Các hãng xe Mỹ thẳng tay cắt mọi ưu đãi, giá xe tăng chóng mặt
Nguyên lý cơ bản nhất của kinh tế học là mối quan hệ giữa cung, cầu và giá cả. Nếu đột nhiên nguồn cung ít đi trong khi nhu cầu tăng lên, kết quả là giá cả sẽ đi lên. Sự cạnh tranh trên thị trường sẽ khuyến khích các nhà cung cấp tăng nguồn cung và hạ giá bán, để giành được sự chú ý của phần lớn người mua trên thị trường.
Theo Business Insider, đó là trò chơi mà các hãng xe như Ford, General Motors và nhiều hãng xe khác đã tham gia trong nhiều thập kỷ qua. Các nhà sản xuất tăng công suất, cho ra đời càng nhiều xe càng tốt, hy vọng bán được và giảm giá xe bằng các ưu đãi và khuyến mãi để thu hút khách hàng.
Nhưng cuộc khủng hoảng thiếu hụt chip bán dẫn đã khiến tất cả những quy luật vận hành trên trở nên tồi tệ. Đối mặt với những thách thức khi thiếu đi thành phần cần thiết này, các nhà sản xuất ô tô buộc phải sản xuất ít xe hơn với những con chip còn lại mà họ có. Đương nhiên, họ chọn ưu tiên những mẫu xe có nhu cầu cao nhất và kiếm được nhiều tiền nhất.
Đồng thời, hầu như tất cả các thương hiệu đều phải giảm nguồn cung, đồng nghĩa với việc các đại lý có thể bán được hàng mà không cần phải cung cấp các gói ưu đãi như trước. Kết quả là các nhà sản xuất ô tô và đại lý hưởng lợi.
Mark Wakefield, một nhà tư vấn của AlixPartners ở Detroit, cho biết các hãng xe tại Mỹ hiện đang kiếm được cao hơn 3.000 USD so với mức trung bình khi một chiếc xe bán ra, số tiền này lên đến 10.000 USD đối với một số xe bán tải và SUV.
Một đại lý bán xe bán tải ở Mỹ còn cho biết gần đây anh ta chỉ mất khoảng 52 phút để chốt một thỏa thuận bán xe, so với trước đây phải mất ít nhất 4 giờ.
"Điều đáng ngạc nhiên là giá bán trung bình của những chiếc xe tải này là gần 100.000 USD, và nhu cầu của người tiêu dùng vẫn ở mức cao ngất ngưởng", đại lý này cho biết.
Jim Farley, Giám đốc điều hành của Ford, cho biết sức mạnh định giá mới này thật sự "ngoạn mục". Ford vẫn còn nhớ rõ những ngày họ phải tính toán xem có bao nhiêu chiếc xe xuất xưởng và đánh dấu xem đến khi nào mới bán hết số đó. Còn Mary Barra, Giám đốc điều hành của GM, cũng đã nói rằng đơn đặt hàng của khách hàng sẽ đóng một vai trò lớn hơn trong chiến lược sản xuất của GM.
Kevin Tynan, một nhà phân tích ô tô của Bloomberg, cho hay ngành công nghiệp ô tô đã cố gắng thoát khỏi mô hình ưu đãi, giảm giá, kích cầu diễn ra nhiều thập kỷ qua.
"Họ không hoàn toàn ghét điều này”, ông nói, và cho biết “điều này” chính là cuộc khủng hoảng thiếu chip. Nghĩa là, cuộc khủng hoảng thiếu chip đang mang lại nhiều lợi ích cho các hãng xe và đại lý. "Trong tương lai, người tiêu dùng có thể sẽ chứng kiến một ngành công nghiệp ô tô giống như những gì đang diễn ra bây giờ. Nguồn cung sẽ được quản lý chặt hơn và sẽ không còn các ưu đãi rầm rộ như trước nữa”.
Tất nhiên, vẫn còn đó khung cảnh khi cuộc khủng hoảng thiếu chip kết thúc, các công ty đầu tiên sẽ dần dần hy sinh lợi nhuận nhằm mục tiêu giành thị phần, và rồi sẽ có những đối thủ khác làm theo. Thị trường sẽ trở lại như trước khi xảy ra đại dịch. Ngoài ra, cần lưu ý rằng luật liên bang cấm các công ty tổ chức điều phối các chiến lược thao túng giá.
Tynan kỳ vọng rằng tỷ suất lợi nhuận tốt hơn mà các nhà sản xuất ô tô có được trong năm nay sẽ thuyết phục họ rời bỏ mô hình cũ trong quá khứ.
Đó có thể là tin tốt cho các nhà sản xuất ô tô và các nhà đầu tư, nhưng điều đó cũng có nghĩa là người tiêu dùng sẽ phải đối mặt với tình huống ít sản phẩm để lựa chọn hơn, giá cả cao hơn và thị trường xe cũ sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn trong tương lai.
Hiện tại, người mua ô tô hiện đang cảm thấy sức nóng của đại dịch khi mua xe, xe thiếu tính năng, giá cao hơn và khan hiếm lựa chọn. GM đã bán một số xe bán tải và SUV mới nhất của mình mà không có hệ thống quản lý khí đốt tiên tiến hoặc tính năng sạc không dây. Renault ngừng lắp đặt màn hình lớn cho các mẫu Arkana SUV của mình, trong khi Nissan đã loại bỏ hệ thống định vị trên hàng nghìn chiếc xe.
Theo New York Times, giá bán trung bình của một chiếc xe ô tô mới trong tháng 9 ở Mỹ đã tăng 12.000 USD so với cùng thời điểm năm 2020, chốt giá ở mức khoảng 42.802 USD. Trong bối cảnh khan hiếm chip và nguồn cung, các nhà sản xuất và đại lý vẫn thu lợi nhuận lớn, chỉ có người tiêu dùng phải trả giá cao hơn khi mua xe.