Gương hậu: Sóng trên mặt nước

An Nhi
Hiện tượng các hãng xe dồn dập tung ra sản phẩm mới trong lúc thị trường ảm đạm dường như là những “con sóng trên mặt nước”
Việc tung ra loạt sản phẩm mới cũng là để chuẩn bị cho một giai đoạn mới.
Việc tung ra loạt sản phẩm mới cũng là để chuẩn bị cho một giai đoạn mới.
Có một hiện tượng bất ngờ ở thị trường xe hơi giai đoạn này và còn tới đây nữa, thậm chí kéo dài đến cuối năm, là trong khi sức mua chưa cải thiện bao nhiêu thì các hãng xe đã dồn dập tung ra sản phẩm mới. Liên tưởng đến quy luật tự nhiên, tưởng như đó giống như câu chuyện của sóng, không lăn tăn mà phẳng lặng, rồi bỗng nhiên là những đợt cồn cào, dữ dội.

Kỳ thực thì chưa hẳn vậy. Sự lạ lùng của thị trường ôtô Việt Nam bấy lâu nay là không giống nơi nào, không (muốn) tuân theo những cái gọi là quy luật kinh tế thông thường.

Chẳng hạn như chuyện cách đây mấy năm dân tình đổ xô nhau đi mua xe, nhiều người phải “đút lót” để được mua loại phương tiện giao thông vốn dĩ đã kỳ khôi khi bị coi là xa xỉ phẩm. Người tiêu dùng sẵn lòng đổi ngôi với giới kinh doanh. Trong khi ấy, nhìn qua biên giới, câu chuyện diễn ra ngược lại.

Chuyện cũ là thế, nó diễn ra vào thời điểm giới đầu tư chứng khoán, nhà đất, vàng vọt làm ăn thuận lợi, kinh tế lên vùn vụt. Còn lúc này, kinh tế khó khăn, chứng khoán tậm tịt, bất động sản… bất động thì từ doanh nghiệp, nhà đầu tư đến cả bà trồng rau lo giữ miếng cơm hằng ngày còn gian nan huống chi chuyện xe với cộ. Mà kể cả có xe đi chăng nữa thì cũng e ngại một ngày nào đó bị thu cả mớ tiền phí hạn chế, mỗi lần lầm lũi vào cây xăng lại xót xa cho túi tiền vốn đang ngày càng eo hẹp.

Cái khó thường bó cái khôn. Lúc rủng rỉnh thì muốn sao được vậy, lúc khó khăn thì nhìn đâu cũng thấy mịt mờ.

Vậy nên mới có chuyện cách đây vài tháng đề xuất thu phí hạn chế phương tiện giao thông đã bị coi là “tội đồ” đẩy thị trường ôtô vào cảnh chợ chiều, mà nghe vài vị doanh nhân ôtô nói, thì đúng hơn phải là thê thảm. Ngẫm nghĩ, đề xuất ấy đúng là một nguyên nhân lớn gây khó cho ôtô, nhưng nhìn rộng ra, nó là hệ quả tất yếu của thời kỳ kinh tế khó khăn. Mà chẳng riêng ôtô, ngành nào cũng vậy.

Lại nói về sự lạ lùng. Thị trường ảm đạm là thế, theo suy luận thông thường, thì các hãng xe phải cố gắng làm sao ổn định được sản xuất, ưu tiên tiết giảm chi phí, tập trung giải quyết hàng tồn kho nhằm tránh vốn chết. Còn chuyện tung ra sản phẩm mới hẳn phải là thứ yếu.

Nhưng như có vị chuyên gia nói, chắc cũng có ý hài hước, ôtô vốn là sản phẩm của một ngành siêu công nghiệp thì việc ứng xử với nó cũng phải xứng với những… siêu quy luật kinh tế thị trường.

Nói vậy cũng chỉ là nói vui. Ngành nào cũng đều phải tuân theo những quy luật kinh tế cơ bản, đồng thời phù hợp với những bài toán kinh tế riêng của nó, không thể xử lý trái ngược. Có chăng là làm khác đi, từ đó đem lại những đặc điểm riêng biệt (hay thậm chí là dị biệt) và như thế, nhiều khi lại đem đến những hiệu quả tốt hơn và có phần bất ngờ.

