09:57 26/12/2007

6 đặc điểm của giá tiêu dùng 2007

Dương Ngọc

Dù tính theo cách nào, thì tốc độ tăng giá tiêu dùng năm 2007 cũng cao nhất so với tốc độ của mười năm trước đó

Giá lương thực, thực phẩm tăng cao gấp rưỡi tốc độ tăng chung.
Giá lương thực, thực phẩm tăng cao gấp rưỡi tốc độ tăng chung.
Năm 2007, giá tiêu dùng tăng cao nhất trong vòng 11 năm qua. Có thể nói, giá tiêu dùng năm nay có một số diễn biến đáng lưu ý dưới đây.

- Dù tính theo cách nào, tốc độ tăng giá tiêu dùng năm 2007 cũng cao nhất so với tốc độ của mười năm trước đó (nếu tính theo cách lấy tháng 12 năm nay so với tháng 12 năm trước, thì năm 2007 tăng 12,63%, năm 2006 tăng 6,6%, năm 2005 tăng 8,4%, năm 2004 tăng 9,5%, năm 2003 tăng 3%, năm 2002 tăng 4%, năm 2001 tăng 0,8%, năm 2000 giảm 0,6%, năm 1999 tăng 0,1%, năm 1998 tăng 9,2%, năm 1997 tăng 3,6%, năm 1996 tăng 4,5%; nếu tính theo cách lấy bình quân năm nay so với bình quân năm trước thì năm 2007 tăng 8,3%, năm 2006 tăng 7,5%, năm 2005 tăng 8,3%, năm 2004 tăng 7,8%, năm 2003 tăng 3,1%, năm 2002 tăng 3,9%...).

- Tốc độ tăng giá tiêu dùng năm 2007 đã cao hơn tốc độ tăng GDP (cùng tính theo cách lấy tháng 12 năm nay so với tháng 12 năm trước là tăng 12,63% so với 8,44%), tức là không đạt được mục tiêu kiềm chế tốc độ tăng giá tiêu dùng do Quốc hội đề ra (việc sử dụng tốc độ tăng giá bình quân để so sánh với mục tiêu phải thực hiện từ năm 2008 trở đi và phải điều chỉnh lại các năm trước mới có ý nghĩa, còn việc so tháng 12 năm nay với tháng 12 năm trước vẫn có ý nghĩa để tính mức độ trượt giá của đồng tiền khi vay và cho vay). 

- Giá tăng ở hầu hết các nhóm hàng hoá và dịch vụ, chứng tỏ lượng tiền trong lưu thông lớn, cũng chứng tỏ giá tiêu dùng tăng có nguyên nhân từ tiền tệ, chứ không chỉ hoàn toàn do giá thế giới hay cung hàng hoá, dịch vụ, bởi tăng trưởng kinh tế cao hơn năm trước, nhập siêu lớn gấp đôi... 

- Giá lương thực, thực phẩm tăng cao gấp rưỡi tốc độ tăng chung. Giá tiêu dùng tăng cao làm cho tất cả người tiêu dùng đều bị thiệt hại, bởi sức mua thực tế của đồng tiền bị giảm. Giá lương thực, thực phẩm tăng cao hơn tốc độ chung nên nhóm người có thu nhập thấp càng bị thiệt hại, bởi tỷ lệ chi tiêu dùng cho nhóm lương thực thực phẩm lớn gấp rưỡi, gấp đôi nhóm người giàu, lượng tiền dành cho các chi tiêu khác sẽ không còn bao nhiêu. 

- Giá nhà ở và vật liệu xây dựng tăng cao làm cho giá bất động sản tăng kép (vừa tăng do giá đất tăng, vừa tăng do giá vật liệu xây dựng tăng). Tình hình trên cũng lại làm cho những gia đình có thu nhập thấp càng gặp khó khăn khi muốn cải thiện về nhà ở; đồng thời tác động xấu đến tiến độ giải ngân, thi công xây dựng. 

