Hãng taxi thuần điện đầu tiên của Việt Nam ra mắt: Thách thức không nhỏ cho taxi truyền thống
Dịch vụ taxi “thuần” điện đầu tiên tại Việt Nam
Ngày 14/4, Công ty Cổ phần Di chuyển Xanh và Thông minh GSM của Tập đoàn VinGroup đã chính thức đưa dịch vụ taxi thuần điện đầu tiên tại Việt Nam mang tên Xanh SM vào hoạt động. Đây là bước đi đầu tiên nhằm hiện thực hóa mong muốn của GSM là phổ cập trải nghiệm di chuyển điện hóa, qua đó thúc đẩy lối sống xanh bền vững cho cộng đồng.
GSM (Green - Smart - Mobility) có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, do Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, ông Phạm Nhật Vượng nắm giữ với 95% tỷ lệ cổ phần; hoạt động trong hai mảng chính: cho thuê ô tô - xe máy điện và dịch vụ taxi điện.
Theo đó, Xanh SM sẽ hiện diện trước tiên tại Hà Nội kể từ ngày 14/4 gồm 500 xe VF e34 và 100 xe VF 8. Cũng trong tháng 4, GSM sẽ khai trương dịch vụ tại TP. Hồ Chí Minh và sẽ phủ sóng tại ít nhất 5 tỉnh, thành phố trên cả nước trong năm nay.
Xanh SM cũng cung cấp cho khách hàng hai lựa chọn dịch vụ là GreenCar - taxi tiêu chuẩn và LuxuryCar - taxi cao cấp. Trong đó, GreenCar sử dụng mẫu xe VinFast VF e34 với màu xanh Cyan đặc trưng, LuxuryCar sử dụng VinFast VF 8 với màu đen nguyên bản sang trọng.
Khách hàng có thể đặt taxi điện qua số tổng đài toàn quốc 1900 2088 như taxi truyền thống, hoặc qua ứng dụng Taxi Xanh SM trên App Store và Google Play Store. Trong tháng 5/2023, khách hàng có thể gọi Taxi Xanh SM thông qua dịch vụ BeVinFast trên nền tảng tiêu dùng đa dịch vụ của Be.
Giá mở cửa cho 1 km đầu tiên của dịch vụ GreenCar là 20.000 đồng. Với 24 km tiếp theo, giá cước đối với xe VF 5 Plus là 14.000 đồng/km, đối với xe VF e34 là 15.500 đồng/km. Từ km thứ 26 trở đi, giá cước lần lượt là 12.000 đồng/km đối với VF 5 Plus và 12.500 đồng/km đối với VF e34. Mức giá dành cho dịch vụ LuxuryCar cố định 21.000 đồng/km cho toàn bộ hành trình.
Thân thiện hơn với khách hàng và tài xế
Chia sẻ với báo giới, ông Nguyễn Văn Thanh - Tổng Giám đốc Công ty GSM cho biết: “Không khói, không mùi, đó là ưu điểm đầu tiên của xe điện và điều đó tác động khá lớn đến sức khỏe của cả hành khách và tài xế. Thứ hai là, taxi điện ra đời hoàn toàn phù hợp với xu thế chung của thế giới và nỗ lực, cam kết của Việt Nam nhằm hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Thứ ba là, việc phát triển taxi điện sẽ góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng lên một tầm cao mới”.
Lý giải cho nhận định này, vị đại diện GSM cho biết thêm, khi ứng tuyển vào vị trí tài xế taxi điện, ngoài yêu cầu về bằng cấp, kỹ năng lái xe, mỗi tài xế cũng phải tham gia khóa đào tạo ngắn hạn về dịch vụ khách hàng, từ trang phục đến cung cách phục vụ phải chuyên nghiệp hơn trước đây. Theo đó, cả hai dịch vụ GreenCar và LuxuryCar không chỉ là dịch vụ taxi đơn thuần mà còn gắn với hoạt động du lịch, góp phần nâng cao hình ảnh đất nước, con người Việt trong mắt bạn bè quốc tế.
Anh Vũ Thành Trang, tài xế LuxuryCar chia sẻ: “Ngoài các tiêu chuẩn cơ bản, tài xế LuxuryCar phải đáp ứng tiêu chuẩn về chiều cao (trên 1m70), ngoại hình khá, trang phục chỉnh tề (sơ mi, áo vest) và đặc biệt là khả năng giao tiếp Tiếng Anh tốt. Điều này khá giống với dịch vụ taxi cao cấp ở một số nước phát triển mà tôi đã từng được trải nghiệm”.
Thực tế, một số khách hàng trải nghiệm lần đầu cũng đã có những đánh giá tích cực về loại hình taxi mới này.
“Bản thân tôi thường xuyên sử dụng dịch vụ taxi và xe công nghệ, nhiều lúc cũng hơi khó chịu vì có những chiếc xe (mọi người hay gọi là taxi “cỏ”) có chất lượng khá tệ như mùi xăng, mùi xe. Một số tài xế ăn mặc khá tùy tiện và thường xuyên đánh lái, thốc ga, khiến hành khách cảm thấy không thoải mái. Tuy nhiên, khi ngồi trên taxi điện, không còn tình trạng mùi xăng xe nữa, không phải vì xe còn mới mà đơn giản là vì xe không dùng xăng. Nội thất xe cũng rộng rãi, chất lượng cao hơn những chiếc xe “cỏ” giá chỉ vài trăm triệu đồng”, anh Vũ Quang (Hà Nội) chia sẻ.
