07:09 21/09/2017

Airbus sắp sản xuất máy bay thân rộng ở Trung Quốc

Hoài Thu

Đây sẽ là nhà máy sản xuất máy bay thân rộng đầu tiên bên ngoài châu Âu của Airbus

Máy bay A330 giao cho Tianjin Airlines tại Trung tâm của Airbus ở Thiên Tân - Ảnh: Bloomberg.<br>
Máy bay A330 giao cho Tianjin Airlines tại Trung tâm của Airbus ở Thiên Tân - Ảnh: Bloomberg.<br>
Hãng chế tạo máy bay Airbus SE dự định mở nhà máy sản xuất máy bay thân rộng đầu tiên ngoài châu Âu tại Trung Quốc nhằm theo đuổi các đơn hàng trị giá nhiều tỷ USD tại thị trường được dự báo sẽ trở thành lớn nhất thế giới trong vòng một thập kỷ tới, theo hãng tin Bloomberg.

Ngày 20/9, Giám đốc điều  hành (CEO) của Airbus Fabrice Bregier khánh thành trung tâm hoàn thiện máy bay trị giá 200 triệu USD tại Thiên Tân, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Trung tâm này được xây dựng để hoàn thiện các bước như lắp đặt cabin, sơn màu cho máy bay thân rộng A330 và dự kiến xuất xưởng 2 máy bay mỗi tháng.

Thành phố Thiên Tân, có vị trí gần với thủ đô Bắc Kinh, hiện cũng là nơi đặt nhà máy lắp ráp các máy bay thân hẹp A319 và A320 của Airbus.

Trong cuộc cạnh tranh tại Trung Quốc, Airbus và Boeing đang đua nhau chuyển một phần cơ sở sản xuất và chuỗi cung ứng của mình tới đây - thị trường được dự báo sẽ chi hơn 1.000 tỷ USD để mua máy bay trong 2 thập kỷ tới.

Hai gã khổng lồ cũng đang chuyển việc giao hàng tới gần hơn với khách hàng châu Á, nhằm giúp giảm áp lực lên các cơ sở hiện có của mình.

Trong buổi khánh thành ngày 20/9, chiếc máy bay A330 đầu tiên đã được Airbus giao cho hãng hàng không Tianjin Airlines tại trung tâm mới ở Thiên Tân.

Hãng chế tạo máy bay châu Âu cũng đang xây dựng một nhà máy trực thăng tại thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông. Trong khi đó, đối thủ Mỹ, Boeing, cũng đã khởi công xây dựng trung tâm hoàn thiện máy bay thân hẹp 737 tại đảo Zhoushan, nằm ở phía nam thành phố Thượng Hải.

Ngoài các cơ sở này, cả hai hãng đều đang liên doanh với các chi nhánh của công ty nhà nước Aviation Industry Corp. of China (AVIC) để cung cấp linh phụ kiện máy bay.

“Để thành công, ta phải cân nhắc tất cả các yếu tố - chính trị, công nghiệp, chứ không phải chỉ thương mại”, Eric Chen, người đứng đầu bộ phận máy bay thương mại của Airbus cho biết hôm 19/9.

Đổi lại, Trung Quốc đã đặt các đơn hàng máy bay trị giá hàng tỷ USD với các công ty này. Hồi tháng 7, Airbus trúng hợp đồng 22 tỷ USD bán 100 máy bay A320 và 40 máy bay A350 cho China Aviation Supplies Holding. Năm 2015, hãng này cũng nhận được các đơn hàng 780 máy bay với tổng giá trị 102 tỷ USD.

“Một trung tâm hoàn thiện không tốn kém nhiều lắm so với dây chuyền lắp ráp cuối cùng”, Richard Aboulafia, chuyên gia tư vấn hàng không tại Teal Group ở Virginia, cho biết. “Vì vậy, chỉ cần trung tâm này mang lại chỉ một phần nhỏ trong số đơn hàng của Trung Quốc cũng đã đáng để đầu tư”.

