Các hãng xe hơi Mỹ chính thức được cứu

Kiều Oanh
Hai hãng sản xuất ô tô hàng đầu của Mỹ là GM và Chrysler vừa được Chính phủ cấp cho một khoản vay trị giá 13,4 tỷ USD
Số tiền mà GM sẽ nhận được theo kế hoạch nói trên là 4 tỷ USD trước ngày 29/12, tiếp đó là 5,4 tỷ USD trước ngày 16/1 - Ảnh: Reuters.
Số tiền mà GM sẽ nhận được theo kế hoạch nói trên là 4 tỷ USD trước ngày 29/12, tiếp đó là 5,4 tỷ USD trước ngày 16/1 - Ảnh: Reuters.
Hai hãng sản xuất ô tô hàng đầu của Mỹ là General Motors (GM) và Chrysler vừa được Chính phủ nước này quyết định cấp cho một khoản vay trị giá 13,4 tỷ USD để duy trì hoạt động cho tới hết tháng 3/2009. Số tiền giải cứu này được trích ra từ tiền của kế hoạch 700 tỷ USD giải cứu thị trường tài chính.

Như vậy, chỉ hai ngày sau khi hãng Chrysler tuyên bố ngưng hoạt động trong vòng một tháng, Chính phủ Mỹ đã phải nhanh chóng đi tới một chương trình cứu trợ cho các hãng xe để ngăn chặn sự đổ vỡ có thể xảy ra.

Trước đó, Thượng viện Mỹ đã không thông qua kế hoạch giải cứu trị giá 14 tỷ USD dành cho ngành này. Với 3 triệu việc làm, sự sụp đổ của ngành công nghiệp xe hơi Mỹ vào thời điểm suy thoái hiện nay có thể là thảm họa với quốc gia này.

Động thái này là lần can thiệp đầu tiên của Chính phủ Mỹ từ lần cứu trợ chính hãng Chrysler từ những năm 1980. Chương trình này sẽ đem tới cho GM và Chrysler khoảng thời gian là 102 ngày, tức là từ nay tới ngày 31/3/2009, để tiến hành các biện pháp cải tổ như cắt giảm nợ, đàm phán lại các hợp đồng lao động, cắt giảm việc làm… Nếu không thực hiện được những biện pháp này, Chính phủ Mỹ có quyền thu hồi khoản vay trước ngày 31/3 và cho hai hãng xe nói trên phá sản.

Tuy nhiên, điều mà cả các hãng xe và các nhà chức trách kỳ vọng đều là ngành công nghiệp xe hơi Mỹ sẽ vượt qua được giai đoạn khó khăn này và chính quyền của Tổng thống đắc cử Barack Obama sẽ đi tới được một kế hoạch có quy mô lớn hơn để hỗ trợ cho ngành. Ông Obama sẽ chính thức nhậm chức vào ngày 20/1/2009.

Số tiền mà GM sẽ nhận được theo kế hoạch nói trên là 4 tỷ USD trước ngày 29/12, tiếp đó là 5,4 tỷ USD trước ngày 16/1, và 4 tỷ USD trước ngày 17/2 trong trường hợp số tiền 350 tỷ USD tiếp theo của kế hoạch 700 tỷ USD được Quốc hội Mỹ phê chuẩn cấp theo đề xuất của Bộ trưởng Bộ Tài chính Henry Paulson. Hiện nửa 350 tỷ USD đầu tiên của kế hoạch này đã được ông Paulson sử dụng gần hết.

Hãng Chrysler sẽ nhận được 4 tỷ USD trước ngày 29/12. Về phần mình, hãng xe hơi lớn thứ hai của Mỹ là hãng Ford cho biết, họ chưa cần tới sự hỗ trợ khẩn cấp từ phía Chính phủ.

Để có được sự giải cứu này, GM và Chrysler phải đổi bằng một lượng chứng quyền cho Chính phủ Mỹ, theo đó, nếu việc giải cứu thành công, Chính phủ sẽ thu được lợi nhuận, còn nếu việc giải cứu thất bại, Chính phủ sẽ là chủ nợ được thanh toán đầu tiên.

