Khi Nokia, BlackBerry cùng đồng loạt “hồi sinh”

Thăng Điệp
Giới phân tích đánh giá việc Nokia giới thiệu 3310 là một động thái thông minh
Ông Arto Nummela, Giám đốc điều hành (CEO) Nokia-HMD giới thiệu chiếc Nokia 3310 phiên bản mới tại MWC, Barcelona, Tây Ban Nha, ngày 26/2 - Ảnh: Reuters.<br>
Ông Arto Nummela, Giám đốc điều hành (CEO) Nokia-HMD giới thiệu chiếc Nokia 3310 phiên bản mới tại MWC, Barcelona, Tây Ban Nha, ngày 26/2 - Ảnh: Reuters.<br>
Thương hiệu điện thoại Nokia vừa đánh dấu sự “hồi sinh” bằng cuộc trình làng phiên bản mới của 3310 - một chiếc điện thoại chỉ có tính năng nghe và gọi từng rất được ưa chuộng hồi những năm 2000.

Theo tin từ Reuters, phiên bản mới của 3310 có màu sắc tươi sáng, màn hình lớn hơn, được trang bị camera và mức giá chỉ 49 Euro, tương đương 52 USD. Tuổi thọ pin đủ cho 22 giờ thoại và 1 tháng ở chế độ chờ (standby) cho thể giúp 3310 tăng sức hấp dẫn với tư cách một chiếc điện thoại dự phòng cho những người sử dụng điện thoại thông minh (smartphone).

Giới phân tích đánh giá việc Nokia giới thiệu 3310 tại Hội nghị Di động Thế giới (MWC) ở Barcelona, Tây Ban Nha vào ngày 26/2 là một động thái thông minh. Tuy nhiên, sự trở lại của 3310 có thể sẽ phủ bóng lên nỗ lực của thương hiệu Phần Lan nhằm trở lại thị trường smartphone. Cùng sự kiện, Nokia cũng giới thiệu các mẫu smartphone tầm trung, giá dao động từ 139-299 Euro.

“Sự yêu mến dành cho thương hiệu của chúng tôi là rất lớn. Chiếc điện thoại nhận được tình cảm từ hàng triệu, triệu người”, Giám đốc điều hành Nokia, ông Rajeev Suri, phát biểu tại một cuộc họp báo.

Từng là nhà sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới, Nokia vào năm 2014 đã bán lại mảng di động khi đó đang làm ăn thua lỗ cho hãng phần mềm Microsoft với giá 7 tỷ USD. Sau vụ bán lại này, Nokia chỉ còn là một công ty thiết bị mạng sở hữu một kho bằng sáng chế khổng lồ.

Tuy nhiên, vào năm ngoái, thương hiệu Nokia đã được cấp phép cho một công ty Phần Lan khác có tên HMD Global, sau khi Microsoft - nhà sở hữu Nokia - cắt giảm mạnh hoạt động ở mảng điện thoại vì không cạnh tranh được với các đối thủ như Apple và Samsung. HMD là một công ty nằm dưới sự quản lý của các nhà cựu điều hành Nokia và được hậu thuẫn bởi tập đoàn điện tử Foxconn (Hon Hai) của Đài Loan.

Giới phân tích dự báo, chiếc Nokia 3310 đời mới có thể sẽ là một trong những thiết bị “gây sốt” trong năm 2017, thu hút đối tượng khách hàng nhiều tuổi hơn vốn là những người ưa thích điện thoại Nokia trước kia, và thậm chí cả những người dùng trẻ tuổi hơn ở các thị trường mới nổi.

Chiếc 3310 trước kia đã bán được 126 triệu đơn vị sản phẩm, trở thành chiếc điện thoại di động bán chạy thứ 12 trong lịch sử. Trong số 12 chiếc điện thoại bán chạy nhất thì có 9 mẫu của Nokia.

Cùng được Nokia giới thiệu với chiếc 3310 lần này là 3 mẫu smartphone chạy hệ điều hành Android: chiếc Nokia 6 với màn hình 5,5 inch, Nokia 5 với màn hình 5,2 inch, và Nokia 3 với màn hình 5 inch.

Trong đó, riêng chiếc Nokia 6 là phiên bản giới hạn, với giá bán lẻ khoảng 299 Euro. Thực ra, Nokia 6 đã được trình làng tại Triển lãm Hàng điện tử tiêu dùng (CES) tại Las Vegas vào tháng 1. Chiếc smartphone này sẽ chỉ được bán tại Trung Quốc thông qua hãng bán lẻ trực tuyến JD.com.

Điện thoại di động thường (feature phone) chiếm 1/5 trong tổng số 1,88 tỷ chiếc điện thoại di động được bán trên thế giới trong năm 2016. Samsung chiếm vị trí số 1 với thị phần 13% trên thị trường di động thường, trong khi Nokia xếp thứ hai với thị phần 9%.

Ngoài Nokia, sự kiện MWC năm nay cũng đánh dấu sự trở lại của một thương hiệu điện thoại đình đám một thời khác là BlackBerry. Thương hiệu smartphone đầu tiên của thế giới vào hôm 25/2 đã trình làng một mẫu điện thoại mới trên nền tảng Android và được trang bị bàn phím vật lý QWERTY đặc trưng, có giá bán lẻ 549 USD.

Nhà sản xuất chiếc BlackBerry mới là công ty TCL Communications của Trung Quốc. Năm ngoái, BlackBerry đã ký thỏa thuận nhượng quyền thương hiệu cho TCL để TCL sử dụng tên BlackBerry cho những sản phẩm smartphone mới. Sau đó, BlackBerry, công ty có trụ sở ở Toronto, Canada, chỉ còn tập trung vào lĩnh vực phần mềm.

Tin mới

Người Việt vẫn mua nhiều xe máy trong xu hướng ô tô hoá

Người Việt vẫn mua nhiều xe máy trong xu hướng ô tô hoá

Theo báo cáo do Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) công bố mới đây, doanh số xe máy tại Việt Nam ở quý III đạt 686.001 xe, tăng 13,74% so với quý II trước đó và cao hơn tới 12,34% so với cùng kỳ năm ngoái.