Anh Vũ Đình Bính (Hà Nội) là một tài xế “kỳ cựu”, đã từng hoạt động tại nhiều hãng taxi ở Hà Nội cho biết, thị trường taxi truyền thống đã bão hòa, doanh thu không còn cao như trước và phải chịu áp lực cạnh tranh rất lớn từ xe công nghệ.
“Nhiều anh em tài xế đã phải thanh lý xe để chuyển đổi sang mô hình kinh doanh khác. Bản thân tôi cũng đã bán xe cổ phần và gia nhập GSM ngay khi công ty phát tin tuyển dụng tài xế. Đơn giản là vì tôi muốn thử sức với môi trường làm việc mới”, anh Bính nói.
Đã từng trải nghiệm một số dòng xe điện trước đó, anh Đăng Văn Thu (Hà Nội) chia sẻ: “Điểm hạn chế duy nhất có lẽ là thời gian chờ sạc pin khá lâu. Điều này ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến số lượng “cuốc” xe trong một ngày. Tuy nhiên, sau một tuần trải nghiệm, tôi thấy rằng điều này có thể khắc phục được nếu tài xế am hiểu về xe và chủ động trong lịch trình hơn, nhất là khi đi ngoại tỉnh. Bù lại, chi phí sạc pin chỉ khoảng 400 đồng/km, rẻ hơn nhiều so với xe chạy xăng. Thậm chí, trước đây, khi dừng xe chờ khách, tôi thường phải tắt máy, ra khỏi xe để tiết kiệm xăng và tránh nắng nóng thì bây giờ có thể yên tâm ngồi trong xe, bật điều hòa chờ “cuốc” tiếp theo mà không lo tốn nhiên liệu”.
Phát biểu tại lễ khai trương Taxi Xanh SM tại Hà Nội, ông Nguyễn Mạnh Quyền - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội nhấn mạnh: “Taxi điện là một trong những giải pháp tiên tiến, mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, góp phần giảm thiểu ô nhiễm không khí và tiếng ồn, đồng thời tiết kiệm năng lượng và giảm chi phí cho người dùng. Việc triển khai dịch vụ taxi điện tại Hà Nội không chỉ khẳng định quyết tâm của Thành phố và sự hưởng ứng, chung tay của các doanh nghiệp, cụ thể ở đây là công ty GSM trong việc thúc đẩy phát triển giao thông bền vững; mà còn góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam trong việc giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính".
Cần nhiều nguồn lực để phát triển
Trên thực tế, taxi điện đang ngày càng phổ biến tại các quốc gia phát triển. Yêu cầu chung đối với loại hình vận tải này là ưu tiên sử dụng xe điện chạy pin (BEV) để đảm bảo không phát thải CO2, không khuyến khích các dòng xe Hybrid (HEV) và Plug-in Hybrid. Tuy nhiên, với mật độ taxi tham gia giao thông rất lớn, quãng đường di chuyển trung bình lớn hơn xe cá nhân thì cần phải giải quyết được bài toán về hạ tầng trạm sạc và lượng điện tiêu thụ. Do đó, nhiều quốc gia, trong đó có Na Uy đã xây dựng hệ thống trạm sạc dành riêng cho taxi điện để ngăn chặn tình trạng ùn tắc tại các trạm sạc.
Cụ thể, thủ đô Oslo (Na Uy) là thành phố đầu tiên trên thế giới lắp đặt hệ thống trạm sạc không dây dành riêng cho taxi điện. Hệ thống này sử dụng công nghệ cảm ứng. Các tấm sạc được lắp đặt dưới đất nơi đỗ xe dành cho taxi điện. Một bộ thu điện được lắp đặt trong xe taxi với công suất sạc lên tới 75 kilowatt.
Theo đại diện Fortum Charge & Drive, công ty nhận thầu Dự án này cho biết, rào cản lớn nhất đối với taxi điện là hạ tầng trạm sạc. Việc các tài xế phải đi lòng vòng tìm trạm sạc, cắm sạc và đợi xe sạc đầy là một quy trình tốn quá nhiều thời gian, không đảm bảo hiệu quả kinh doanh của hãng taxi và nhu cầu di chuyển nhanh của khách hàng. Do đó, Dự án sạc nhanh không dây sẽ giúp giải quyết những vấn đề này, qua đó góp phần giảm phát thải từ lĩnh vực taxi, không chỉ ở Na Uy mà trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, điểm hạn chế của hệ thống này là chi phí đầu tư quá lớn, khó áp dụng tại các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Do đó, ở thời điểm hiện tại, Chính phủ vẫn cần quan tâm đến việc đầu tư xây dựng hạ tầng trạm sạc. Bởi lẽ, không giống như Vinfast đã sở hữu một hệ thống trạm sạc khá bài bản, các hãng taxi truyền thống, dù muốn chuyển đổi sang taxi điện cũng chưa đủ lực. Chỉ khi nào có một hạ tầng trạm sạc cơ bản, phủ khắp các tỉnh thành, có thể sạc cho nhiều hãng xe khác nhau theo một tiêu chuẩn kết nối, thì khi đó, Việt Nam không chỉ đón nhận thêm nhiều mẫu xe điện mới để doanh nghiệp, người dân chọn lựa mà ngay cả dịch vụ taxi điện cũng sẽ thực sự bùng nổ.