11:46 24/11/2008

APEC chú trọng đối phó khủng hoảng tài chính

Trung Việt

Chống khủng hoảng tài chính toàn cầu là một trong những chủ đề chính của Hội nghị cấp cao APEC diễn ra ở Lima, Peru

Các nền kinh tế APEC chiếm 55% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu, gần 50% thương mại thế giới và 41% dân số thế giới - Ảnh: Reuters.
Các nền kinh tế APEC chiếm 55% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu, gần 50% thương mại thế giới và 41% dân số thế giới - Ảnh: Reuters.
Chống khủng hoảng tài chính toàn cầu; lên án chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, thúc đẩy vòng đàm phán thương mại Doha; bảo đảm an ninh lương thực thế giới... là những vấn đề mà các nhà lãnh đạo các nước thành viên APEC đã cam kết tại Hội nghị cấp cao ở Lima (Peru).

Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 2008 đã diễn ra tại Lima (Peru), từ ngày 16 - 23/11, với sự tham dự của các nhà lãnh đạo cấp cao đến từ 21 nền kinh tế thành viên APEC và nhiều tổ chức quốc tế.

Tuyên bố chung về chống khủng hoảng

Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang đối mặt tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng, các đại biểu tại hội nghị cấp cao APEC bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với kế hoạch hành động được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh G-20, vừa diễn ra tại Washington.

Theo tinh thần đã thống nhất tại cuộc họp cấp bộ trưởng, các nhà lãnh đạo APEC ra Tuyên bố Lima về kinh tế toàn cầu nhằm tăng cường phối hợp trong lĩnh vực tài chính, đồng thời thúc đẩy để đạt được thỏa thuận về phương thức cắt giảm thuế trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ngay trong tháng 12 tới.

Thúc đẩy vòng đàm phán thương mại Doha là một trọng tâm của Hội nghị APEC lần này. Hội nghị nhất trí rằng, APEC cần tiếp tục tăng cường hợp tác về cải cách cơ cấu, tự do hóa và thuận lợi hoá thương mại và đầu tư, thực hiện chương trình hội nhập kinh tế khu vực. Việc áp đặt các rào cản thương mại để phản ứng với cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay sẽ chỉ càng làm khủng hoảng trầm trọng thêm.

Các đại biểu đã cam kết vào cuối năm nay sẽ tìm ra phương cách để dỡ bỏ các rào cản chính đang ngăn cản các cuộc đàm phán thương mại toàn cầu, mở đường cho việc ký kết một hiệp định thương mại toàn cầu. Đồng thời, cam kết "kiên quyết phản đối" bất kỳ quan điểm bảo hộ mậu dịch nào nảy sinh từ cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay.

Tiếp tục thúc đẩy vòng đàm phán Doha

Ngay sau cuộc họp cấp bộ trưởng hôm 20/11, các chuyên gia WTO của APEC đã nhóm họp để thảo luận việc phối hợp thúc đẩy Vòng đàm phán Doha trong các cuộc đàm phán tại Geneve (Thụy Sĩ) sắp tới.

Trước những bất ổn về giá lương thực trên thị trường thế giới, các đại biểu dự Hội nghị APEC đã thông qua kế hoạch hợp tác về an ninh lương thực, trong đó nhấn mạnh việc tăng cường công tác nghiên cứu - phát triển, hỗ trợ xây dựng năng lực nhằm mở rộng sản xuất, củng cố hệ thống dự trữ, vận chuyển và phân phối lương thực.

Đồng thời, đưa ra một số biện pháp cụ thể nhằm giải quyết vấn đề bất ổn giá lương thực, nghiên cứu phát triển công nghệ sinh học, viện trợ lương thực, minh bạch hóa thị trường hàng hóa nông nghiệp và vấn đề an sinh xã hội. APEC cũng nhất trí về Chiến lược giảm thiểu nguy cơ thiên tai và sẵn sàng ứng phó với tình trạng khẩn cấp của khu vực châu Á - Thái Bình Dương giai đoạn 2009 - 2015.

Ngoài các vấn đề nêu trên, Hội nghị APEC cũng đã thảo luận nhiều vấn đề khác như: cải cách APEC; chống tham nhũng, chống khủng bố, giải quyết các thách thức về đói nghèo, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thực hiện đúng tiến độ các Mục tiêu Thiên niên kỷ...

Tổng thống Mỹ Bush đã tham dự hội nghị và đã có các cuộc hội đàm với các lãnh đạo của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, Nga về quan hệ song phương và các vấn đề có liên quan tới tiến trình giải trừ hạt nhân Triều Tiên; chương trình hạt nhân của Iran; bất ổn ở Zimbabwe và Sudan...

Ông Bush cũng bày tỏ hy vọng thúc đẩy sự hợp tác thương mại chặt chẽ hơn trong số 21 thành viên APEC và thuyết phục các nước này ủng hộ tuyên bố nguyên tắc về cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay, đã được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh G20 vừa qua (9 trong số 20 nước G20 cũng là thành viên APEC).

APEC gồm các nền kinh tế thành viên: Australia, Brunei, Canada, Chile, Hong Kong, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Papua New Guinea, Peru, Philippines, Nga, Singapore, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam.

Các nền kinh tế APEC chiếm 55% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu, gần 50% thương mại thế giới và 41% dân số thế giới. Những cam kết của các nhà lãnh đạo APEC được kỳ vọng là sẽ góp phần quan trọng đưa thế giới thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế và hàng loạt những bất đồng,  thách thức hiện nay.