Huawei ra mắt smartphone đầu tiên không kết nối với GPS của Mỹ
Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc đã giới thiệu chiếc điện thoại thông minh Mate 50 vào đầu tuần, cùng máy tính bảng MatePad Pro và đồng hồ thông minh Watch GT 3 Pro.
Mate 50 của Huawei có một camera sau với 4 ống kính được sắp xếp theo hình tròn. Điện thoại cũng chạy Harmony 3.0, phiên bản mới nhất của hệ điều hành Huawei. Harmony phát hành lần đầu tiên vào năm 2019 sau khi Huawei bị cấm sử dụng phần mềm Android của Google.
Mate 50 không kết nối với mạng 5G siêu nhanh sau khi các lệnh trừng phạt cắt đứt công ty khỏi chuỗi cung ứng chip. Thay vào đó, điện thoại kết nối với mạng 4G.
Tuy nhiên, Huawei tuyên bố đây là điện thoại thông minh đầu tiên được phát hành tới công chúng có thể kết nối với hệ thống định vị vệ tinh Beidou của Trung Quốc. Beidou được hoàn thành vào năm 2020 và có thể xem là đối thủ mạnh của Hệ thống Định vị Toàn cầu (GPS) thuộc sở hữu của chính phủ Hoa Kỳ, được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới.
Việc kết nối với Beidou giúp người dùng có thể gửi tin nhắn ngay cả khi họ mất kết nối với mạng di động mặt đất, chẳng hạn như ở vùng sâu vùng xa.
Mate 50 đã được mở bán trước tại Trung Quốc vào tuần này và giá khởi điểm ở mức 4.999 NDT (khoảng 718 USD), Mate 50 Pro có thông số kỹ thuật cao hơn có giá khởi điểm bắt đầu từ 6.799 NDT (khoảng 1.006 USD).
Huawei từng là một trong những nhà sản xuất smartphone số một trên thế giới, nhưng hiện đang chiếm một thị phần rất nhỏ so với các “ông lớn” như Apple hay Samsung, và các đối thủ trong nước như Xiaomi, Oppo, v.v. Công ty đang hy vọng vào các sản phẩm khác của mình như máy tính bảng, đồng hồ thông minh và các phụ kiện di động.
CÚ HÍCH MANG TÊN “Ô TÔ ĐIỆN” CỦA HUAWEI
Gần đây, Huawei đã và đang xây dựng một doanh nghiệp công nghệ ô tô tập trung vào xe điện. Nhưng họ không sản xuất ô tô. Thay vào đó, Huawei tập trung hợp tác với các nhà sản xuất ô tô và cung cấp công nghệ ở nhiều bộ phận khác nhau cho chiếc xe.
Cũng vào đầu tuần trước, Huawei đã ra mắt chiếc xe điện AITO M5 với sự hợp tác của nhà sản xuất ô tô Trung Quốc Seres. Chiếc xe chứa hệ điều hành Harmony OS của Huawei cho buồng lái kỹ thuật số với hệ thống thông tin giải trí và hệ thống máy tính để điều chỉnh mô-men xoắn của xe. Điều này giúp cải thiện khả năng kiểm soát của chiếc xe.
Một số công ty công nghệ Trung Quốc, bao gồm gã khổng lồ tìm kiếm Baidu và nhà sản xuất điện thoại Xiaomi, cũng đã tham gia vào sản xuất xe điện để giành lấy một miếng bánh trong thị trường đang phát triển nhanh chóng này.
Trước đó, Huawei đã tung ra một số mẫu xe khác cùng với các nhà sản xuất ô tô trong nước là BAIC và Changan.