Hỗ trợ công nghiệp hỗ trợ

Đức Long
5 nhóm ngành công nghiệp hỗ trợ mà Việt Nam ưu tiên phát triển sẽ được xây dựng dựa trên đặc thù riêng
Công nghiệp hỗ trợ sản xuất và lắp ráp ôtô sẽ là một trong 5 nhóm ngành công nghiệp hỗ trợ được ưu tiên phát triển - Ảnh: Việt Tuấn.
Công nghiệp hỗ trợ sản xuất và lắp ráp ôtô sẽ là một trong 5 nhóm ngành công nghiệp hỗ trợ được ưu tiên phát triển - Ảnh: Việt Tuấn.
Quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2010 - tầm nhìn đến năm 2020 vừa được Bộ Công nghiệp phê duyệt, trong đó tập trung vào 5 nhóm ngành công nghiệp hỗ trợ là: dệt - may, da - giày, điện tử - tin học, sản xuất và lắp ráp ôtô, cơ khí chế tạo.

5 "nền tảng"

Theo quy hoạch, 5 nhóm ngành công nghiệp hỗ trợ mà Việt Nam ưu tiên phát triển s được xây dựng dựa trên đặc thù riêng.

Công nghiệp hỗ trợ dệt - may nhằm mục tiêu đến năm 2015 đạt khoảng 39% và đến 2020: khoảng 40% nhu cầu vải dệt thoi; đến 2010 tự sản xuất trong nước từ 10-70% tuỳ loại phụ tùng cơ khí dệt may và 40-100% vào năm 2020; năm 2015 đáp ứng 50% nhu cầu nội địa về các sản phẩm xơ, sợi tổng hợp; đến 2020 đáp ứng 80% nhu cầu nội địa và tiến tới xuất khẩu sau năm 2020...

Công nghiệp hỗ trợ da - giày phối hợp với ngành dệt - may đẩy nhanh khả năng cung ứng các loại vải dệt để sản xuất giầy dép, đặc biệt là giầy dép vải xuất khẩu; thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là từ khối EU vào sản xuất nguyên liệu mũ giày nhằm mục tiêu đưa tỷ lệ sử dụng nguyên phụ liệu trong nước đạt 40% vào năm 2010; 70-80% vào năm 2020...

Công nghiệp hỗ trợ điện tử - tin học đến năm 2010 nhằm mục tiêu đến năm 2010 đạt tỷ trọng cho phí nguyên vật liệu trong nước trong giá thành sản phẩm đạt khoảng 22-25%. Quy hoạch sau năm 2010 phát triển sản xuất linh kiện lắp ráp đồng bộ, linh kiện dạng nguyên vật liệu và các loại linh phụ kiện khác (đĩa CD, CD-ROM, DVD, pin mặt trời...), xây dựng một số nhà máy sản xuất các thiết bị điện tử y tế kỹ thuật cao, thiết bị cảnh báo điện tử.

Công nghiệp hỗ trợ sản xuất và lắp ráp ôtô tập trung phát triển sản phẩm theo cụm công nghệ gồm cabin, khung, vỏ, hệ thống treo, động cơ, cầu, các đăng, hộp số, hệ thống lái cho các loại xe tải, xe khách và xe chuyên dụng; phát triển có chọn lựa một số loại động cơ, hộp số, bộ truyền động và phụ tùng với số lượng lớn phục vụ lắp ráp ôtô trong nước và tham gia xuất khẩu...

Theo quy hoạch, sau năm 2010, Việt Nam sẽ thu hút đầu tư liên doanh sản xuất động cơ diesel tại khu công nghiệp ôtô Củ Chi (Tp.HCM), tiến tới hình thành khu công nghiệp hỗ trợ cho việc sản xuất động cơ và ôtô tại Tp.HCM, Bình Dương, Tây Ninh...

Công nghiệp hỗ trợ cơ khí chế tạo tăng cường đầu tư chiều sâu tại các cơ sở cơ khí chế tạo hiện có để nâng cao năng lực đúc, rèn, tạo phôi lớn, nhiệt luyện, xử lý bề mặt, cung cấp nguyên liệu, bán thành phẩm tiêu chuẩn để chế tạo chi tiết, phụ tùng cho sản xuất 3 nhóm sản phẩm cơ khí chính là thiết bị đồng bộ, máy công cụ, máy móc xây dựng; thu hút đầu tư nước ngoài vào các quá trình sản xuất công nghệ cao, vào những khâu cơ bản mà Việt Nam còn yếu kém.

Đồng thời, sẽ xây dựng các khu, cụm công nghiệp hỗ trợ cơ khí tại Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Phòng, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Tây Ninh và Đà Nẵng.

Hỗ trợ cho công nghiệp hỗ trợ

Được coi là khâu đột phá để phát triển các ngành công nghiệp chủ lực của Việt Nam, nên các ngành công nghiệp hỗ trợ sẽ được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ và ưu đãi, được thể hiện trong 6 nhóm giải pháp của quy hoạch.

