tỉnh vùng trồng quan tâm hơn nữa, có biện pháp thiết thực để kết nối nông dân, thương lái với các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản.

Cũng giống như sân bay, cảng biển, cửa khẩu là một hạ tầng hết sức trọng yếu trong chuỗi logistics quốc tế. Các cửa khẩu biên giới lại thường nằm ở địa hình núi đồi, diện tích mặt bằng hạn chế. Vì vậy, bên cạnh việc đầu tư mở rộng hạ tầng cửa khẩu, cần phải giảm tải cho cửa khẩu bằng việc xây dựng hệ thống trung tâm logistics lùi vào trong nội địa.
Cũng giống như sân bay, cảng biển, cửa khẩu là một hạ tầng hết sức trọng yếu trong chuỗi logistics quốc tế. Các cửa khẩu biên giới lại thường nằm ở địa hình núi đồi, diện tích mặt bằng hạn chế. Vì vậy, bên cạnh việc đầu tư mở rộng hạ tầng cửa khẩu, cần phải giảm tải cho cửa khẩu bằng việc xây dựng hệ thống trung tâm logistics lùi vào trong nội địa.

Các bộ ngành không thể thực hiện, làm thay việc kết nối cho từng địa phương, từng khu vực, từng mặt hàng, mà chỉ có thể hỗ trợ khi địa phương vào cuộc. Thực tế cho thấy những địa phương có quan tâm đến việc này thì hiệu quả rất cao, đặc biệt những tấm gương điển hình như Bắc Giang, Hải Dương, Sơn La là những bài học rất rõ về điều này.

Qua dịch bệnh, vai trò của logistics càng được nhìn thấy rõ. Ông có thể nói thêm về điều này được không?

Cuộc sống là vận động. Logistics cũng là vận động. Nếu logistics mà ngừng, mà tắc nghẽn thì hoạt động kinh tế, hoạt động xã hội đều sẽ bị ảnh hưởng.

Khi mà mọi người phải ở trong nhà để thực hiện các biện pháp chống dịch thì dòng chảy của logistics vẫn phải duy trì. Đặc biệt, vai trò của đội ngũ giao hàng chặng cuối (các shipper) là rất quan trọng, cùng với lực lượng bộ đội góp phần đưa hàng hóa đến từng nhà người dân.

Việc đảm bảo logistics cũng góp phần duy trì tốc độ xuất khẩu. Mọi người đều nói dịch bệnh làm đứt gãy chuỗi cung ứng. Sự đứt gãy đó thể hiện ở hai khâu chính: hoặc là sản xuất bị đình trệ (do thực hiện giãn cách, do công nhân bị nhiễm bệnh phải nghỉ việc...), hoặc là ở khâu logistics (vận chuyển, giao nhận). Điều này thấy rõ trong ngành hàng hải. Khi các cảng như Los Angeles, Long Beach (Hoa Kỳ), Felixstowe, Hamburg (Châu Âu) bị thiếu nhân công, thiếu lực lượng lái xe, lượng hàng hóa bốc dỡ ở các cảng này giảm xuống, dẫn đến các tàu phải đợi lâu hơn mới có thể vào bốc dỡ hàng, dẫn đến vòng quay của phương tiện lâu hơn, các hãng tàu phải cắt giảm chuyến, chỗ, đẩy cước phí vận chuyển lên cao...

Logistics được ví như mạch máu của nền kinh tế - điều đó không sai. Nếu máu huyết không lưu thông thì khó có cơ thể khỏe mạnh.

Logistics có vai trò quan trọng như vậy, nhưng cho đến nay vẫn chưa có một cơ quan quản lý chuyên trách về lĩnh vực này?

Thực ra, logistics là một ngành dịch vụ tổng hợp, bao gồm khá nhiều ngành, nhiều khâu, trong đó có những khâu quan trọng nhất là vận tải, kho bãi, giao nhận, các dịch vụ giá trị gia tăng đối với hàng hóa.

Xét về tính chất, logistics khá tương đồng với ngành du lịch. Cả hai đều là những ngành dịch vụ, tác động đến sự di chuyển, lưu giữ (lưu trú) của đối tượng, chỉ khác nhau ở chỗ đối tượng của ngành du lịch là con người, còn đối tượng của logistics là hàng hóa. Đối với du lịch thì hàng không là phương tiện chuyên chở chính, còn đối với logistics thì hàng hải là phương thức vận chuyển cơ bản. Du lịch có khách sạn là nơi lưu trú của du khách thì logistics có các trung tâm logistics (kho bãi) là nơi lưu giữ hàng hóa.

Xuất nhập khẩu và logistics Việt Nam sẽ tiếp tục bứt phá  - Ảnh 2

Bản thân ngành du lịch không thể sở hữu, quản lý tất cả các yếu tố, hạ tầng, nhân lực liên quan (vận chuyển thuộc Bộ Giao thông vận tải, thủ tục xuất nhập cảnh thuộc Bộ Công an, di tích danh thắng thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch...), nhưng ngành du lịch vẫn có vai trò quan trọng kết nối các ngành liên quan để phát triển dịch vụ du lịch.

Trong khi ngành du lịch có một cơ quan chuyên trách cấp Tổng cục, ngoài ra còn có một Ban chỉ đạo quốc gia về du lịch do một Phó Thủ tướng làm Trưởng ban, để thực hiện chức năng quản lý nhà nước và thúc đẩy phát triển ngành du lịch thì logistics hiện nay chưa có một cơ quan chuyên trách tương xứng để thúc đẩy phát triển ngành này.

