Dân Singapore cũng khốn đốn với phí ôtô

An Huy
Với những mức thuế, phí cao ngất, chi phí để sở hữu một chiếc xe hơi ở Singapore ngang với một ngôi nhà trung bình ở đô thị Mỹ
Các cuộc thăm dò dư luận gần đây ở Singapore cho thấy, vấn đề khiến người dân nước này lo ngại nhất hiện nay là chi phí sinh hoạt gia tăng.
Các cuộc thăm dò dư luận gần đây ở Singapore cho thấy, vấn đề khiến người dân nước này lo ngại nhất hiện nay là chi phí sinh hoạt gia tăng.
Anh Vinay Mathur, đang sống và làm việc ở Singapore, đã từ bỏ ý định mua một chiếc ôtô mới khi chi phí cấp phép quyền mua xe ở nước này lên mức cao nhất trong 17 năm. Thay vào đó, anh quyết định sắm một chiếc xe BMW đã qua sử dụng 2 năm.

“Đến lúc chúng tôi nghĩ tới chuyện mua xe thì giá cấp phép lại tăng vọt”, anh Mathur nói với phóng viên hãng tin Bloomberg. Loại chi phí mà người đàn ông 42 tuổi này nhắc đến là phí để được cấp giấy chứng nhận quyền mua xe (certificate of entitlement - COE) do chính phủ Singapore đấu giá và được sử dụng như một công cụ để kiểm soát tình trạng tắc nghẽn giao thông.

Với mức giá 86.889 Đôla Singapore, tương đương 67.000 USD mỗi giấy phép COE như hiện nay, tổng chi phí để sở hữu một chiếc xe Volkswagen Passat ở Singapore lên tới mức ngang với một ngôi nhà trung bình ở đô thị Mỹ.

Theo Bloomberg, số lượng cư dân tăng thêm 25% trong 7 năm, cộng thêm với tỷ lệ số hộ gia đình triệu phú cao nhất thế giới, đã đẩy giá cấp phép COE tăng 10 lần trong 3 năm qua. Trong khi đó, các cuộc thăm dò dư luận gần đây ở Singapore cho thấy, vấn đề khiến người dân nước này lo ngại nhất hiện nay là chi phí sinh hoạt gia tăng và dòng người nhập cư từ nước ngoài.  Bởi vậy, tuần trước, chính phủ nước này tuyên bố sẽ hoãn kế hoạch cắt giảm số giấy phép được cấp nhằm hạn chế tốc độ tăng chóng mặt của phí cấp phép theo đấu giá.

“Hệ thống giấy phép COE nhằm mục đích hạn chế số tình trạng tắc nghẽn giao thông và ô nhiễm, nhưng giấy phép này đã đẩy giá của những chiếc xe bình thường nhất lên mức vô lý”, anh Mathur, một lãnh đạo doanh nghiệp mới chuyển tới Singapore từ Mumbai, Ấn Độ, cách đây 2 năm rưỡi than thở. Anh Mathur cho biết, anh được công ty cho vay 130.000 Đôla Singapore thời hạn 5 năm, không tính lãi suất, và anh không muốn “vung tay quá trán” với số tiền này. Bởi vậy, anh chấp nhận mua xe cũ, thay vì mua xe mới và phải nộp tiền xin cấp COE.

Theo trang rao vặt ôtô SGCarMart.com, giá một chiếc Passat 2012 của hãng Volkswagen ở Singapoer, đã bao gồm phí COE, là 152.000 USD. Trong khi đó, giá nhà trung bình ở các khu vực đô thị Mỹ vào khoảng 158.100 USD - theo dữ liệu từ Hiệp hội Quốc gia các nhà môi giới bất động sản Mỹ.

Giá của loại giấy phép COE mở có thể được sử dụng để mua bất kỳ loại xe nào, đã lên tới 92.010 Đôla Singapore vào tháng 4 vừa qua, mức cao nhất kể từ cuối năm 1994 - thời điểm mà giá cấp phép lên tới 110.500 Đôla Singapore. Trong lần đấu giá gần nhất hôm 23/5, giá cấp phép COE loại mở là 86.889 Đôla Singapore, so với mức chỉ 8.510 Đôla Singapore cách đây 3 năm. Giấy phép này cho phép sở hữu một chiếc xe hơi trong 10 năm. Cuộc đấu giá giấy phép COE tiếp theo sẽ diễn ra vào ngày 6/6.

Ngoài số tiền lớn phải bỏ ra để mua giấy phép COE trong các cuộc đấu giá tổ chức 2 tuần 1 lần, người Singapore còn phải nộp phí đăng ký xe và đóng thuế có thể lên tới 150% giá thị trường của một chiếc xe.