Trước hết là các giải pháp tạo dựng môi trường đầu tư, khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh: xây dựng các chương trình phát triển từng nhóm sản phẩm hỗ trợ; thu hút sự tham gia của mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước; khuyến khích hình thành các khu, cụm công nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng, nguyên vật liệu phụ trợ cho các ngành công nghiệp; phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia sản xuất sản phẩm hỗ trợ, cung ứng nguyên phụ liệu cho sản xuất hỗ trợ...

Thứ hai là các giải pháp về khoa học - công nghệ, gồm: xây dựng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm theo chuẩn quốc tế làm căn cứ cho việc định hướng phát triển; hỗ trợ phát triển và nâng cấp các tổ chức kiểm định, đánh giá chất lượng sản phẩm hỗ trợ thuộc nhiều thành phần kinh tế đạt trình độ quốc tế; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp FDI có các dự án chuyển giao công nghệ và khuyến khích chuyển giao công nghệ tiên tiến vào sản xuất tại Việt Nam; hỗ trợ chi phí mua bản quyền cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển công nghiệp hỗ trợ...

Thứ ba là các giải pháp về hạ tầng cơ sở: đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện các cơ sở giao thông, vận tải như các bến cảng, sân bay, đường sắt, đường bộ, giao thông đô thị; hình thành các kho tàng, điểm tập trung hàng hoá ở các vùng kinh tế trọng điểm.

Thứ tư là các giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực: tăng cường đào tạo cán bộ kỹ thuật các ngành thiết kế, chế tạo máy, luyện kim, điều khiển tự động, điện tử tin học để làm chủ các công nghệ được chuyển giao, nghiên cứu thiết kế tạo ra công nghệ nguồn và kiểu dáng sản phẩm riêng của Việt Nam.

Thứ năm là các giải pháp về liên kết doanh nghiệp: kết nối các doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp nội địa thông qua các chương trình giới thiệu nhu cầu phát triển và sử dụng sản phẩm hỗ trợ và hợp đồng kinh tế giữa hai bên; xây dựng các chương trình hợp tác dài hạn với các đối tác chiến lược - các công ty, tập đoàn đa quốc gia về phát triển công nghiệp nói chung và công nghiệp hỗ trợ nói riêng ở Việt Nam trong giai đoạn 2006 - 2010, tầm nhìn 2020.

Thứ sáu là các giải pháp về tài chính: tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể dễ dàng tiếp cận được với nguồn vốn vay dài hạn cho đầu tư phát triển; nghiên cứu kinh nghiệm của Nhật Bản để thành lập hệ thống ngân hàng phục vụ các doanh nghiệp vừa và nhỏ; tạo điều kiện về nguồn vốn cho các hoạt động khuyến công, hỗ trợ phát triển khoa học - công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc đầu tư nghiên cứu và phát triển sản xuất hỗ trợ.

Tin mới

“Kế sách” chinh phục thế giới của các nhà sản xuất EV Trung Quốc

“Kế sách” chinh phục thế giới của các nhà sản xuất EV Trung Quốc

Nhà sản xuất ô tô Trung Quốc Geely hiện đang tìm kiếm địa điểm cho một nhà máy ở châu Âu nhưng chưa cam kết hoàn toàn xây dựng nhà máy sản xuất tại địa phương thay vì nhập khẩu. Đây là bước đi mới nhất của một hãng xe Trung Quốc cho thấy toan tính thâm nhập các thị trường lớn trên thế giới bất chấp hàng rào thuế quan ở nhiều quốc gia.
Tháng 8 lượng xe nhập khẩu về Việt Nam giảm mạnh

Tháng 8 lượng xe nhập khẩu về Việt Nam giảm mạnh

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, tháng 8 vừa qua, cả nước đã nhập khẩu 15.061 ô tô nguyên chiếc các loại, tổng kim ngạch đạt gần 300 triệu USD, giảm 12,6% về lượng và giảm 13,1% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.
Không dự Triển lãm Ô tô Việt Nam 2024, Mercedes-Benz tự tổ chức triển lãm tại Hà Nội

Không dự Triển lãm Ô tô Việt Nam 2024, Mercedes-Benz tự tổ chức triển lãm tại Hà Nội

Triển lãm Ô tô Việt Nam - Vietnam Motor Show 2024 sẽ chính thức quay trở lại vào những ngày cuối tháng 10 nhưng nhiều hãng xe lớn tại Việt Nam không góp mặt, trong đó có Mercedes-Benz. Hãng xe Đức cho biết, từ ngày 11 đến 13.10.2024, hãng này sẽ chính thức tổ chức sự kiện Triển lãm xe Mercedes-Benz: The Avantgarde 2024 tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm quốc tế I.C.E Hà Nội (Cổng 1: Ngõ 91 Trần Hưng Đạo hoặc Cổng 2: 04 Trần Bình Trọng, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội – sự kiện sẽ đón khách tại Cổng 2) từ 8h00 đến 20h00.