Đồng bằng sông Cửu Long: Trước ngưỡng tới hạn của mô hình phát triển cũ
Nói đến vùng đồng bằng sông Cửu Long là nói đến vựa lúa gạo, vựa trái cây và vựa thủy sản của cả nước. Nơi đây có dân số chiếm khoảng 1/5 dân số cả nước, đóng góp 20% GDP, có hệ thống sông ngòi dày đặc, giao thông thủy nội địa thuận lợi, khí hậu ôn hòa, thiên thời địa lợi. Thế nhưng, đến nay khu vực này vẫn được xem là "vùng trũng" về nhiều mặt phát triển, trong đó có tính cạnh tranh thu hút đầu tư, chất lượng nguồn nhân lực...
Làm thế nào để vùng đồng bằng sông Cửu Long phát triển tương xứng với tiềm năng, phát huy tối đa những lợi thế, chiếm giữ một phần quan trọng trong cấu trúc kinh tế - xã hội của quốc gia? Câu hỏi này đã được nêu lên từ nhiều thập kỷ trước và đến hôm nay vẫn còn nguyên tính thời sự.
NĂNG LỰC CẠNH TRANH: CÁC ĐIỂM MẠNH - YẾU
Năng lực cạnh tranh được đo lường bằng năng suất. Vậy đâu là nhân tố quyết định năng suất và tốc độ tăng trưởng năng suất của đồng bằng sông Cửu Long? Có thể quy chiếu về ba yếu tố sau đây: lợi thế tự nhiên và sẵn có của vùng; năng lực cạnh tranh ở cấp độ địa phương; năng lực cạnh tranh ở cấp độ DN.
Vùng đồng bằng sông Cửu Long được hình thành từ hàng ngàn năm bởi bùn cát phù sa dồi dào và (với điều kiện) mực nước biển khá ổn định. Quanh lưu vực châu thổ sông Mekong (chảy qua 6 nước gồm Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam) có khoảng 60 triệu cư dân sinh sống; riêng khu vực sông Cửu Long (đoạn Mekong chảy vào Việt Nam đổ ra Biển Đông) có hơn 20 triệu người, sống chủ yếu bằng nghề nông trồng trọt, chăn nuôi và đánh bắt...
Một trong những vấn đề sống còn của người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long là nước. Có nước, có tất cả. Mất nước, đồng bằng sông Cửu Long có thể cũng sẽ... biến mất! Chính quá trình bồi đắp âm thầm trải qua hàng ngàn năm đã kiến tạo một vùng đồng bằng sông Cửu Long màu mỡ, trù phú với tổng diện tích hơn 40.500 km2, chiếm 12,3% diện tích đất liền của cả nước. Vùng đặc quyền kinh tế rộng khoảng 360.000 km2, gấp 9 lần diện tích phần đất liền với các vùng nước đặc trưng ngọt, lợ, mặn tạo ra một lợi thế tự nhiên ở đồng bằng sông Cửu Long hết sức đặt biệt, không gì có thể so sánh nổi. Chính nhờ thiên thời và địa lợi ấy mà người dân ở đây cũng nhân hòa, từ lâu vốn có thói quen canh tác tương đối an nhàn, không đòi hỏi phải phát minh, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng công nghệ phức tạp vào sản xuất kinh doanh...
Với lợi thế tự nhiên như vậy, vùng đồng bằng sông Cửu Long hiện nay giữ vai trò là trung tâm sản xuất và xuất khẩu lúa gạo, thủy hải sản lớn nhất và đóng góp hơn 20% GDP cả nước, xuất khẩu hơn 50% tổng sản lượng lương thực, hơn 90% lượng gạo xuất khẩu, cung cấp 70% sản lượng trái cây, 52% sản lượng thủy hải sản, chiếm 60% kim ngạch xuất khẩu ngành thủy sản của cả nước.
Về môi trường kinh doanh, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tất cả 13 tỉnh/thành đồng bằng sông Cửu Long đều tăng lên rõ rệt trong mười năm trở lại đây; thậm chí một số địa phương đã bứt phá, vượt lên dẫn đầu và nằm trong top đầu cả nước như Long An, Đồng Tháp, Bến Tre và Vĩnh Long. Điều này cho thấy, vùng đồng bằng sông Cửu Long đang là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, cả về nông nghiệp nuôi trồng, khai thác chế biến và du lịch sinh thái, công nghiệp điện gió...
