18:43 06/07/2021

12,8 triệu người bị ảnh hưởng bởi đợt dịch Covid-19 thứ 4, Tổng cục Thống kê đề xuất 5 giải pháp

Khánh Vy

Theo ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, làn sóng dịch Covid-19 bùng phát trở lại vào những ngày cuối tháng 4/2021 đã ảnh hưởng đến đà khôi phục việc làm và cải thiện thu nhập của người lao động trong quý 2/2021…

Tổng cục Thống kê công bố Báo cáo Tình hình lao động, việc làm quý 2/2021 và 6 tháng đầu năm 2021
Tổng cục Thống kê công bố Báo cáo Tình hình lao động, việc làm quý 2/2021 và 6 tháng đầu năm 2021

Báo cáo Tình hình lao động, việc làm quý 2/2021 và 6 tháng đầu năm 2021 được Tổng cục Thống kê công bố ngày 6/7 cho thấy, quý 2/2021, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập.

COVID-19 TÁC ĐỘNG TIÊU CỰC ĐẾN NGƯỜI LAO ĐỘNG

“Như vậy, so với quý 1/2021, dịch Covid-19 đã làm tăng thêm 3,7 triệu lao động rơi vào tình trạng bị ảnh hưởng tiêu cực. Nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất là nhóm lao động ở độ tuổi từ 25-54 với 75% lao động bị ảnh hưởng”, Tổng cục thống kê nhận định.

12,8 triệu người bị ảnh hưởng bởi đợt dịch Covid-19 thứ 4, Tổng cục Thống kê đề xuất 5 giải pháp - Ảnh 1

Đáng chú ý, lao động khu vực thành thị chịu thiệt hại nhiều so với hơn khu vực nông thôn. Có 21,9% lao động khu vực thành thị bị ảnh hưởng xấu, trong khi đó con số này ở nông thôn là 14,3%.

Gần một nửa (48,1%) tổng số người thất nghiệp cho biết công việc của họ bị bệnh dịch gây hại (tăng 11,8 điểm phần trăm so với quý trước). Khoảng một phần năm (22,6%) số người đang có việc làm cho biết họ chịu tác động xấu bởi đại dịch (tăng 7,1% điểm phần trăm so với quý trước).

Lao động có việc làm trong khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản ít chịu tác động xấu của đại dịch nhất, chỉ có với 8,9% lao động trong khu vực này cho biết họ chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch. Đứng thứ hai là lao động làm việc trong khu vực công nghiệp và xây dựng với 24,6% bị ảnh hưởng. Lao động trong khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, với tỷ lệ 30,6%.

TỶ LỆ THẤT NGHIỆP TĂNG SO VỚI QUÝ TRƯỚC

Với việc gia tăng số người “rơi” vào tình cảnh khó khăn do tác động của dịch Covid-19, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý 2/2021 tăng 87,1 nghìn người so với quý trước, lên gần 1,2 triệu người. Theo đó, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi lao động quý 2/2021 là 2,62%, tăng 0,2 điểm phần trăn so với quý trước. Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi của khu vực thành thị là 3,36%.

Như vậy, tỷ lệ thất nghiệp chung và thất nghiệp của lao động trong độ tuổi vẫn chỉ dao động xung quanh con số 2% cho dù dịch Covid-19 vẫn tiếp tục lan rộng và tác động nặng nề hơn.

Theo Tổng cục Thống kê, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã tước đi hy vọng về khả năng tìm kiếm được việc làm của người lao động. Chính vì vậy, khi mất việc, thay vì tích cực đi tìm việc làm khác, người lao động lại tin là không thể tìm được việc làm và chấp nhận tạm thời rời khỏi lực lượng lao động, trở thành lao động không sử dụng hết tiềm năng trong nền kinh tế.

“Điều này làm số lượng người thất nghiệp không tăng tương ứng với số người mất việc, bị đẩy ra khỏi thị trường lao động và khiến tỷ lệ thất nghiệp không tăng cao, chỉ dao động quanh mức 2% ngay cả khi thị trường lao động gặp nhiều sóng gió”, ông Tiến nhận định.

Điều đáng ngại, theo Tổng cục Thống kê, hiện nay, vẫn còn một bộ phận không nhỏ lực lượng lao động tiềm năng chưa được khai thác, đặc biệt là nhóm lao động trẻ.

Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng các quý, giai đoạn 2019-2021 (%)
Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng các quý, giai đoạn 2019-2021 (%)

Ở các giai đoạn trước, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng của Việt Nam chỉ ở mức 4%. Tuy nhiên tỷ lệ này bắt đầu tăng lên khi dịch Covid-19 xuất hiện, chiếm 4,8% vào quý 1/2020 và tăng lên mức cao nhất là 6,2% vào quý 2/2020 khi đợt dịch Covid-19 thứ nhất bùng phát.

Khi các hoạt động kinh tế - xã hội dần được khôi phục vào cuối năm 2020, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng giảm xuống còn 4,4% vào quý 4/2020. Bước sang năm 2021, làn sóng Covid-19 lần thứ 3 và thứ 4 lan rộng khiến tỷ lệ này tăng lên 5,2% vào quý 2/2021.

“Điều này cho thấy mức độ “lệch pha” giữa cung và cầu lao động trên thị trường, phản ánh tình trạng dư cung về lao động ngày càng rõ nét trong điều kiện thị trường chịu các cú sốc về kinh tế - xã hội”, Tổng cục Thống kê cho biết.

KIẾN NGHỊ NĂM GIẢI PHÁP

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường lao động trong bối cảnh đại dịch vẫn còn diễn biến khó lường, Tổng cục Thống kê đề nghị cần tập trung vào 5 giải pháp .

Thứ nhất, tiếp tục thực hiện kiên định mục tiêu kép, vừa quyết liệt phòng chống dịch hiệu quả, vừa tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp và người lao động. Đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine để đạt được miễn dịch cộng đồng, đặc biệt ưu tiên cho các lao động tuyến đầu, lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất để duy trì sản xuất, ngăn chặn tình trạng đứt gãy chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.

Thứ hai, chủ động và tích cực triển khai hiệu quả 12 chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, ưu tiên chú trọng thực hiện tốt chính sách hỗ trợ cho người lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương, ngừng việc, chấm dứt hợp đồng và hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động.

Thứ ba, có các chương trình, chính sách khuyến khích thanh niên và lao động trẻ, đặc biệt là những người không có việc làm, không tham gia học tập đào tạo tích cực học tập nâng cao trình độ để sẵn sàng chủ động gia nhập thị trường lao động với hành trang là các kỹ năng cần thiết đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế trong thời đại kỷ nguyên số 4.0.

Thứ tư, nâng cao vai trò của hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm trên cả nước nhằm tăng cường kết nối cung – cầu lao động, tạo niềm tin cho người lao động về cơ hội có việc làm, rút ngắn thời gian tìm việc của người lao động, thời gian tuyển dụng của người sử dụng lao động, tăng tỷ lệ tham gia lực lượng lao động, góp phần tăng trưởng và giải quyết việc làm cho người lao động.

Thứ năm, tập trung hỗ trợ nhiều hơn đến đối tượng yếu thế trong xã hội (công nhân, buôn bán nhỏ, lao động phi chính thức,…) vì đây là những đối tượng dễ bị tổn thương khi việc thực hiện giãn cách xã hội, bằng những hỗ trợ thiết thực; để giảm thiểu những tác động tiêu cực về mặt xã hội.