08:27 24/12/2009

26 nước công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường đầy đủ

Hồng Thoan

Bức tranh hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đã rõ nét trong bối cảnh đầy biến động của nền kinh tế toàn cầu

Hội nhập kinh tế quốc tế đã và đang là nhân tố thiết yếu để Việt Nam thúc đẩy thương mại - Ảnh: Việt Tuấn.
Hội nhập kinh tế quốc tế đã và đang là nhân tố thiết yếu để Việt Nam thúc đẩy thương mại - Ảnh: Việt Tuấn.
Ngày 23/12, tại Hà Nội, Uỷ ban quốc gia Hợp tác kinh tế quốc tế  đã tổ chức “Hội nghị tổng kết về công tác hội nhập kinh tế quốc tế  2008 - 2009”.

Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm, Chủ tịch Ủy ban đánh giá, năm 2008 - 2009 phản ánh bức tranh hội nhập kinh tế quốc tế rõ nét và sinh động của Việt Nam trong bối cảnh đầy biến động của nền kinh tế toàn cầu. Khi kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng cũng là lúc rất nhiều cam kết của Việt Nam với WTO phải triển khai, nhưng Việt Nam vẫn thực thi đầy đủ và nghiêm túc các cam kết trong tất cả các lĩnh vực, đồng thời tích cực tham gia vào Vòng đàm phán Doha.

Việt Nam đã tích cực, chủ động phát triển quan hệ hợp tác đa phương và khu vực với nhiều tổ chức trên thế giới.

Trao đổi với báo giới, ông Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, hội nhập kinh tế quốc tế đã và đang là nhân tố thiết yếu để Việt Nam thúc đẩy thương mại, thu hút đầu tư, tạo đà tăng trưởng kinh tế cho đất nước và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Trong thời gian ngắn vừa qua, Việt Nam đã ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương với các đối tác quan trọng trong khu vực như Trung Quốc, Hàn Quốc, New Zealand, Ấn Độ, Nhật Bản. Hiện đã có 26 nền kinh tế công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường đầy đủ.

Bên cạnh kết quả  rất tích cực, Bộ Công Thương nhấn mạnh, nhiệm vụ  trọng tâm của hội nhập kinh tế quốc tế thời gian tới chính là vận động công nhận Việt Nam là  nền kinh tế thị trường, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Việt Nam mà không bị các rào cản kỹ thuật.

Năm 2008- 2009 cũng là thời điểm các chương trình hành động hậu gia nhập WTO được cụ thể hóa tại tất cả các bộ, ngành, địa phương và được triển khai trên tất cả các lĩnh vực kinh tế. Quá trình này đã bộc lộ những hạn chế cần khắc phục, đáng lưu ý nhất là trong cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, phối hợp liên ngành, liên vùng đã phần nào làm giảm hiệu quả của hội nhập.

Bộ Công Thương đề xuất nghiên cứu, xây dựng một cơ quan đầu mối và hình thành một hệ thống các tổ chức của Nhà nước từ Trung ương tới địa phương, đóng vai trò là những trung tâm chuyên trách thực hiện hoạt động cung cấp thông tin và xử lý các vấn đề có liên quan tới việc thực hiện các cam kết của Việt Nam trong WTO.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú, Tổng thư ký Ủy ban, định hướng của công tác hội nhập kinh tế quốc tế trong thời gian tới sẽ tập trung vào 6 vấn đề. Trong đó chú trọng xây dựng và hoàn thiện Đề  án triển khai các nhiệm vụ theo Nghị quyết 16/CP, tiếp tục  rà soát và kiện toàn các Ban Hội nhập kinh tế quốc tế, củng cố và hoàn thiện cơ chế thông tin báo cáo, tích cực tham gia vào các khuôn khổ hợp tác kinh tế quốc tế, thực hiện các cam kết song phương và đa phương, tham gia vào các cuộc đàm phán mở cửa thị trường...