11:13 13/10/2022

10 năm trước đã có trào lưu “Viet Nam Boom” tại Nhật Bản

Song Hà

Hơn 10 năm trước, nhiều người Nhật nói đến sự bùng nổ của sản phẩm Việt Nam, họ gọi trào lưu này với cái tên khá ấn tượng “Viet Nam Boom”. Thời trang của phụ nữ Nhật Bản là bộ Kimono truyền thống, tay cầm chiếc giỏ mây tre đan, choàng trên vai chiếc khăn lụa tin dùng...

Hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam được người Nhật Bản ưa chuộng.
Hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam được người Nhật Bản ưa chuộng.

Từ hơn 10 năm trước, các sản phẩm của Việt Nam như hàng thủ công mỹ nghệ, may mặc, hàng tiêu dùng… đã tạo được tiếng vang trên thị trường Nhật Bản.

“Ở VIỆT NAM BÁN GÌ THÌ NHẬT BẢN CŨNG CÓ”

Ông Tạ Đức Minh, Tham tán Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, thời ấy, các cuốn tạp chí của Nhật Bản đưa rất nhiều hình ảnh sản phẩm của Việt Nam kết hợp với thời trang của phụ nữ Nhật như những chiếc giỏ mây tre đan phối hợp với bộ Kimono truyền thống duyên dáng. Từ những chiếc khăn lụa tơ tằm, đến những sản phẩm gốm sứ, khăn trải bàn, lót cốc được làm từ chất liệu và hoa văn truyền thống của Việt Nam… đều được người tiêu dùng Nhật Bản yêu thích.

Khi đó nhiều người Nhật nói đến sự bùng nổ của hàng hoá Việt Nam hay được gọi là “Viet Nam Boom”. Những người phụ nữ, thanh niên trẻ đều biết đến và đây cũng là thời điểm nhiều người Nhật đi du lịch Việt Nam nhiều hơn.

Những năm gần đây, khi số lượng người Việt Nam sang Nhật Bản sinh sống và học tập ngày càng nhiều (gần 500 ngàn người - theo thống kê năm 2021, đứng thứ hai sau Trung Quốc), nhiều công ty, hệ thống siêu thị của Nhật đã tìm cách khai thác thị trường người Việt đầy tiềm năng này.

Thương vụ Việt Nam tại Nhật đã tổ chức nhiều sự kiện quảng bá hàng Việt. 
Thương vụ Việt Nam tại Nhật đã tổ chức nhiều sự kiện quảng bá hàng Việt. 

Hàng loạt thương hiệu của Việt Nam trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống như: tương ớt Chinsu, cà phê Trung Nguyên, sa tế tôm của Cholimex, bia 333 hoặc Socola Marou được người Nhật ưa chuộng, tin dùng.

Thậm chí, chỉ vài năm trước đây, người tiêu dùng tại Nhật Bản chỉ biết đến nước mắm của Thái Lan thì nay đã có vài chục thương hiệu nước mắm của Việt Nam được bán tại Nhật Bản (nước mắm: Hạnh phúc, Nam ngư, Cholimex, Hưng Thịnh, Phú Quốc,…) và người ta quên luôn nước mắm của Thái Lan tại Nhật Bản.

Các loại gia vị, thực phẩm, bánh kẹo, đồ khô cũng rất đa dạng, phong phú. Các mặt hàng may mặc, giầy dép xuất xứ từ Việt Nam được bán rất nhiều tại các cửa hàng tại Nhật Bản. Nhiều sản phẩm chỉ cần nói đến là biết xuất xứ Việt Nam như hạt điều rang, quả thanh long, quả vải thiều tươi, mì hảo hảo… do có thị phần áp đảo so với các sản phẩm của các nước khác. “Nhiều lúc chúng tôi nói vui với nhau, giờ ở Việt Nam bán gì thì Nhật Bản cũng có cái đó”, ông Minh chia sẻ.

Không chỉ vậy, ẩm thực của Việt Nam tại Nhật Bản cũng phát triển nhanh từ rất sớm, nhiều nhà hàng Việt Nam đã được mọc lên khá nhiều tại Tokyo cũng như các thành phố lớn tại Nhật Bản. “Tôi thực sự ngạc nhiên khi phần lớn những người ngồi trong quán là người Nhật”, ông Minh vui mừng cho biết.

THƯƠNG HIỆU VIỆT SẼ CÓ CHỖ ĐỨNG TẠI NHẬT THEO ĐÚNG NGHĨA “HỮU XẠ TỰ NHIÊN HƯƠNG”

Được khách hàng Nhật Bản ưa chuộng, nhưng điều khiến các nhà kết nối thương mại như Thương vụ Việt Nam tại Nhật còn suy nghĩ đó là phần lớn các sản phẩm của Việt Nam được nhập khẩu vào Nhật dưới dạng nguyên liệu.

Các nhà nhập khẩu thường nhập về và lại mang thương hiệu của công ty nhập khẩu hoặc được đặt hàng theo nhãn mác riêng của cửa hàng hay hệ thống siêu thị, như mặt hàng cà phê hòa tan và lạc tẩm mật ong.

