16:50 10/07/2025

Tham vọng thúc đẩy sản lượng đất hiếm của Ấn Độ

Đức Anh

Ấn Độ lâu nay luôn tìm cách tăng sản lượng đất hiếm trong nước hoặc thông qua các dự án ở nước ngoài, nhưng những nỗ lực này vẫn mới chỉ ở giai đoạn sơ khai...

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters
Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters

Theo nguồn tin của hãng tin Bloomberg, Chính phủ Ấn Độ đang xây dựng kế hoạch thúc đẩy sản lượng nam châm đất hiếm trong nước nhằm giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. 

Nằm trong kế hoạch, một loạt chính sách hỗ trợ với tổng trị giá 25 tỷ rupee (290 triệu USD) được thiết kế dành cho các công ty tư nhân sản xuất nam châm đất hiếm. Tập đoàn khai khoáng Vedanta Group của tỷ phú Anil Agarwal, Tập đoàn JSW của tỷ phú Sajjan Jindal đứng đầu và nhà sản xuất phụ tùng xe điện Sona BLW Precision Forgings Ltd. là ba trong số nhiều công ty đã bày tỏ sự quân tâm tới kế hoạch này.

Theo nguồn tin, kế hoạch này có thể sẽ sớm được trình lên để phê duyệt.

Kế hoạch được đưa ra trong bối cảnh Ấn Độ đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc về đất hiếm - vật liệu quan trọng trong sản xuất mọi thứ từ thiết bị điện tử, ô tô cho tới turbin gió. Trung Quốc - nước kiểm soát 90% hoạt động sản xuất đất hiếm toàn cầu - đang thắt chặt kiểm soát xuất khẩu đất hiếm do căng thẳng thương mại với Mỹ. Điều này làm gián đoạn chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất ô tô toàn cầu, bao gồm nhiều công ty đang hoạt động ở Ấn Độ.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh BRICS tuần trước diễn ra ở Brazil, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhấn mạnh nhu cầu về một nguồn cung khoáng sản thiết yếu đáng tin cậy.

“Điều quan trọng là phải đảm bảo không quốc gia nào sử dụng các nguồn tài nguyên này cho mục đích ích kỷ của riêng mình hoặc làm ‘vũ khí’ chống lại quốc gia khác”, ông Modi phát biểu trong một phiên thảo luận tại hội nghị.

Theo nguồn tin của Bloomberg, nằm trong dự thảo chính sách của kế hoạch trên, Chính phủ Ấn Độ sẽ hỗ trợ cho khoảng 3-4 công ty để sản xuất 4.000 tấn nam châm gốc neodymium và praseodymium bằng cách sử dụng nguyên liệu thô khai thác nội địa trong vòng 7 năm. Chương trình sẽ được chuẩn bị trong vòng 2 năm và bắt đầu triển khai các ưu đãi trong vòng 5 năm.

Nằm trong chương trình, New Delhi hiện cũng đang cân nhắc đầu tư khoảng 6 tỷ rupee cho mỗi 1.000 tấn công suất đất hiếm nhằm hỗ trợ ngành sản xuất xe điện - nguồn tin cho biết.

“Chúng tôi quan tâm tới việc sản xuất nam châm đất hiến bởi vật liệu này có tầm quan trọng chiến lược với các công nghệ xanh”, người phát ngôn của tập đoàn Vedanta cho biết trong một email gửi Bloomberg. “Những vật liệu này đang nhanh chóng trở thành đòn bẩy mới để gây ảnh hưởng toàn cầu”.

Còn theo ông Vivek Vikram Singh, CEO của Sona BLW - một trong những nhà sản xuất động cơ xe điện lớn nhất Ấn Độ, việc tự sản xuất được nam châm có thể giúp đảm bảo sự ổn định cho chuỗi cung ứng của công ty. Ngoài ra, Sona cũng có thể hợp tác với một công ty khác để phát triển công nghệ nam châm.

Tại một sự kiện ở New Delhi vào tháng trước, ông H.D. Kumaraswamy, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng Ấn Độ, cũng cho biết Chính phủ đang cân nhắc triển khai nhiều chính sách ưu đãi cho các nhà sản xuất nam châm đất hiếm nhưng không nêu chi tiết.

Theo các nhà phân tích, dù việc Ấn Độ chú trọng thúc đẩy khai thác đất hiếm phù hợp với xu hướng toàn cầu, nhưng ngân sách của Chính phủ dành cho việc này vẫn còn khiêm tốn. Bên khó khăn về vốn, việc xây dựng các mỏ và cơ sở chế biến đất hiếm có thể mất nhiều năm, và bí quyết công nghệ hiện vẫn nằm trong tay Trung Quốc.

Dù có tên gọi như vậy, nhưng về mặt địa chất, đất hiếm không hề hiếm. Tuy nhiên, việc khai thác đất hiếm tiêu tốn nhiều chi phí và thường gây nhiều rủi ro về môi trường do mức độ tập trung thấp tại một khu vực địa lý và có liên quan đến các nguyên tố phóng xạ.

Ấn Độ lâu nay luôn tìm cách tăng sản lượng đất hiếm trong nước hoặc thông qua các dự án ở nước ngoài, nhưng những nỗ lực này vẫn mới chỉ ở giai đoạn sơ khai. Công ty quốc doanh Khanij Bidesh India Ltd. hiện đang đàm phán hợp tác khai thác đất hiếm với Argentina, Zambia và Australia và nhiều quốc gia khác.

Nếu không có trợ cấp, việc sản xuất nam châm tại Ấn Độ ở thời điểm hiện tại là bất khả thi. Theo kế hoạch trên, Chính phủ sẽ mời các công ty đấu thầu để sản xuất từ 500-1.500 tấn đất hiếm trong giai đoạn đầu.

Để tham gia đấu thầu, các nhà sản xuất phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn nghiêm ngặt, bao gồm đảm bảo 50% sản phẩm cuối cùng phải đến từ oxit neodymium-praseodymium - một thành phần quan trọng để sản xuất nam châm hiệu suất cao - được sản xuất tại địa phương. Yêu cầu về tỷ lệ nội địa vào năm thứ 5 sẽ tăng lên 80%.