09:06 03/03/2011

2.739 lao động Việt Nam tại Libya đã về nước

Vũ Quỳnh

Hiện vẫn còn khoảng 200 lao động đang nằm sâu trong địa phận Libya

Niềm vui của những người lao động trở về từ Libya tại sân bay quốc tế Nội Bài.
Niềm vui của những người lao động trở về từ Libya tại sân bay quốc tế Nội Bài.
Theo tin từ Cục Quản lý lao động ngoài nước, tính tới chiều 2/3 đã có 2.739 lao động Việt Nam tại Libya về nước an toàn.  6.196 lao động Việt Nam đã ra khỏi Libya. Hiện có thêm 1.123 người đã lên tàu biển rời Libya bắt đầu đến nước thứ ba và hơn 1.400 người tiếp tục trên đường di chuyển tới biên giới  Libya – Ai Cập .

Tại cuộc họp báo chiều 2/3, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, tới thời điểm này, chưa có thông tin về thương vong của người lao động Việt Nam tại Libya. Bà Ngân nhấn mạnh, Chính phủ vẫn đang nỗ lực trong công tác giải cứu lao động.

Trong ngày 2/3, nhiều chuyến bay đã chở hàng trăm lao động từ Libya trở về. Tuy nhiên, bà Ngân cũng cho biết, tình hình lại Libya, đặc biệt là thành phố Tripoli  tiếp tục căng thẳng. Hiện, vẫn còn khoảng 200 người lao động Việt Nam đang nằm sâu trong địa phận Libya.

Trao đổi về số lao động bị kẹt lại tại Tripoli,  ông Nguyễn Quốc Nam, cán bộ văn phòng Tổ chức di cư Thế giới (IOM) tại Việt Nam cho rằng, đây là thách thức lớn với công việc sơ tán. Tình hình tại Libya vẫn hết sức phức tạp và hiện nay văn phòng IOM tại Libya chưa thể hoạt động trở lại do tình hình an ninh vẫn chưa ổn định. 

Ông Nam cũng cho biết, cơ quan này đã có buổi làm việc với đoàn công tác hỗn hợp Việt Nam vào ngày 1/3, theo đó đã thống nhất các phương án phối hợp hỗ trợ lao động. IOM sẽ tham gia lên danh sách lao động Việt đang có mặt trong hai trại lánh nạn khu vực biên giới Ai Cập – Libya và Tunisia – Libya. Ngoài ra,  IOM đã cung cấp cho đoàn công tác hỗn hợp của Việt Nam các số điện thoại của IOM ở các nước liên cận của Libya..

Tuy nhiên, hiện người lao động đang kẹt sâu trong lãnh thổ Libya rất khó để có thể liên lạc với các số điện thoại của tổ chức này vì hầu như lao động không biết ngoại ngữ.

Vì thế, kế hoạch của IOM là sẽ cử một cán bộ biết tiếng Việt đến khu vực liên cận với Libya và dùng đến các phương tiện thông tin đại chúng, phân phát tờ rơi bằng tiếng mẹ đẻ của lao động các nước để hướng dẫn lao động cụ thể về việc nếu tình hình cho phép thì họ sẽ di chuyển như thế nào, đến đâu và sẽ gặp ai để đề nghị được giúp đỡ.