13:43 02/10/2013

ADB: Việt Nam nên có ban chỉ đạo liên ngành về nợ xấu

Anh Minh

ADB nói tiến trình xử lý nợ xấu sẽ có tác động trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế

Bản báo cáo của ADB bày tỏ quan ngại về tình trạng chậm trễ trong việc thực
 hiện các chuẩn mực mới về phân loại nợ và trích lập dự phòng ở Việt Nam - Ảnh minh họa.<br>
Bản báo cáo của ADB bày tỏ quan ngại về tình trạng chậm trễ trong việc thực hiện các chuẩn mực mới về phân loại nợ và trích lập dự phòng ở Việt Nam - Ảnh minh họa.<br>
Báo cáo triển vọng phát triển châu Á (ADO) 2013 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), được công bố sáng nay nhấn mạnh rằng việc xử lý nợ xấu ở Việt Nam cần được xem là một “nhiệm vụ liên ngành”.

Đánh giá về Việt Nam, báo cáo cho rằng, tăng trưởng kinh tế sẽ được cải thiện nhờ các biện pháp tích cực của Chính phủ Việt Nam nhằm giải quyết các vấn đề của khu vực ngân hàng, nhưng các cuộc cải cách “thường không ổn định và gặp nhiều thách thức”.

Về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, ADB giữ nguyên dự báo tăng GDP ở mức 5,2% trong năm 2013, đồng thời nhấn mạnh rằng những tiến bộ dần dần đạt được trong quá trình xử lý nợ xấu sẽ giúp cho tốc độ tăng trưởng đạt 5,5% trong năm 2014.

Trong khi đó, dự báo về lạm phát được điều chỉnh giảm xuống còn 6,5% trong năm nay, do giá lương thực đã giảm nhanh hơn dự kiến. Lạm phát được dự báo sẽ tăng lên khoảng 7,2% trong năm 2014, do chính sách nới lỏng tiền tệ và nguồn vốn khả dụng tăng.

Bản báo cáo cập nhật cũng đánh giá cao những bước đi tích cực của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc xử lý nợ xấu của khu vực ngân hàng, đặc biệt là việc thành lập Công ty Quản lý Tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

Tuy nhiên, báo cáo cũng lưu ý rằng, thành công của VAMC còn phụ thuộc vào các quy định luật pháp và chính sách hỗ trợ khác không thuộc chức năng, nhiệm vụ trực tiếp của Ngân hàng Nhà nước. Bản báo cáo cũng bày tỏ quan ngại về tình trạng chậm trễ trong việc thực hiện các chuẩn mực mới về phân loại nợ và trích lập dự phòng.

“Vấn đề nợ xấu chỉ có thể được giải quyết khi có sự phối hợp liên ngành mạnh mẽ. Việc thành lập ban chỉ đạo liên ngành nhằm thực hiện tái cơ cấu ngân hàng sẽ hỗ trợ cho quá trình này. Giải quyết được vấn đề nợ xấu sẽ tạo điều kiện hạ thấp lãi suất một cách ổn định, mà không làm gia tăng lạm phát”, các chuyên gia của ADB nhận xét.

Ngân hàng này cũng cho rằng, mặc dù lãi suất chính sách đã giảm, song tăng trưởng tín dụng vẫn bị hạn chế bởi các bản cân đối tài sản yếu kém của các ngân hàng thương mại, những mối quan ngại về tình hình tài chính của người vay, thị trường bất động sản èo uột và cầu tín dụng thấp.