13:22 05/07/2021

Cuối năm thị trường lao động khó “nóng” ngay

Thu Hằng

Đợt dịch Covid lần thứ 4 đang tác động mạnh đến doanh nghiệp, người lao động trong các khu công nghiệp, tiếp tục chặn đà phục hồi của thị trường lao động. Kịch bản cho thị trường lao động 6 tháng cuối năm 2021 thế nào cho phù hợp?...

Thị trường lao động Việt Nam được dự báo khó phục hồi trong ngắn hạn.
Thị trường lao động Việt Nam được dự báo khó phục hồi trong ngắn hạn.

Trong bối cảnh này, các chuyên gia dự báo việc vực dậy thị trường lao động trong nửa cuối năm 2021 sẽ là thách thức rất lớn. Tuy vậy, nếu việc tiêm vaccine Covid được triển khai trên diện rộng, có thể kỳ vọng thị trường sẽ cải thiện vào quý cuối năm.

THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG KHÓ PHỤC HỒI TRONG NGẮN HẠN

Báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở một số địa phương nên tình hình lao động, việc làm quý 2/2021 tiếp tục chịu ảnh hưởng. Số lao động đang làm việc trong nền kinh tế giảm so với quý trước, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động đều tăng lên.

Cụ thể, tỷ lệ thất nghiệp chung của cả nước 6 tháng đầu năm ước tính là 2,3%, trong đó tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị là 3,07%; khu vực nông thôn là 1,86%. Tính chung 6 tháng đầu năm, tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ước tính là 2,58%, trong đó khu vực thành thị là 2,64%; khu vực nông thôn là 2,54%.

Còn theo đánh giá của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), đợt dịch lần thứ tư tấn công mạnh vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung một lượng lớn lao động, có các doanh nghiệp lớn trong chuỗi giá trị toàn cầu, đóng góp nhiều cho phát triển kinh tế, thu ngân sách.

Thị trường lao động, việc làm trong những tháng đầu năm 2021 khó khăn theo các diễn biến của dịch, tác động mạnh đến hầu hết người lao động, doanh nghiệp, hợp tác xã. Đặc biệt là lao động tại các khu công nghiệp, lao động của các doanh nghiệp các ngành vận tải, dịch vụ lưu trú, du lịch lữ hành.

Trước thực tế này, Bộ LĐTB&XH nhận định, lực lượng sản xuất tạo ra tăng trưởng kinh tế chính của đất nước sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, thu nhập và đời sống người lao động khó khăn. Thị trường lao động một số lĩnh vực khó phục hồi nếu dịch Covid-19 vẫn tiếp tục xảy ra như trong thời gian qua cũng như không có giá đỡ, điểm tựa để khôi phục.

Bộ LĐTB&XH nhấn mạnh, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh vẫn có thể diễn biến phức tạp, khó lường, trong thời gian tới, thị trường lao động những tháng cuối năm 2021 sẽ có thể chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực.

Một số ngành, lĩnh vực, như: vận tải, hàng không, du lịch, nếu dịch tiếp tục kéo dài có thể tiếp tục chuyển biến xấu; các ngành công nghiệp sản xuất, chế biến cũng sẽ bị ngưng trệ. Theo xu hướng lây nhiễm hiện nay, dự báo số lao động bị ảnh hưởng như phải cách ly, bị ngừng việc do doanh nghiệp ngừng sản xuất, kinh doanh có thể lên đến khoảng 2 - 2,5 triệu người lao động.

TRÔNG CHỜ NHỮNG CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ KỊP THỜI 

Trao đổi về vấn đề này, TS. Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học – Lao động và Xã hội (Bộ LĐTB&XH) nhận định, đợt dịch thứ 4 bùng phát trên diện rộng và chưa thể dự báo thời điểm kết thúc, điều này có thể tiếp tục chặn đà phục hồi của thị trường lao động trong thời gian tới.

Theo bà Hương, nhìn vào những số liệu thống kê về tình hình việc làm, thất nghiệp thời gian qua có thể thấy rõ tác động của dịch Covid-19 đến thị trường lao động. Song, con số thực sự bị ảnh hưởng có thể lớn hơn nhiều.