- Tốc độ tăng giá tiêu dùng cao hơn lãi suất tiết kiệm. Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn năm của các ngân hàng thương mại nhà nước chỉ vào khoảng trên dưới 8%/năm, của các ngân hàng thương mại cổ phần cũng chỉ trên dưới 9%/năm, đều thấp hơn tốc độ tăng giá tiêu dùng. Như vậy, lãi suất tiết kiệm đã trở thành thực âm, làm cho người gửi tiền bị thiệt thòi, việc hút tiền từ lưu thông về gặp khó khăn, vừa ảnh hưởng đến lạm phát, vừa tác động đến sự nóng sốt của các kênh đầu tư khác, như giá vàng, giá bất động sản chẳng hạn.

Nhiều nguyên nhân

Giá tiêu dùng tăng cao được lý giải bằng nhiều nguyên nhân.

Có nguyên nhân do giá thế giới tăng cao, như: giá gạo tăng 18%, giá cà phê tăng 27,5%, giá cao su tăng 3,6%, giá hạt tiêu tăng 102,4%, giá hạt điều tăng 5,8%, giá chè tăng 7%... Đó là nói về giá xuất khẩu; còn giá nhập khẩu còn tăng cao hơn, như xăng dầu tăng 7%, sắt thép tăng 21,9% (riêng phôi thép tăng 30,4%), phân bón tăng 13,4%, chất dẻo tăng 9,8%, giấy tăng 7,5%, sợi dệt tăng 9%; bông tăng 4,6%, lúa mỳ tăng 56,6%...

Có nguyên nhân do sản xuất nông nghiệp tăng thấp, thậm chí có loại còn bị giảm do gặp thiên tai, dịch bệnh; thiệt hại về vật chất do thiên tai dịch bệnh lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng - lớn nhất trong nhiều năm qua và chiếm khoảng 1% GDP năm 2006.

Có nguyên nhân do chính sách tiền tệ, công tác quản lý giá cả còn lúng túng, có mặt còn yếu kém. Một lượng tiền lớn lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng được đưa ra lưu thông để mua ngoại tệ tăng dự trữ ngoại hối, tránh cho đồng nội tệ lên giá mạnh ảnh hưởng đến xuất, nhập khẩu, nhưng biện pháp hút tiền từ lưu thông về rất chậm. Giảm thuế suất thuế nhập khẩu để vừa giảm giá, vừa tăng cung, nhưng hiệu quả thấp. Tình trạng "té nước theo xăng", "tát nước theo lương", bán hàng không niêm yết giá, giá bán không đúng với niêm yết..., chậm được khắc phục.

Giá vàng năm nay tiếp tục tăng và đây là năm thứ 7 tăng cao liên tục (năm 2001 tăng 5%, năm 2002 tăng 19,4%, năm 2003 tăng 26,6%, năm 2004 tăng 11,7%, năm 2005 tăng 11,3%, năm 2006 tăng 27,2%, năm 2007 tăng 27,35%). Giá vàng tháng 12/2007 so với tháng 12/2000 đã gấp 3,2 lần, lớn hơn nhiều so với giá tiêu dùng, giá USD trong thời gian tương ứng (giá tiêu dùng tăng 53,9%, giá USD tăng 10,8%). Giá vàng tăng cao chủ yếu do giá thế giới tăng.

Giá USD năm nay giảm. Nguyên nhân chủ yếu do giá USD trên thị trường thế giới giảm mạnh so với các đồng tiền mạnh (Bảng Anh, Euro, Yên Nhật...) và cũng giảm mạnh so với nhiều đồng nội tệ của các nước trong khu vực.

Một nguyên nhân quan trọng khác là do lượng USD vào nước ta tăng và càng về cuối năm càng tăng. Lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện năm nay ước đạt 4,6 tỷ USD, tăng trên 600 triệu USD. Lượng vốn ODA giải ngân đạt hơn 2 tỷ USD, tăng hơn 200 triệu USD. Lượng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài ước đạt 5,6 tỷ USD, tăng 4,3 tỷ USD. Lượng kiều hối tăng rất mạnh, còn chi tiêu của khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 3,3 tỷ USD...