Nguồn vốn bình quân của các doanh nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long những năm gần đây có xu hướng tăng lên về giá trị danh nghĩa, mặc dù thực tế thấp hơn nhiều so với bình quân chung cả nước. Trong tổng số 18 ngành kinh tế, các doanh nghiệp có quy mô vốn trung bình nhỏ hơn mức trung bình cả nước ở 14 ngành là tài chính, ngân hàng, bảo hiểm (đồng bằng sông Cửu Long 326 tỷ đồng so với cả nước 3.711 tỷ đồng). Có 4 ngành các doanh nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long có quy mô vốn cao hơn mức trung bình cả nước, đó là: dịch vụ ăn uống (42 tỷ đồng so với 26 tỷ đồng), công nghiệp chế biến - chế tạo (97 tỷ đồng so với 82 tỷ đồng), y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (46 tỷ đồng so với 40 tỷ đồng) và giáo dục & đào tạo (12 tỷ đồng so với 11 tỷ đồng).
Về cơ cấu thành phần kinh tế, Báo cáo Kinh tế thường niên đồng bằng sông Cửu Long 2020 đã chỉ ra, các doanh nghiệp ngoài quốc doanh chiếm đến gần 98% (đến hết 31/12/2018) trong khi doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI chỉ chiếm 1,79% (cả nước là 97,23% và 2,34%). Cụ thể, thu hút FDI của vùng chỉ chiếm 5,6% số dự án và 8,4% số vốn đăng ký so với cả nước. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long còn hạn chế trong việc thu hút các dự án đầu tư từ nước ngoài so với mặt bằng chung của cả nước. Nguyên nhân được lý giải là do sự bất lợi về mặt địa lý và khả năng kết nối giao thông (thiếu vắng đường cao tốc). Thuận lợi về địa lý của nội vùng (sông ngòi chằng chịt, phù sa màu mỡ) lại cũng là một bất lợi trong thu hút đầu tư FDI.
SONG HÀNH CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC
Từ nhiều thập kỷ trở lại đây, vẫn tồn tại nhận định cho rằng, đồng bằng sông Cửu Long là "vùng trũng" về giáo dục & đào tạo và nguồn nhân lực. Điều này không hẳn sai nhưng chưa đủ. Nhân lực là nguồn lực quan trọng mang tính quyết định cao đối với năng lực cạnh tranh. Các nhân tố ảnh hưởng đến đặc điểm nguồn nhân lực đồng bằng sông Cửu Long là văn hóa, giáo dục, y tế.
Có thể nói, đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất đa văn hóa, đa tôn giáo, là nơi hội tụ nhiều cộng đồng cư dân, cả cư dân bản địa lẫn di dân khẩn hoang; nó tạo nên nguồn lực phong phú, tác phong lao động đa dạng nhưng phần nào làm cản trở quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Ở bậc học giáo dục phổ thông, tỷ lệ học sinh vùng đồng bằng sông Cửu Long bỏ học vẫn còn khá nhiều so với nhiều vùng khác trên cả nước. Những địa phương trong vùng có lợi thế phát triển kinh tế thì tỷ lệ bỏ học ở phổ thông ít hơn và ngược lại. Các chuyên gia cho rằng, công tác tuyên truyền vận động không bỏ học sẽ không hiệu quả bằng việc tạo ra nhiều cơ hội việc làm hơn, đồng nghĩa với việc thu hút đầu tư phát triển kinh tế hơn, như vậy mới mong giữ chân được học sinh phổ thông bỏ trường.
Ở bậc giáo dục đại học, cao đẳng, vùng đồng bằng sông Cửu Long có nhiều trường đại học uy tín cấp vùng, đào tạo ra đội ngũ nhân lực có chất lượng; tuy nhiên, nguồn nhân lực chất lượng cao lại có xu hướng "di cư" đến các vùng khác như thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Đông Nam Bộ (Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu...). Những người trẻ có xu hướng đi tìm kiếm cơ hội mới ở những vùng/địa phương có điều kiện/cơ hội làm việc tốt hơn, để lại nơi mình chôn nhau cắt rốn nhưng người lớn tuổi, giảm hay mất sức lao động, hoặc những di dân theo các doanh nghiệp đến từ vùng khác đầu tư, lập nghiệp.
