Chính sách “uyển chuyển” giúp các cường quốc đẩy mạnh phát triển xe điện

Lê Vũ
Chính sách được coi là hành lang dẫn đường cho bất kỳ một ngành công nghiệp nào, xe điện cũng không ngoại lệ. Sẽ không có một chính sách nào tồn tại mãi mãi và cũng không có một cơ chế nào áp dụng chung cho toàn thế giới. Thay vào đó, mỗi quốc gia phải tự tìm hướng đi cho mình, lựa chọn những cơ chế, chính sách phù hợp nhất để tạo đà cho xe điện phát triển.

“Giấc mộng” xe điện của Trung Quốc

Là một trong những quốc gia tiên phong trên thế giới, Trung Quốc đã xây dựng các chính sách hỗ trợ, phát triển xe điện một cách có hệ thống ngay từ năm 2009. Các biện pháp hỗ trợ tài chính cơ bản có thể kể đến là: hạn ngạch nhập khẩu; hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất trong nước; miễn, giảm thuế cho xe điện và xây dựng hạ tầng trạm sạc.

Thời gian đầu, Trung Quốc chưa đạt được thành tựu nào nổi bật khi chỉ đạt 6% thị phần xe điện thế giới vào năm 2013. Nhưng đến năm 2022, con số này đã lên đến 44% và Trung Quốc chính thức trở thành thị trường xe điện lớn nhất thế giới.

Hiệp hội Xe du lịch Trung Quốc (PCA) ước tính, doanh số xe điện đến cuối năm 2022 sẽ đạt kỷ lục trên 5,5 triệu chiếc, gấp đôi so với doanh số xe điện toàn Châu Âu gộp lại.

Vậy chính quyền ông Tập Cận Bình đã làm gì để tạo nên sự đột phá quan trọng này?

Tỷ lệ xe điện tại Trung Quốc sẽ đạt 10% vào năm 2025? Nguồn: Canalys
Tỷ lệ xe điện tại Trung Quốc sẽ đạt 10% vào năm 2025? Nguồn: Canalys.

Theo tờ China Briefing, động lực chính thúc đẩy thị trường xe điện Trung Quốc tăng trưởng mạnh mẽ đến từ các khoản tài trợ “hào phóng”. Cụ thể, ngay từ năm 2009, Chính phủ quốc gia này đã xây dựng một khoản tài trợ gần 47 tỷ USD phục vụ riêng cho sản xuất và tiêu dùng xe điện, thời hạn 5 năm. Doanh số bán hàng càng cao, dung lượng pin càng lớn thì mức hỗ trợ càng hấp dẫn.

Tuy nhiên, chính sách này cũng đã sớm bộc lộ kẽ hở khi nhiều doanh nghiệp xe điện tại Trung Quốc tìm cách gian dối để trục lợi tiền trợ cấp.

Chính điều này đã khiến Chính phủ Trung Quốc phải thay đổi hàng loạt chính sách hỗ trợ đối với xe điện. Cụ thể, quốc gia này lên kế hoạch cắt giảm dần các khoản trợ cấp theo từng giai đoạn: 20% trong năm 2017 – 2018, 40% trong năm 2019 – 2020, 20-30% trong năm 2021-2022.

Đồng thời, tiêu chuẩn kỹ thuật đối với xe điện cũng cao hơn trước đây. Ví dụ, đối với xe Plug-in Hybrid, khoảng cách di chuyển tối thiểu để được trợ cấp là 80km.

Bên cạnh đó, trước khi xét duyệt trợ cấp, các cơ quan chức năng sẽ xác minh kỹ lưỡng giấy tờ, chứng từ và kiểm tra đột xuất các lô xe mới. Các hãng xe được yêu cầu trang bị hệ thống giám sát tích hợp để theo dõi, chống trục lợi chính sách.

Thay đổi chính sách giúp doanh số ôtô điện Trung Quốc tăng mạnh
Thay đổi chính sách giúp doanh số ôtô điện Trung Quốc tăng mạnh. Ảnh: Reuters.

Đối với người tiêu dùng, vài năm trở lại đây, Trung Quốc đã áp dụng chính sách miễn, giảm thuế, phí sử dụng xe điện. Cụ thể, miễn thuế 5% cho các loại xe “thuần” điện, xe Plug-in Hybrid và xe chạy bằng pin nhiên liệu hydro. Chính phủ cũng giảm 50% phí đăng ký xe điện. Tính riêng 7 tháng năm 2022, các chính sách này đã giúp người dân Trung Quốc tiết kiệm khoảng 5,7 tỷ USD.

Cùng với đó, Trung Quốc đặt ra mục tiêu xây dựng hơn 700.000 trạm sạc trong giai đoạn 2021-2025. Trong đó, hơn 120.000 trạm sạc do Chính phủ tài trợ.

Những chính sách hỗ trợ kể trên đã góp phần tạo niềm tin cho các nhà đầu tư, nhà sản xuất xe điện tại Trung Quốc. 2 năm trở lại đây, các hãng xe bước vào cuộc cạnh tranh khốc liệt nhằm giành thị phần. Thậm chí, một số hãng xe chấp nhận “bán lỗ” để giữ chân khách hàng.

Đặc biệt, chính sách hỗ trợ người tiêu dùng, tạo điều kiện trải nghiệm xe điện tới quảng đại nhân dân đã giúp người dân Trung Quốc đón nhận xe điện hơn nhiều nước trên thế giới. Bài học kinh nghiệm từ thành phố Liễu Châu với gần 30% doanh số ôtô là xe điện cho thấy, chỉ cần chính sách phù hợp, cởi mở cùng với cơ chế quản lý, giám sát chặt chẽ sẽ tạo nên sự bứt phá trong ngành công nghiệp xe điện.