Mặt khác, các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu xuất khẩu cho các công ty thương mại và các nhà bán buôn Nhật Bản, trong khi việc tiếp cận các kênh khác như hệ thống cửa hàng bán lẻ, các nhà chế biến công nghiệp còn rất hạn chế, nhất là hiện nay hầu hết các công ty Việt Nam chưa có hệ thống đại diện hoặc chi nhánh tại thị trường Nhật Bản.

Theo đánh giá của Thương vụ, thâm nhập được vào thị trường Nhật Bản vượt qua yêu cầu khắt khe các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm của Nhật Bản, đáp ứng các tiêu chí về giá cả, cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại của nội địa cũng như sản phẩm từ các nước khác là rất khó, nên chúng ta cần xác định, ban đầu thương hiệu mang ý nghĩa quốc gia đã là một sự thành công.

“Sản phẩm được mang xuất xứ Made in Viet Nam có mặt trên kệ hàng ở các siêu thị, cửa hàng đã là niềm tự hào của sản phẩm Việt Nam. Khi các sản phẩm của Việt Nam đã thâm nhập sâu, ổn định và bền vững thì các thương hiệu của Việt Nam sẽ có chỗ đứng theo đúng nghĩa “hữu xạ tự nhiên hương””, ông Minh nhận định.

 

Các mặt hàng được sản xuất nội địa tại Nhật có chất lượng cao, điều này tạo ra tâm lý tiêu dùng của người Nhật luôn đòi hỏi sản phẩm phải có chất lượng tốt, trong đó có các sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài.

Tuy nhiên, để “mưa dầm thấm lâu”, hàng Việt mang thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam, ông Minh cho rằng, chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả, bao bì đóng gói là những vấn đề mà các doanh nghiệp phải đặc biệt quan tâm.

Hàng hóa nước ngoài muốn được nhập khẩu vào Nhật Bản bắt buộc phải có giấy chứng nhận đáp ứng các tiêu chuẩn cao về chất lượng đã đặt ra. Đối với hàng nông, lâm, thủy sản, phải đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật, và phải được sản xuất, nuôi trồng theo các tiêu chuẩn GAP, HACCP hay JAS (Tiêu chuẩn nông nghiệp Nhật).

Hàng công nghiệp phải đáp ứng điều kiện về quy cách sản phẩm, quy chuẩn kỹ thuật, quy định ghi nhãn hay các quy định ghi trong JIS (Tiêu chuẩn công nghiệp Nhật Bản)… Các lô hàng vi phạm quy định về chất lượng sẽ bị tiêu hủy hoặc trả lại, đồng thời hải quan Nhật Bản sẽ tăng cường tần suất và mức độ kiểm tra hàng hóa trong những lần sau, có thể gây ra nhiều phiền phức và làm tăng chi phí cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Theo ông Minh, từ trước đến nay, đối với người dân Nhật Bản khi mua hàng thì chất lượng là yếu tố được quan tâm nhất. Các mặt hàng được sản xuất nội địa tại Nhật có chất lượng cao, điều này tạo ra tâm lý tiêu dùng của người Nhật luôn đòi hỏi sản phẩm phải có chất lượng tốt, trong đó có các sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài.

Đồng thời, người Nhật cũng chú trọng đến giá cả, mẫu mã, kích thước, màu sắc, công dụng… của sản phẩm. Ví dụ: nhịp sống nhanh, công việc bận bịu khiến nhiều người ưa chuộng các sản phẩm thực phẩm ăn liền tiết kiệm thời gian; màu sắc quần áo thường chủ đạo là những gam màu trắng, đen, xám…; đồ nội thất trong nhà có kích thước nhỏ để phù hợp với kích thước các căn nhà ở Nhật, bàn ghế gỗ có thể gập và cất gọn lại...

“Nhìn chung thị hiếu tiêu dùng của người Nhật rất đa dạng, coi trọng chất lượng và tính tiện dụng của sản phẩm đáp ứng mọi nhu cầu trong cuộc sống hàng ngày. Các doanh nghiệp Việt Nam muốn có chỗ đứng tại thị trường Nhật cần nghiên cứu tìm hiểu rõ về thị hiếu của người tiêu dùng, từ đó đa dạng hóa mẫu mã, hình thức sản phẩm cùng với việc tìm cách nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành”, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản khuyến cáo.

Bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp, ông Minh cho rằng Chính phủ, bộ, ngành cần nâng cao số lượng và hiệu quả các đoàn xúc tiến thương mại, giao thương sang Nhật Bản, vì đây là nước thường xuyên có triển lãm chuyên ngành mang quy mô lớn và có tính quốc tế.

Đồng thời, tạo thuận lợi và đảm bảo ổn định cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng các chuỗi cung ứng lạnh như hệ thống kho, logistics để bảo quản và vận chuyển các mặt hàng nông sản xuất khẩu.