09:36 09/03/2018

15 quốc gia “đội sổ” về bình đẳng giới

Thăng Điệp

15 nước có mức độ bất bình đẳng giới tệ nhất theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF)

Cách đây 1 thập kỷ, để xác định tiến bộ của thế giới trong vấn đề bình đẳng giới, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã thiết lập Chỉ số Bình đẳng giới Toàn cầu (Global Gender Gap Index).

Theo trang Business Insider, trong báo cáo gần đây nhất ra tháng 11/2017, Chỉ số Bình đẳng giới Toàn cầu phân tích 4 yếu tố chính, gồm sự tham gia vào các hoạt động kinh tế và cơ hội kinh tế; cơ hội học tập; cơ hội được chăm sóc sức khỏe và bảo toàn sinh mạng; và đại diện chính trị.

Sau khi đánh giá 144 quốc gia và vùng lãnh thổ, WEF kết luận rằng mức độ bất bình đẳng giới trung bình trên toàn cầu là 32%, so với mức 31,7% trong năm 2016. Trong đó, mức độ bất bình đẳng lớn nhất được ghi nhận giữa phụ nữ và nam giới nằm ở cơ hội kinh tế và đại diện chính trị.

Một điểm sáng trong báo cáo này là so với năm 2016, đã có 82 quốc gia và vùng lãnh thổ cải thiện được tình trạng bất bình đẳng giới trong năm 2017.

Dưới đây là 15 nước có mức độ bất bình đẳng giới tệ nhất theo đánh giá của WEF:

15. Qatar

Quốc gia vùng Vịnh này chưa bao giờ có một nữ nghị sỹ Quốc hội nào.

Ảnh 1.

14. Thổ Nhĩ Kỳ

Đại đa số nghị sỹ, quan chức cấp cao và các nhà quản lý ở nước này là đàn ông. Gần như không có phụ nữ làm bộ trưởng ở Thổ Nhĩ Kỳ. Mặc dù vậy, luật của Thổ Nhĩ Kỳ quy định trả lương bình đẳng cho nam giới và phụ nữ.

Ảnh 2.

13. Mauritania

Phụ nữ ở nước này không có quyền như nam giới trong hôn nhân hay sau khi ly hôn. Các công ty cũng không được yêu cầu phải trả lương bình đẳng giữa nam và nữ.

Ảnh 3.

12. Bờ Biển Ngà

Trong 50 năm qua, nước này không hề có một nguyên thủ quốc gia nào là nữ.

Ảnh 4.

11. Ai Cập

Ai Cập không có luật chống phân biệt đối xử nam-nữ trong tuyển dụng và trả lương cho người lao động.

Ảnh 5.

10. Jordan

Phụ nữ Jordan mới chỉ có quyền bỏ phiếu từ năm 1974. Hiện nay, hầu như không có nữ bộ trưởng nào trong Chính phủ nước này.

Ảnh 6.

9. Morocco

Phụ nữ ở Morocco không có quyền thừa kế tài sản từ cha mẹ. Đến nay, nước này cũng chưa từng có nguyên thủ quốc gia nào là nữ.

Ảnh 7.

8. Lebanon

Gần như không có người phụ nữ nào trong Quốc hội hay đứng đầu bộ nào trong Chính phủ Lebanon.

Ảnh 8.

7. Saudi Arabia

Quốc gia xuất khẩu dầu lửa lớn nhất thế giới mới cho phép phụ nữ đi bầu và tham gia vào các cuộc bầu cử địa phương từ năm 2015. Tháng 6 năm nay, phụ nữ Saudi Arabia mới được phép lái xe lần đầu tiên.

Ảnh 9.

6. Mali

Ở Mali, phụ nữ có quyền rất hạn chế trong sử dụng, kiểm soát và sở hữu đất đai.

Ảnh 10.

5. Iran

Phụ nữ Iran chỉ được hưởng quyền tiếp cận một phần với các dịch vụ tài chính.

Ảnh 11.

4. Chad

Cơ hội được học hành của phụ nữ Chad thấp hơn nhiều so với nam giới nước này.

Ảnh 12.

3. Syria

Đa số lực lượng lao động và các chính trị gia quyền lực ở Syria là nam giới.

Ảnh 13.

2. Pakistan

Nước này không hề có luật quy định bình đẳng giới trong tuyển dụng và trả lương lao động. Đến nay, Pakistan mới chỉ có một nữ Thủ tướng duy nhất là bà Benazir Bhutto, người bị ám sát vào năm 2007 ở tuổi 54.

Ảnh 14.

1. Yemen

Yemen không có nữ nghị sỹ Quốc hội và chưa từng có nữ nguyên thủ quốc gia. Luật nước này cũng không quy định bình đẳng nam-nữ trong tuyển dụng và trả lương cho người lao động. Phụ nữ Yemen chỉ được hưởng quyền tiếp cận hạn chế với các dịch vụ tài chính. Năm 2016, Yemen cũng là quốc gia có tình trạng bất bình đẳng giới tồi tệ nhất thế giới.

Ảnh 15.