99,76% nhà đầu tư tham gia chứng khoán phái sinh là cá nhân
Các nhà đầu tư tham gia trên thị trường chứng khoán phái sinh chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân, chiếm tới 99,76%, hoạt động phòng vệ rủi ro chưa được chú trọng
Đánh giá về pháp luật cho thị trường tài chính, chứng khoán, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiệu quả hoạt động của thị trường tài chính vẫn chưa cao. Cơ cấu thị trường tiền tệ dịch chuyển chậm, chưa tập trung nhiều cho lĩnh vực sản xuất mà vẫn tập trung vào các hoạt động dịch vụ khác.
Cụ thể, tín dụng cho lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản năm 2021 chiếm khoảng 9,6% trong tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế, đến tháng 4/2020, tỷ lệ này giảm nhẹ xuống còn 8,7%. Tương tự, tín dụng cho lĩnh vực công nghiệp và xây dựng từ 38,6% xuống còn 29,2%, giảm 9,4% trong khi tín dụng cho các hoạt động dịch vụ khác từ 28% lên 37,1%, tăng 9,1%.
Quy mô thị trường vốn còn nhỏ, thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa phát triển, các doanh nghiệp chủ yếu phát hành riêng lẻ, tỷ trọng phát hành trái phiếu ra công chúng còn nhỏ.
Hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh doanh chứng khoán còn chưa cao, trong khi các hành vi vi phạm trên thị trường ngày càng tinh vi, phức tạp ảnh hưởng đến hiệu quả công tác thanh, kiểm tra và giám sát.
Số lượng các nhà đầu tư tổ chức được thúc đẩy nhưng còn hạn chế, các nhà đầu tư cá nhân chiếm đa số. Thị trường chứng khoán phái sinh đã và đang phát triển với tốc độ nhanh nhưng quy mô còn nhỏ, cơ sở nhà đầu tư chưa cân bằng, bền vững.
Theo đó, các nhà đầu tư tham gia trên thị trường chứng khoán phái sinh chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân, chiếm tới 99,76%, hoạt động phòng vệ rủi ro chưa được chú trọng nhiều do còn ít các nhà đầu tư tổ chức tham gia thị trường.
“Các vi phạm trên thị trường ngày càng tinh vi phức tạp, cơ quan quản lý không có đủ thẩm quyền tiếp cận những thông tin về tài khoản cá nhân tại ngân hàng, dữ liệu internet và điện thoại khiến cho việc kiểm tra hành vi giao dịch nghi vấn gặp nhiều khó khăn”, báo cáo nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn chưa được đưa vào nhóm các thị trường mới nổi do chưa đáp ứng được đầy đủ một số tiêu chí như: mức độ mở cửa với nhà đầu tư nước ngoài, mức độ hiệu quả của khuôn khổ vận hành thị trường…
Mặc dù vậy, theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, khuôn khổ pháp lý về lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng thời gian qua tiếp tục được hoàn thiện những bước quan trọng.
Đặc biệt trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid 19, Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp hỗ trợ người dân, khách hàng gặp khó khăn do đại dịch. Nhờ đó, mặt bằng lãi suất của Việt Nam duy trì ở mức trung bình, trong đó, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa đối với các lĩnh vực ưu tiên là 4,5%, thấp hơn lãi suất cho vay bình quân của ASEAN-4.
Đối với thị trường chứng khoán, Luật Chứng khoán đã được sửa đổi nhằm đảm bảo đồng bộ với Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư. Bên cạnh đó, 6 Nghị định của Chính phủ, 4 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 11 Thông tư của Bộ Tài chính đã được ban hành. Trong đó, đáng chú ý là Đề án thành lập Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam.
Đối với thị trường trái phiếu, giai đoạn 2017 - 2020, Chính phủ đã ban hành 5 Nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 2 Quyết định và Bộ Tài chính ban hành 5 Thông tư. Theo đó, hoạt động phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương được cải tiến phù hợp với thông lệ quốc tế thông qua đổi mới quy trình phát hành, rút ngắn thời gian phát hành thanh toán.
Dự thảo Nghị định hướng dẫn quy định về chào bán và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ và Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán quy định về chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng đang được hoàn thiện, tạo khung pháp lý đồng bộ cho hoạt động của thị trường trái phiếu doanh nghiệp.