Tại Singapore, đảo quốc có diện tích 642 km2, số lượng xe hơi đã đạt mức kỷ lục 603.723 chiếc vào cuối năm 2011, từ mức 405.354 chiếc cách đây 1 thập kỷ. Để hạn chế tắc nghẽn giao thông và ô nhiễm, Chính phủ nước này đã lên kế hoạch cắt giảm tốc độ tăng số lượng xe hơi từ mức 1,5% mỗi năm xuống 0,5% mỗi năm bắt đầu từ tháng 8 này. Tuy nhiên, với tốc độ gia tăng chóng mặt của giá cấp phép COE, thì Chính phủ Singapore mới đây đã tuyên bố hoãn kế hoạch này lại. Đảng Dân chủ đối lập của Singapore cho rằng, hệ thống COE chỉ làm lợi cho người giàu và cần phải được hủy bỏ.

Chi phí giao thông đã góp phần đẩy tỷ lệ lạm phát tại Singapore lên mức 5,4% trong tháng 4 vừa qua, mức cao nhất trong năm nay. Thủ tướng Lý Hiển Long mới đây tuyên bố, vấn đề lo ngại nhất của các nhà lãnh đạo Singapore hiện nay là chi phí sinh hoạt của người dân. Để hạn chế sự gia tăng của giá cả, trong năm qua, Chính phủ của Thủ tướng Lý Hiển Long đã áp dụng những biện pháp kiểm soát nhập cư ngặt nghèo hơn, tăng thuế đánh vào các giao dịch bất động sản với người nước ngoài, đồng thời giảm lương của các quan chức Chính phủ.

Hơn 1/3 trong dân số 5,2 triệu người ở Singapore là người nước ngoài và cư dân ngoại quốc cư trú dài hạn. Tỷ lệ thất nghiệp năm ngoái ở Singapore trung bình ở mức 2%, thấp nhất trong 14 năm. Singapore được hãng nghiên cứu Mercer đánh giá là thành phố có chất lượng sống tốt nhất ở châu Á. Theo một báo cáo mới đây của hãng Boston Consulting Group (BCG), tỷ lệ số hộ triệu phú (có tài sản có thể đầu tư từ 1 triệu USD trở lên) ở Singapore đã lên tới 14% trong năm ngoái, mức cao nhất trên thế giới.

Theo các nhà kinh tế, giá cấp phép COE ở Singapore tăng còn do tình trạng đầu cơ. “Nhiều người ở Singapore mua xe năm nay, sang năm bán lại có lãi vì giấy phép COE tăng giá. Trong khi đó, ở hầu hết các quốc gia khác, xe hơi là tài sản bị mất giá”, một chuyên gia nói.

Anh Michael Gomez, một nhân viên ngân hàng 30 tuổi ở Singapore, cho biết, giấy phép COE của anh đã tăng giá nhiều đến nỗi, anh muốn bán lại chiếc xe để tậu một chiếc rẻ tiền hơn. Cách đây 1 năm, anh mua một chiếc BMW với giá 145.000 Đôla Singapore và hiện nay, chiếc xe này có giá 135.000 Đôla Singapore.

“Lẽ ra chiếc xe đã mất giá 20.000 Đôla Singapore, nhưng tôi chỉ mất có 10.0000 Đôla Singapore do giá giấy phép tăng. Đây là giá tốt rồi. Nếu tôi bán xe và mua xe rẻ hơn, tôi sẽ tiết kiệm được tiền”, anh Gomez nói.

Tin mới

Doanh số ô tô tại Việt Nam xác lập đỉnh mới trong tháng 10

Doanh số ô tô tại Việt Nam xác lập đỉnh mới trong tháng 10

Theo báo cáo từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), số lượng xe ô tô tiêu thụ tại Việt Nam trong tháng 10 đã lập kỷ lục mới với doanh số đạt mức cao nhất kể từ đầu năm. Số liệu toàn thị trường do VAMA tổng hợp bao gồm doanh số của 17 thành viên và số xe nhập khẩu của các hãng xe ngoài VAMA.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng “rót” thêm gần 2 tỷ USD cho VinFast

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng “rót” thêm gần 2 tỷ USD cho VinFast

Từ nay đến hết năm 2026, tập đoàn Vingroup và ông Phạm Nhật Vượng công bố cam kết hỗ trợ tài chính cho Công ty VinFast. Vingroup có kế hoạch cho VinFast vay mới tối đa 35.000 tỷ đồng, ông Phạm Nhật Vượng cũng cam kết tài trợ cho VinFast 50.000 tỷ đồng. Đồng thời, Vingroup sẽ đầu tư thêm vào VinFast Việt Nam thông qua việc chuyển đổi toàn bộ khoản cho vay hiện hữu khoảng 80.000 tỷ đồng thành cổ phần ưu đãi được hưởng cổ tức.