Theo kết quả điều tra dân số - nhà ở của Tổng cục Thống kê, dân số vùng đồng bằng sông Cửu Long là 17,3 triệu người (ngày 1/4/2019), gần như "giậm chân tại chỗ" so với năm 2009 là 17,2 triệu người. Số người "di cư ròng" đến những vùng khác trong mười năm qua khoảng 1,1 triệu người, bằng dân số của một tỉnh. Đây là một thực trạng đang ở mức mà theo nhiều chuyên gia là "ngưỡng cảnh báo".
Những thách thức mà đồng bằng sông Cửu Long đăng phải đối diện đó là biến đổi khí hậu, tái phân bố dân cư, thói quen dân cư sống dọc các tuyến giao thông (đường bộ, bờ sông,...), dân cư tập trung chủ yếu về thị tứ, thị trấn, khu vực đô thị... Giảm thiểu những thách thức này không thể một sớm một chiều nhưng là một yêu cầu mang tính chiến lược, có quy hoạch bài bản và nhất quán của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương. Phát triển đồng bằng sông Cửu Long là yêu cầu cấp thiết nhằm khai thác tốt hơn nguồn lực cũng như đáp ứng tốt hơn những thách thức của vùng đồng bằng sông Cửu Long trong giai đoạn kế tiếp.
Theo các chuyên gia đến từ VCCI và Đại học Fulbright Việt Nam, tương lai phát triển của đồng bằng sông Cửu Long một mặt phụ thuộc vào năng lực nuôi dưỡng các nguồn tài nguyên lợi thế và có sẵn cho các thế hệ kế tiếp, mặt khác phụ thuộc vào nỗ lực tìm kiếm và xây dựng những động lực phát triển mới cho vùng. Hai yếu tố này đòi hỏi tư duy và cách tiếp cận mới đối với bài toán phát triển của đồng bằng sông Cửu Long. Chỉ như vậy mới thoát ra được quỹ đạo hiện nay để chuyển sang mô hình phát triển mới cho toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng như mỗi địa phương trong vùng.
Nói cách khác, "Đồng bằng sông Cửu Long đang đứng trước ngưỡng tới hạn của mô hình phát triển cũ. Nếu mô hình này, bao gồm cả chính sách của Nhà nước và tập quán của người dân và doanh nghiệp, không thay đổi, thì tụt hậu là điều không thể tránh khỏi và sự tan rã của đồng bằng sông Cửu Long chỉ là vấn đề thời gian. Ngược lại, nếu đủ dũng khí và trí tuệ để chuyển sang mô hình phát triển mới, những thách thức hiện nay sẽ trở thành cơ hội to lớn để đồng bằng sông Cửu Long tăng cường năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững, từ đó mở ra một tương lai xán lạn cho hơn 17 triệu đồng bào cũng như những thế hệ con cháu chúng ta sau này".
GS.TS.Võ Tòng Xuân
Để phát triển chất lượng nguồn nhân lực tại chỗ cũng như hạn chế đến mức thấp nhất hiện trạng "chảy máu chất xám" vùng Đồng bằng sông Cửu Long, hiện nay một số công ty nông nghiệp đang tích cực sử dụng kỹ sư nông nghiệp cùng giúp nông dân chăm sóc ruộng vườn. Một cách làm khác hiệu quả hơn là tổ chức đưa nông dân vào công ty cổ phần nông nghiệp. Mỗi người nông dân trong tổ chức này được huấn luyện nghề trồng lúa theo quy trình hiện đại nhất (VietGAP hoặc GlobalGAP) để áp dụng ngay trong hợp đồng với DN đầu ra. Các kỹ sư nông nghiệp sẽ tham gia hướng dẫn nông dân theo đúng qui trình GAP.
Nhìn chung việc đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng phải được đặt nặng vào phẩm chất đầu ra. Nói cách khác, mỗi đầu ra phải được kiểm định chất lượng theo đúng tiêu chuẩn kiến thức và kỹ năng. Căn cứ trên tiêu chuẩn đó mà xác định các nội dung của chương trình đào tạo. Những nội dung này phải có thầy giỏi và dụng cụ thiết bị cần thiết để học viên học và thực tập. Đối với mỗi ngành nghề, chúng ta đều có những hiệp hội chuyên môn (hội luật gia, hội y học, hội doanh nhân, hội nông dân...). Nhà nước (Bộ Giáo dục và đào tạo) cần kết hợp với các hội nghề nghiệp để tổ chức thi kiểm định đầu ra cho các sinh viên đã tốt nghiệp từ các trường công lập hoặc tư thục trước khi cho giấy phép hành nghề.