Trở lại với câu chuyện đề cập ngay phần đầu bài viết là hiện tượng các hãng xe dồn dập tung ra sản phẩm mới trong lúc thị trường ảm đạm. Đó là một cách ứng xử khác biệt của doanh nghiệp trong thị trường ôtô Việt Nam vốn cũng chứa đầy những khác biệt. Người viết có vài… mường tượng thế này:

Trong lúc sản xuất, kinh doanh khó khăn, những sản phẩm chủ đạo cũng rơi vào lối cụt thì thay vì cố bám đuổi bài toán lợi nhuận, việc tranh thủ làm thương hiệu, mở ra những phân khúc mới, những dòng sản phẩm mới xem ra hiệu quả hơn nhiều. Như bà bán phở, lúc đông khách, bận bịu chân tay thì lo bán hàng kiếm lời trước đã. Lúc ế ẩm, rảnh rang thì xoay sang chế biến món mới, quảng bá quán xá.

Hiểu biết thứ hai là cho dù ế ẩm nhưng không có nghĩa những sản phẩm mới không có người dùng. Mà điều ý nghĩa hơn, có thể xem đó như là một cách khuấy động thị trường, tựa lúc thời tiết lạnh không chỉ cố co ro cho ấm mà đồng thời xoa đôi bàn tay tự làm nóng mình. Vả lại, những sản phẩm mới ấy đâu đơn giản như mớ rau con cá, muốn bán lúc nào thì bán. Kế hoạch xây dựng từ trước, đằng nào cũng phải tung ra.

Tại thị trường Việt Nam, đây đang là giai đoạn chuẩn bị cho chù kỳ sôi động trong năm. Việc tung ra loạt sản phẩm mới cũng là để chuẩn bị cho một giai đoạn mới. Và còn một khía cạnh khác, đó là những động thái thể hiện cho sự kỳ vọng đổi thay tích cực. Như hiệp hội ôtô đánh giá, là cùng những nỗ lực thúc đẩy kinh tế của Chính phủ, sau những “ý tứ” của ngành giao thông là chưa thể thu phí trong vài ba năm tới, thị trường ôtô hẳn là sẽ ấm hơn, chí ít là vậy.

Dù sao, đó cũng chỉ là vài suy diễn của người viết, đúng sai chưa biết thế nào. Còn nếu chỉ nhìn vào hiện tượng các hãng xe dồn dập khuấy động thị trường lúc này, thì trước mắt đó cũng dường như chỉ là những “con sóng trên mặt nước”, còn phía dưới nó vẫn lặng lẽ, im lìm như sức mua trên thị trường vốn chưa thể thoát cảnh ảm đạm.

* Xuất hiện thứ Bảy hàng tuần,“Gương hậu” là tiểu mục bình luận thể hiện quan điểm cá nhân của các nhà báo, cộng tác viên và bạn đọc tham gia chuyên mục Xe 360º, không đại diện cho ý kiến của VnEconomy. Chúng tôi tôn trọng quan điểm cũng như văn phong của tác giả.

Tin mới

“Bệ đỡ” chính sách: Điều kiện cần để phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt giai đoạn mới

“Bệ đỡ” chính sách: Điều kiện cần để phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt giai đoạn mới

Trong giai đoạn vừa qua, Việt Nam đã có nhiều thay đổi cả về qui mô dân số, tăng trưởng kinh tế và chất lượng tăng trưởng. Qui mô, sản phẩm và thị trường tiêu thụ ô tô trong nước đã có khác nhiều so với trước đây. Trên thế giới và các nước trong khu vực đặc biệt là Trung Quốc và Thái Lan ngành ô tô đang có những phát triển rất ấn tượng, tham gia ngày càng sâu vào chuỗi giá trị và nguy cơ thị trường xe sản xuất trong nước bị giảm thị phần ngay tại thị trường trong nước là điều khó tránh khỏi nếu như không có những cơ chế chính sách phù hợp.
EU đã có đủ sự ủng hộ để áp thuế xe điện Trung Quốc

EU đã có đủ sự ủng hộ để áp thuế xe điện Trung Quốc

Pháp, Hy Lạp, Ý và Ba Lan sẽ bỏ phiếu vào thứ Sáu tuần này để ủng hộ mức thuế lên tới 45% đối với xe điện (EV) nhập khẩu được sản xuất tại Trung Quốc, đủ để thúc đẩy các biện pháp thương mại cấp cao nhất của Liên minh châu Âu và có nguy cơ bị Bắc Kinh trả đũa.
Cơ quan công nghiệp ô tô Trung Quốc xin cứu trợ “khẩn cấp” từ chính phủ

Cơ quan công nghiệp ô tô Trung Quốc xin cứu trợ “khẩn cấp” từ chính phủ

Hiệp hội các đại lý ô tô Trung Quốc (CADA) vừa đưa ra cảnh báo với chính phủ về tình trạng thua lỗ ngày càng gia tăng của các đại lý Trung Quốc. CADA đã trình báo cáo khẩn cấp về khó khăn tài chính của các đại lý và rủi ro đóng cửa do cuộc chiến giá cả khốc liệt trong ngành ô tô Trung Quốc gây ra.