2022: KỲ VỌNG MỘT PHÉP MẦU 

Dự báo tình hình xuất nhập khẩu năm 2022 sẽ có những thuận lợi và khó khăn như thế nào, thưa ông?

Năm 2022 được dự báo là năm tiếp tục có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Đại dịch Covid-19 có thể tiếp tục diễn biến phức tạp, kéo dài và phát sinh những biến thể mới. Tăng trưởng kinh tế thế giới chưa vững chắc và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong đó có những tác động của Covid-19 chưa bộc lộ hết.

Chúng ta vừa phải nhanh chóng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát tốt dịch bệnh để duy trì, phát triển sản xuất, vừa bắt kịp với đà phục hồi và các xu hướng phát triển mới của quốc tế, đồng thời cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro như xu hướng gia tăng các hàng rào bảo hộ thương mại phi thuế quan tại nhiều khu vực thị trường lớn, diễn biến giá cả hàng hóa toàn cầu trở nên khó dự đoán, hay nguy cơ lạm phát, rủi ro tài chính, tiền tệ gia tăng...

Tuy nhiên, chúng ta cũng nhìn nhận trong khó khăn vẫn luôn xuất hiện cơ hội. Có thể nói, đến thời điểm này các doanh nghiệp cũng đã được "tiêm vaccine" để thích ứng với những biến đổi của thị trường do dịch bệnh gây ra. Đây là tiền đề rất tốt để chúng ta tiếp tục phát triển trong thời gian tới.

Thị trường xuất khẩu dự báo tiếp tục phục hồi khi các nước dần kiểm soát được dịch Covid-19. Xuất khẩu sang các thị trường đối tác trong các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới sẽ tiếp tục được tăng cường khi các doanh nghiệp đã dần thích nghi với các cam kết của hiệp định cùng thuế nhập khẩu ưu đãi của các đối tác sẽ tiếp tục được xóa bỏ hoặc cắt giảm. Nhiều nước triển khai các gói kích thích kinh tế, kích cầu tiêu dùng, qua đó gia tăng nhu cầu hàng nhập khẩu.

Nếu dịch Covid-19 được khống chế, ông đánh giá hoạt động xuất nhập khẩu và logistics sẽ hồi phục như thế nào?

Cho dù Covid-19 được khống chế thì những dư chấn của nó vẫn còn tác động đến kinh tế thế giới.

Thế giới sẽ cần thêm một thời gian để xác lập lại trật tự như trước khi xảy ra đại dịch. Thậm chí. có những lĩnh vực, những khía cạnh sẽ không thể trở lại như cũ. Bên cạnh đó, cũng có những ngành mới sẽ phát triển mạnh hơn nữa sau đại dịch.

Nhu cầu tiêu dùng sẽ phục hồi nhanh hơn sự phục hồi của các ngành sản xuất. Nếu sản xuất ở các khu vực như: Đông Âu, Mỹ La-tinh phục hồi chậm thì đó tiếp tục là cơ hội cho những nước như Trung Quốc, Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.

Giá cước vận tải biển sẽ giảm hơn so với hiện nay, nhưng rất khó để trở về mức như cách đây 3 năm, trước khi có dịch.

Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải làm gì để tận dụng lợi thế đó?

Các doanh nghiệp cần tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo sản phẩm chất lượng cao để đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường thế giới.

Nếu như nỗ lực từ phía Chính phủ trong việc kết nối, đàm phán mở cửa thành công được coi là điều kiện cần thì nỗ lực từ phía cộng đồng doanh nghiệp trong đổi mới quản trị, cơ cấu lại hoạt động sản xuất, kiểm soát nguyên vật liệu đầu vào, ứng dụng khoa học công nghệ để tăng chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu cao của các thị trường đối tác là điều kiện đủ để sản phẩm của ta tiếp cận được các thị trường này.

Xuất nhập khẩu và logistics Việt Nam sẽ tiếp tục bứt phá  - Ảnh 3

Doanh nghiệp cũng phải tìm hiểu, nắm bắt rõ thông tin về thị trường, từ thị hiếu người tiêu dùng cho đến những quy định, tiêu chuẩn về quy tắc xuất xứ, an toàn vệ sinh thực phẩm... để từ đó gia tăng chất lượng hàng hóa, chinh phục các thị trường.

Ngoài ra, trong bối cảnh tình hình thế giới đang có nhiều diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, các nước ngày càng gia tăng các biện pháp hạn chế thương mại, bảo hộ sản xuất trong nước, đòi hỏi các cơ quan quản lý, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực trong công tác cảnh báo sớm, phân tích, dự báo tình hình, thông tin cập nhật đến các hiệp hội, doanh nghiệp, để chủ động có biện pháp phù hợp, bảo vệ lợi ích xuất khẩu của Việt Nam.

Một câu kết cho bài trả lời phỏng vấn này, ông muốn nói gì?

Việt Nam có một thế mạnh về địa kinh tế rất thuận lợi để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu và dịch vụ logistics do nằm trong khu vực phát triển năng động của thế giới, nơi luồng hàng tập trung giao lưu rất mạnh. Vì vậy, có thể nói cả xuất nhập khẩu và logistics của Việt Nam đang hội tụ các điều kiện thuận lợi để tiếp tục bứt phá, tăng trưởng nhanh và bền vững hơn trong thời gian tới.