Các điều kiện giải cứu khác bao gồm việc các hãng xe phải hạn chế lương thưởng cho lãnh đạo, công khai tài chính, không trả cổ tức cho cổ đông cho tới khi khoản nợ được thanh toán, Chính phủ có quyền phủ quyết các giao dịch có trị giá lớn hơn 100 triệu USD, các hãng xe không được sử dụng phi cơ doanh nghiệp.

Ngoài ra, một nửa số tiền mà các hãng xe nộp cho quỹ lương hưu của Liên hiệp Công nhân ô tô Hoa Kỳ(UAW) phải là dưới dạng cổ phiếu; một chương trình theo đó vẫn chi trả cho các công nhân thuộc UAW khi họ không làm việc phải bị bãi bỏ, đồng thời các quy định về lương và quy tắc làm việc của các công nhân UAW phải được điều chỉnh để về mức ngang bằng với những gì áp dụng với công nhân làm việc cho các hãng xe nước ngoài tại Mỹ trước ngày 31/12…

“Trọng tâm của chúng tôi lúc này chuyển sang việc thực hiện nhanh chóng và đầy đủ kế hoạch tái cơ cấu của mình”, CEO Rick Wagoner của hãng GM cho biết.

Tổng thống đắc cử Obama tỏ thái độ hoan nghênh kế hoạch này của chính quyền Bush và gọi đây là một “bước đi cần thiết” để “cứu ngành công nghiệp đặc biệt quan trọng này”.

Theo Phó chánh Văn phòng Nhà Trắng Joel Kaplan, Bộ trưởng Bộ Tài chính sẽ tạm thời là người giám sát trực tiếp chương trình giải cứu này, thực hiện các yêu cầu về hạn chót tái cơ cấu đối với các hãng xe và có quyền thu hồi các khoản vay.

Giới quan sát thì cho rằng, số tiền giải cứu nói trên chỉ như "muối bỏ bể", ít nhất là so với số tiền 34 tỷ USD mà ngành xe hơi Mỹ xin vay ban đầu, và để cứu được ngành công nghiệp này, Chính phủ Mỹ sẽ còn phải chi ra rất nhiều tiền nữa.

Doanh số thị trường xe hơi Mỹ tháng 11 sụt xuống mức thấp nhất trong vòng 26 năm qua như “giọt nước làm tràn ly”, đẩy GM và Chrysler tới bờ vực phá sản. Trong 11 tháng đầu năm, doanh số của GM tại Mỹ giảm 22%, doanh số của Chrysler tại Mỹ giảm 28%.

Là hãng xe lớn nhất thế giới, từ năm 2004 tới nay, GM đã thua lỗ tổng cộng 73 tỷ USD.

(Theo Bloomberg, CNN)

Tin mới

Doanh số ô tô tại Việt Nam xác lập đỉnh mới trong tháng 10

Doanh số ô tô tại Việt Nam xác lập đỉnh mới trong tháng 10

Theo báo cáo từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), số lượng xe ô tô tiêu thụ tại Việt Nam trong tháng 10 đã lập kỷ lục mới với doanh số đạt mức cao nhất kể từ đầu năm. Số liệu toàn thị trường do VAMA tổng hợp bao gồm doanh số của 17 thành viên và số xe nhập khẩu của các hãng xe ngoài VAMA.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng “rót” thêm gần 2 tỷ USD cho VinFast

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng “rót” thêm gần 2 tỷ USD cho VinFast

Từ nay đến hết năm 2026, tập đoàn Vingroup và ông Phạm Nhật Vượng công bố cam kết hỗ trợ tài chính cho Công ty VinFast. Vingroup có kế hoạch cho VinFast vay mới tối đa 35.000 tỷ đồng, ông Phạm Nhật Vượng cũng cam kết tài trợ cho VinFast 50.000 tỷ đồng. Đồng thời, Vingroup sẽ đầu tư thêm vào VinFast Việt Nam thông qua việc chuyển đổi toàn bộ khoản cho vay hiện hữu khoảng 80.000 tỷ đồng thành cổ phần ưu đãi được hưởng cổ tức.