Chính sách của Mỹ: Dành lợi ích cốt lõi cho doanh nghiệp nội địa

Một số nhà hoạch định chính sách tại Mỹ cho rằng, dường như Trung Quốc đang chơi một nước cờ có phần mạo hiểm. Việc hi sinh một phần lợi ích doanh nghiệp trong nước để cố gắng “ôm trọn” lấy “miếng bánh” thị phần toàn cầu có tính hai mặt. Nếu các doanh nghiệp và người tiêu dùng đồng lòng, vì lợi ích chung, sẽ chẳng có quốc gia nào “soán ngôi” được Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh về xe điện. Nhưng thực tế thì thường không phải vậy. Nếu Trung Quốc vẫn duy trì các chính sách như hiện tại, chỉ trong vòng vài năm tới, thị trường xe điện tại quốc gia này sẽ sớm bão hòa.

Tại Mỹ, các chính sách về kinh tế những năm gần đây tập trung nhiều hơn vào lợi ích dành cho doanh nghiệp trong nước và người dân Mỹ. Ngành công nghiệp ôtô cũng không ngoại lệ.

Mỹ ưu tiên chính sách cho doanh nghiệp ôtô nội địa. Ảnh: Forbes
Mỹ ưu tiên chính sách cho doanh nghiệp ôtô nội địa. Ảnh: Forbes.

Điều này được thể hiện ngay từ những ngày đầu của Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, với cam kết sẽ thay thế toàn bộ 650.000 đội xe của chính phủ bằng xe điện nhằm hướng tập trung sang năng lượng sạch.

Ngày 16/8/2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đặt bút ký Đạo luật Inflation Reduction Act (IRA - tạm dịch: Đạo luật Giảm lạm phát) với trị giá 430 tỷ USD. Đây là đạo luật về khí hậu quan trọng nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Theo đó, khoản đầu tư 370 tỷ USD vào khí hậu và năng lượng sạch có thể cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính của Mỹ vào năm 2030 xuống thấp hơn 43% so với mức năm 2005.

Điểm nhấn trong đạo luật đang nhận được nhiều luồng dư luận nhất là việc thắt chặt khoản ưu đãi lên tới 7.500 USD khi mua xe điện.

Thứ nhất, xe phải được sản xuất hoặc lắp ráp tại Mỹ. Nghĩa là, ngoài các hãng xe nội địa, các hãng xe nhập khẩu trên thế giới muốn nhận được ưu đãi buộc phải xây dựng nhà máy tại Mỹ.

Thứ hai, giá thành sản phẩm phải dưới 55.000 USD với dòng xe sedan, dưới 80.000 USD với dòng xe SUV, bán tải và van.

Thứ ba, quan trọng nhất, là vấn đề pin xe điện. Khác với quy định trước đây, để được hưởng ưu đãi, cấu thành pin xe điện phải do Mỹ sản xuất hoặc tại các quốc gia mà Mỹ ký kết hiệp định thương mại. Lộ trình cụ thể: 50% cấu thành từ năm 2024; 80% cấu thành từ năm 2026; 100% cấu thành từ năm 2029.

Tỷ lệ xe điện tại Mỹ được kỳ vọng vượt Trung Quốc vào năm 2025. Nguồn: ICCT
Tỷ lệ xe điện tại Mỹ được kỳ vọng vượt Trung Quốc vào năm 2025. Nguồn: ICCT.

Như vậy, Mỹ cũng áp dụng các chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho xe điện, nhưng chỉ ưu tiên các doanh nghiệp nội địa, các hãng xe tại các quốc gia mà Mỹ ký kết hiệp định thương mại. Việc các nhà sản xuất xây dựng nhà máy tại Mỹ vừa góp phần tiết kiệm chi phí thông thương, vừa tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động tại Mỹ.

Theo bà Sara Baldwin, Giám đốc chính sách điện khí hóa tại Energy Innovation, đạo luật IRA sẽ góp phần củng cố nền kinh tế Mỹ bằng cách tạo ra tới 1,3 triệu việc làm mới và giảm gần 4.500 ca tử vong sớm hàng năm nhờ giảm ô nhiễm không khí đến năm 2030.

Trước khi IRA được thông qua, thị trường xe điện của Mỹ phải đối mặt với những trở ngại nghiêm trọng. Các khoản tín dụng thuế sắp hết hạn mức, thị trường nước ngoài kiểm soát hầu hết chuỗi cung ứng linh kiện và hầu hết các mẫu xe điện tại Mỹ đều được sản xuất ở nước ngoài.

IRA giải quyết những thiếu sót trên thị trường xe điện của Hoa Kỳ, đặt nền tảng cho một tương lai giao thông vận tải bền vững, công bằng và an toàn hơn.

Từ năm 2024, IRA cho phép người mua xe chuyển khoản tín dụng cho các đại lý bán hàng. Việc tiết kiệm chi phí tài chính, các ưu đãi của đại lý sẽ giúp các giao dịch xe điện trở nên thuận tiện và hấp dẫn hơn. Giá xe điện mới cũng rẻ hơn rất nhiều, mang lại lợi thế cạnh tranh cho các sản phẩm xe điện do Mỹ sản xuất.

Tin mới

Người Việt vẫn mua nhiều xe máy trong xu hướng ô tô hoá

Người Việt vẫn mua nhiều xe máy trong xu hướng ô tô hoá

Theo báo cáo do Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) công bố mới đây, doanh số xe máy tại Việt Nam ở quý III đạt 686.001 xe, tăng 13,74% so với quý II trước đó và cao hơn tới 12,34% so với cùng kỳ năm ngoái.