Hà Nội sẽ nghiên cứu thí điểm làn đường riêng cho xe đạp
Bên cạnh đó, đầu tư hệ thống giao thông tiếp cận cho người khuyết tật, người cao tuổi tại các đô thị, các công trình đảm bảo giao thông cho những người dễ bị tổn thương.
Trước đó vào tháng 3/2022, Sở GTVT Hà Nội đã đề xuất thí điểm dịch vụ xe đạp đô thị Hà Nội với nhận định xe đạp công cộng sẽ đem đến cho người dân một "phương tiện hiện đại, thuận tiện, thân thiện", tăng khả năng kết nối vận tải hành khách công cộng.
Kế hoạch của TP Hà Nội về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn thành phố đặt ra mục tiêu mỗi năm xử lý từ 7-10 điểm thường xuyên ùn tác, đồng thời hạn chế phát sinh điểm ùn tắc mới, không để xảy ra các vụ ùn tắc kéo dài trên 30 phút. Hà Nội cũng phấn đấu xóa bỏ các điểm đen về tai nạn giao thông, không để xảy ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Đến năm 2030, giảm ít nhất 50% số người bị chết và bị thương do tai nạn giao thông so với năm 2020.
Để giảm ùn tắc, Hà Nội sẽ huy động mọi nguồn lực, đầu tư phát triển nhanh và đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch, đặc biệt là những công trình có vai trò giảm ùn tắc; đầu tư kết nối, khép kín các tuyến vành đai, trong đó tập trung nguồn lực để đầu tư hoàn thiện tuyến đường Vành đai 3, Vành đai 4, Vành đai 5.
Một trong những giải pháp đáng chú ý được Hà Nội đặt ra đó là chỉ phê duyệt đầu tư các khu chung cư, nhà cao tầng, trung tâm thương mại khi phù hợp với quy hoạch, đáp ứng yêu cầu, quy định về bãi đỗ xe, hạ tầng giao thông và kết nối giao thông với các trục đường chính trong đô thị.
Mục tiêu thành phố đặt ra từ 2022 đến 2025, hàng năm giảm từ 5 - 10% tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết, số người bị thương; không để xảy ra các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng. Đến năm 2030, giảm ít nhất 50% số người chết và bị thương do tai nạn giao thông đường bộ so với năm 2020.
Hà Nội sẽ tiếp tục mở rộng và nâng cao chất lượng, hiệu quả hệ thống vận tải hành khách công cộng, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. TP Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 vận tải hành khách công cộng đáp ứng từ 30-35% nhu cầu đi lại của nhân dân.
Thời gian tới, TP Hà Nội sẽ tăng cường quản lý trật tự vỉa hè, lòng đường để đảm bảo quyền ưu tiên dành cho người đi bộ, quản lý chặt chẽ hoạt động sử dụng tạm thời vỉa hè, lòng đường làm điểm trông giữ xe; không để tình trạng chiếm dụng vỉa hè, lòng đường để kinh doanh gây cản trở giao thông.