Tuy nhiên, hiện tại, Trung Quốc đang có tham vọng chế tạo máy bay thương mại của riêng mình, bắt đầu "nhen nhóm" cuộc cạnh tranh với Airbus và Boeing.

“Hiển nhiên Trung Quốc muốn giữ lại chút giá trị từ các đơn hàng mua máy bay khổng lồ của mình”, Will Horton, nhà phân tích cấp cao tại Trung tâm hàng không Capa ở Hồng Kông, nhận định. “Việc lắp ráp và sơn sửa bên ngoài chỉ là một phần nhỏ trong tổng giá trị của một chiếc máy bay, và là thứ Airbus và Boeing có thể làm để xây dựng mối quan hệ ở Trung Quốc".

Hồi tháng 5, công ty Commercial Aircraft của chính phủ Trung Quốc thử nghiệm máy bay thân hẹp C919 sản xuất trong nước. Hôm 19/9, công ty này cũng cho biết đã giành được các đơn hàng lên tới 130 chiếc trong khi vẫn đang đợi được cấp giấy chứng nhận từ cơ quan chức năng.

Công ty này, còn được gọi là Comac ở Trung Quốc, cho biết số đơn hàng hiện đã lên tới 730 chiếc. Comac cũng đã hợp tác với công ty United Aircraft của Nga để phát triển máy bay thân rộng và dự kiến xuất xưởng vào năm 2027.

“Trung Quốc luôn có ý định ‘nhúng tay’ vào mọi lĩnh vực trong ngành công nghiệp hàng không”, Mohshin Aziz, nhà phân tích thuộc Maybank Investment Bank ở Kuala Lumpur, Malaysia, nhận định. “Sản xuất là bước cuối cùng mà họ cần để làm điều đó, tuy nhiên đây cũng là bước khó nhất. Việc có một trung tâm cho cả máy bay thân hẹp và rộng là điều tốt đối với nước này”.

“Cơ sở mới của Airbus chắc chắn sẽ giúp ích nhiều cho Trung Quốc”, Wang Guangqiu, phó giám đốc Beijing Skyrizon Aviation Industry Investment, nói. “Tuy nhiên, cả Airbus lẫn Boeing sẽ không bao giờ chuyển giao công nghệ cốt lõi của mình và tạo thêm đối thủ làm gì. Việc mở nhà máy ở đây đơn giản chỉ là để giảm chi phí và gần hơn với thị trường tiềm năng”.

Việc lựa chọn dòng máy bay A330 cho nhà máy mới ở Trung Quốc có thể sẽ giúp hạn chế việc rò rỉ các công nghệ tiên tiến của Airbus bởi đây là dòng máy bay tương đối cũ, nhưng vẫn giúp làm hài lòng chính phủ Bắc Kinh.

Theo website của Airbus, số lượng đơn đặt hàng của dòng máy bay này tại châu Á - Thái Bình Dương là 594 chiếc tính tới hết tháng 8. Trong số các máy bay thân rộng, dòng A350 mới nhất của Airbus và 787 Dreamliner của Boeing đang ngày càng được ưa chuộng.

Trong khi đó tại Trung Quốc, máy bay thân hẹp lại phổ biến hơn các dòng thân rộng và được ước tính chiếm 75% trong số 7.240 máy bay mới dự kiến được giao tới nước này trong 20 năm tới, Boeing nhận định.

Trung Quốc hiện là thị trường khách du lịch ra nước ngoài lớn nhất thế giới, nhưng cũng sở hữu lượng khách nội địa di chuyển bằng máy bay ngày càng lớn, biến nước này thành thị trường đầy màu mỡ cho cả máy bay chặng ngắn và chặng dài.

Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế, số lượng người bay đến, đi và tại Trung Quốc sẽ tăng gần gấp đôi lên 927 triệu vào năm 2025 và đạt 1,3 tỷ người vào năm 2035.