Đẩy mạnh cải tiến quy trình sản xuất doanh nghiệp CNHT ngành ô tô Việt
Công ty Ô tô Toyota Việt Nam (TMV) và Cục Công nghiệp − Bộ Công Thương mới đây đã tổ chức Lễ khởi động Chương trình hỗ trợ, tư vấn cải tiến doanh nghiệp trong nước trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ năm 2024.
Đây là sự kiện trong khuôn khổ Dự án Hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp trong nước trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ô tô giữa TMV và Bộ Công Thương nhằm nâng cao năng lực và tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp hỗ trợ trong nước với các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô.
Chương trình hỗ trợ, tư vấn cải tiến doanh nghiệp trong nước trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ được khởi động từ năm 2022. Sau 2 năm thực hiện, TMV đã hỗ trợ 11 nhà cung cấp giảm tồn kho và diện tích nhà xưởng, tối đa hóa chi phí, tăng năng suất cũng như cải thiện môi trường làm việc của người lao động. Tính riêng năm 2023, các doanh nghiệp tham gia chương trình đã giảm được 5.922 m2 diện tích nhà xưởng, năng suất lao động tăng 69%, giảm 65% hàng tồn kho và loại bỏ 113.64 tấn đồ vật không cần thiết.
Cũng thông qua hoạt động này, một số doanh nghiệp Việt Nam đã mạnh dạn đầu tư, đổi mới phương thức sản xuất, đạt các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế và trở thành “bạn hàng” của TMV tại Việt Nam. Hiện tại, Toyota đã có 60 nhà cung cấp, bao gồm 56 nhà cung cấp linh kiện và 4 nhà cung cấp vật liệu trực tiếp, trong đó có 13 nhà cung cấp là doanh nghiệp Việt Nam như: THACO, Việt Nam Parkerizing, Hutchinson Việt Nam, Cao Su Giải Phóng... Tổng số sản phẩm nội địa hóa của TMV đã đạt trên 1.000 sản phẩm các loại.
“Ngay từ khi bắt đầu hoạt động sản xuất - kinh doanh tại Việt Nam, quan điểm của Toyota luôn là mở rộng mạng lưới, phát triển và nâng cao năng lực cho các nhà cung cấp. Chính vì vậy, Toyota là 1 trong những doanh nghiệp có số lượng nhà cung cấp nội địa nhiều nhất tại Việt Nam. Chúng tôi luôn nỗ lực theo định hướng của Chính phủ với mục tiêu không chỉ là hợp tác kinh doanh mà còn là hỗ trợ từng bước để các nhà cung cấp trong nước có thể tham gia vào chuỗi cung ứng cho ngành ô tô trên toàn cầu”, ông Keisuke Tokunaga nhấn mạnh.
Trong khuôn khổ chương trình năm 2024, TMV cùng với Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương phối hợp thực hiện thêm một hoạt động mới là hỗ trợ cải tiến hoạt động cho một số doanh nghiệp nội địa trong ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô nhằm cải thiện quy trình sản xuất. Theo đó, 5 doanh nghiệp đã được lựa chọn tham gia chương trình trong năm 2024, bao gồm: Công ty Cổ phần Công nghệ và Thương mại SIGMA VIỆT NAM; Công ty Cổ phần Tập đoàn Kỹ thuật và Công nghiệp Việt Nam (Intech); Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Hoa An; Nhà máy Z131; Công ty TNHH Công nghiệp Haast Việt Nam. Cụ thể, Toyota Việt Nam sẽ đồng hành và hỗ trợ có chiều sâu cho các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực dập, đúc, nhựa và cao su bằng cách cử chuyên gia đến làm việc, tìm ra những vấn đề tồn tại và cùng doanh nghiệp đưa ra biện pháp, kế hoạch cải tiến khắc phục, từ đó nâng cao năng lực của doanh nghiệp.
Điểm nhấn trong quy trình sản xuất của TMV là lấy người lao động làm hạt nhân và từng công đoạn sản xuất được thực hiện khép kín, an toàn, bài bản và chuyên nghiệp theo mô hình 5S của Toyota. Hệ thống trang thiết bị được sắp xếp, bố trí ngăn nắp, thân thiện với người lao động. Hầu hết các thao tác đẩy, kéo, mang vác nặng đều do hệ thống xe chuyên chở và máy móc thực hiện, giúp giảm thiểu áp lực cho công nhân. Mỗi công đoạn sản xuất đều được kiểm tra chặt chẽ về chất lượng, hiệu suất và an toàn; công đoạn sau được ví như “khách hàng” của công đoạn trước.
Dưới góc độ doanh nghiệp CNHT, ông Dương Nguyên Thành – Giám đốc điều hành Công ty TNHH Công nghiệp Haast Việt Nam chia sẻ rằng các doanh nghiệp đều mong muốn sản phẩm của mình có khả năng cạnh tranh bền vững trên thị trường. Do đó, việc học hỏi kiến thức và kinh nghiệm tốt để cải tiến các hoạt động của nhà máy đóng vai trò rất quan trọng. Trong đó, “Phương thức Toyota” đã trở thành một nguồn cảm hứng và là kho tri thức vô tận cho các doanh nghiệp đang phấn đấu để trở thành một doanh nghiệp xuất sắc tại Việt Nam.
“Việc tham gia Chương trình hỗ trợ, tư vấn cải tiến cho doanh nghiệp là cơ hội quý báu để chúng tôi học hỏi, cải tiến các hoạt động sản xuất của doanh nghiệp mình; qua đó nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng chất lượng, tiến độ và chi phí trong sản xuất để cung cấp các sản phẩm chất lượng đến khách hàng, tham gia hiệu quả vào các chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế”, ông Thành nói.
Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), trong 30 năm hiện diện tại Việt Nam, TMV đã có nhiều đóng góp tích cực trong hoạt động đào tạo và tư vấn sản xuất, phối hợp với Cục Công nghiệp tăng cường kết nối giao thương nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cải thiện năng suất và nâng cao năng lực cạnh tranh, dần tham gia sâu vào chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu. Từ năm 2020 đến 2023, hai bên đã phối hợp triển khai đào tạo cải tiến sản cuất và tư vấn hiện trường cho hơn 60 doanh nghiệp Việt Nam nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm đáp ứng chuỗi sản xuất của Toyota Việt Nam. Thông qua Chương trình hợp tác này, Toyota đã sàng lọc và lựa chọn 7 nhà cung ứng tiềm năng.