TS. Lan Hương nhấn mạnh: “Việc làm sẽ tiếp tục gặp khó khăn. Theo xu thế hiện nay, thị trường lao động chưa thể phục hồi được, nhưng tôi hy vọng quý cuối năm 2021 khi các nước bắt đầu mở cửa trở lại, trong nước việc tiêm chủng vaccine được triển khai trên diện rộng, kinh tế tăng trưởng tốt lên thì thị trường lao động mới có điều kiện phục hồi.

Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, khác với kinh tế, thị trường lao động không thể phục hồi nhanh mà luôn có độ trễ và chuyển dịch về cơ cấu lao động”.

Trước những khó khăn của thị trường lao động do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hiện Chính phủ đã giao Bộ LĐTB&XH nghiên cứu đề xuất một số chính sách cấp bách trước mắt để hỗ trợ trực tiếp người lao động và người sử dụng lao động.

Theo Bộ LĐTB&XH, các chính sách sẽ tập trung vào 3 nhóm chính. Đó là chính sách liên quan đến bảo hiểm xã hội; hỗ trợ trực tiếp nhóm đối tượng bị ảnh hưởng sâu, không có khả năng lao động và không có khả năng phục hồi. Đặc biệt là những người phải nghỉ việc, ngừng việc, giãn việc; chính sách hỗ trợ tín dụng để doanh nghiệp trả lương, phục hồi sản xuất chuẩn bị đón đơn hàng khi hoạt động trở lại.

Nhiều năm làm công tác an sinh xã hội, việc làm, TS. Lan Hương nhận định, chính sách lần này cần xác định rõ mục tiêu, biện pháp cơ bản để hỗ trợ doanh nghiệp duy trì, khôi phục và phát triển sản xuất.

Song, điều quan trọng nhất là không nên tăng thêm chi phí cho các doanh nghiệp trong thời điểm hiện nay. Nói cách khác là phải cắt giảm các loại chi phí không cần thiết để doanh nghiệp khôi phục sản xuất, từ đó tạo việc làm cho người lao động.

 

Hy vọng thị trường lao động sẽ khá lên

Khả năng phục hồi thị trường lao động trong những tháng nửa cuối năm 2021 sẽ phụ thuộc rất lớn vào cách nhìn nhận và kịch bản chống dịch của Việt Nam. Tôi nghĩ rằng có lẽ đã đến lúc chúng ta phải nhìn nhận lại theo phương án là phải sống chung với dịch Covid-19.

Điều quan trọng hiện nay là mở rộng diện tiêm chủng vaccine để chuẩn bị sẵn sàng khi thế giới mở cửa trở lại. Nền kinh tế của Việt Nam có độ mở rất lớn.

Vì vậy, nếu các nước trên thế giới mở cửa trở lại vào cuối năm nay cũng sẽ là một tín hiệu khởi sắc cho Việt Nam. Theo xu hướng này, những tháng cuối năm tình trạng thất nghiệp và việc làm của người lao động sẽ được cải thiện.

Tuy nhiên, đó chỉ là dự báo dù chúng ta đều kỳ vọng tình hình sẽ tốt lên. Còn hiện nay, nhìn lại những con số thống kê về tình hình việc làm, thất nghiệp quý 2 vừa qua, rõ ràng là có thể chưa phản ánh hết được tác động của dịch Covid-19 đến thị trường lao động. Qua khảo sát, nắm bắt trực tiếp từ công nhân của tổ chức công đoàn, chúng tôi thấy rằng đời sống của người lao động hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn.

Có thể những con số về tỷ lệ thất nghiệp là nhóm đối tượng hoàn toàn không có việc làm, còn trên thực tế có những lao động vẫn trong diện hợp đồng, không thông báo mất việc nhưng không hề có việc làm và thu nhập giảm mạnh.

Một số doanh nghiệp đã rơi vào tình trạng khó khăn gần 2 năm nay, thậm chí số khác đã phải đóng cửa. Chúng ta đều kỳ vọng thị trường lao động có thể hồi phục vào cuối năm nay, nhưng lực lượng lao động cũng phải chuẩn bị tâm thế để sẵn sàng chuyển đổi sang công việc khác.

Thị trường việc làm tới đây sẽ có những thay đổi rất lớn, nhiều người có thể tìm được công việc khác trong bối cảnh mới…Chung quy lại, sau đại dịch này chúng ta cần nhìn nhận lại để có những giải pháp phù hợp hơn đối với việc vực dậy thị trường lao động.

(Ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam)