10:00 22/07/2023

Anh sẽ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường trong các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại

Vũ Khuê

Được công nhận nền kinh tế thị trường tạo điều kiện cho hàng hóa xuất khẩu được đối xử công bằng hơn, có điều kiện thâm nhập và mở rộng thị trường tốt hơn...

Hàng hoá Việt Nam xuất khẩu vào EU sẽ được đối xử công bằng.
Hàng hoá Việt Nam xuất khẩu vào EU sẽ được đối xử công bằng.

Bộ Công Thương cho biết trong khuôn khổ Vương quốc Anh gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Vương quốc Anh sẽ công nhận các ngành sản xuất của Việt Nam hoạt động theo các điều kiện kinh tế thị trường.

Trên cơ sở đó, Vương quốc Anh sẽ không áp dụng các quy định bất lợi đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam trong trường hợp tiến hành điều tra các vụ việc phòng vệ thương mại.

Nền kinh tế thị trường là một khái niệm được một số nước sử dụng khi tiến hành điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu từ các nước khác.

Việc xác định một nước có nền kinh tế thị trường thường dựa trên đánh giá về mức độ can thiệp của nhà nước đối với các quyết định kinh doanh của doanh nghiệp cũng như mức độ kiểm soát và can thiệp của nhà nước đối với các yếu tố sản xuất như vốn, lao động.

Một quốc gia có sự can thiệp quá sâu của nhà nước có thể không được xem là một nền kinh tế thị trường.

Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) phân tích, nếu nước xuất khẩu hàng hóa không được coi là một nền kinh tế thị trường, thay vì sử dụng các thông tin về chi phí và giá thành của chính doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu để tính toán biên độ phá giá, nước nhập khẩu sẽ sử dụng các thông tin có tính đại diện của doanh nghiệp một nước thứ ba thay thế được coi là có nền kinh tế thị trường.

Hậu quả là biên độ phá giá thường được xác định cao hơn, dẫn đến mức thuế phòng vệ thương mại cũng cao hơn nhiều so với các nước được coi là nền kinh tế thị trường.

Thậm chí trong một số trường hợp, mức thuế phòng vệ thương mại đối với các doanh nghiệp đến từ các nước không được coi là nền kinh tế thị trường có thể lên đến trên 100%.

Tính đến nay, Việt Nam đã được 71 quốc gia và vùng lãnh thổ công nhận là một nền kinh tế thị trường thông qua nhiều hình thức khác nhau, trong đó có nhiều đối tác thương mại quan trọng.

Được công nhận nền kinh tế thị trường tạo điều kiện cho hàng hóa xuất khẩu được đối xử công bằng hơn, có điều kiện thâm nhập và mở rộng thị trường tốt hơn, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp ổn định hơn. Môi trường ổn định và minh bạch sẽ thu hút được nguồn vốn đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.

Trước đó ngày 16/7/2023, Vương quốc Anh đã chính thức ký thỏa thuận gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Việc ký kết thỏa thuận gia nhập đã đưa Vương quốc Anh chính thức trở thành thành viên của khối thương mại hiện đại và đầy tham vọng, bao gồm 12 nền kinh tế trên khắp khu vực châu Á, Thái Bình Dương và giờ là châu Âu.

Chủ tịch Phòng Thương mại Anh tại Việt Nam, Chris Jeffery, cho rằng với Hiệp định Thương mại tự do Vương quốc Anh-Việt Nam (UKVFTA) hiện có và giờ là việc gia nhập CPTPP mở ra nhiều cơ hội kinh doanh hơn nữa cho cả Việt Nam và Vương quốc Anh. Các cơ hội dành cho doanh nghiệp Anh tại Việt Nam hiện đang nằm trong nhóm thương mại tốt nhất trên toàn thế giới.

"Thương mại song phương sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh chóng, đánh dấu sự khởi đầu cho 50 năm quan hệ đối tác tiếp theo và liên kết ngày càng phát triển giữa hai nước", ông Chris Jeffery tin tưởng, đồng thời cho rằng các doanh nghiệp của Vương quốc Anh hiện đang có rất nhiều cơ hội để tận dụng triệt để lợi ích từ việc Vương quốc Anh tập trung phát triển quan hệ và liên kết với châu Á.