Làm thế nào để cứu người mà không mắc vào tình huống “làm ơn mắc oán”?
Đi ra đường hẳn không ai mong muốn việc xảy ra tai nạn giao thông, đặc biệt nếu không may gặp tai nạn giao thông, nếu không ai giúp đỡ, chúng ta sẽ như thế nào? Tâm lý e ngại vì ngại liên lụy tới pháp luật và những vụ việc “làm ơn mắc oán” hi hữu như ở Quảng Ninh vừa qua càng khiến nhiều người e dè khi ra tay giúp đỡ người bị nạn. Tuy nhiên, thực tế mỗi người chúng ta nên bình tĩnh và có thể tự trang bị cho mình một số kiến thức cơ bản để tránh những phiền phức không đáng có để phòng tránh những sự cố đáng tiếc trong quá trình giúp đỡ người khác.
Theo kinh nghiệm của nhiều người, khi gặp một vụ tai nạn giao thông cần được giúp đỡ, tốt nhất hãy gọi 115 để cấp cứu người bị nạn, 113 thông báo cho công an địa phương về vụ việc, đặc biệt nếu được hãy nhờ người quay lại toàn bộ quá trình cứu giúp nạn nhân… là một trong nhiều cách giúp người bị tai nạn giao thông tránh “làm ơn mắc oán” sau này.
Đặc biệt, pháp luật cũng đã có quy định cụ thể về việc người điều khiển phương tiện giao thông và những người liên quan cần làm gì khi có sự cố về giao thông trên đường.
Tại Điều 38, Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định rõ về trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức khi xảy ra tai nạn giao thông, cụ thể như sau:
1.Người điều khiển phương tiện và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn có trách nhiệm sau đây:
a) Dừng ngay phương tiện; giữ nguyên hiện trường; cấp cứu người bị nạn và phải có mặt khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu;
b) Ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của cơ quan công an đến, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu hoặc phải đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc vì lý do bị đe dọa đến tính mạng, nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất;
c) Cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn cho cơ quan có thẩm quyền.
2. Những người có mặt tại nơi xảy ra vụ tai nạn có trách nhiệm sau đây:
a) Bảo vệ hiện trường;
b) Giúp đỡ, cứu chữa kịp thời người bị nạn;
c) Báo tin ngay cho cơ quan công an, y tế hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất;
d) Bảo vệ tài sản của người bị nạn;
đ) Cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
3. Người điều khiển phương tiện khác khi đi qua nơi xảy ra vụ tai nạn có trách nhiệm chở người bị nạn đi cấp cứu. Các xe được quyền ưu tiên, xe chở người được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự không bắt buộc thực hiện quy định tại khoản này.
4. Cơ quan công an khi nhận được tin về vụ tai nạn có trách nhiệm cử người tới ngay hiện trường để điều tra vụ tai nạn, phối hợp với cơ quan quản lý đường bộ và Ủy ban nhân dân địa phương bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn.
5. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra tai nạn có trách nhiệm kịp thời thông báo cho cơ quan công an, y tế đến để xử lý, giải quyết vụ tai nạn; tổ chức cứu chữa, giúp đỡ người bị nạn, bảo vệ hiện trường, bảo vệ tài sản của người bị nạn; trường hợp có người chết mà không rõ tung tích, không có thân nhân hoặc thân nhân không có khả năng chôn cất thì sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã hoàn tất các công việc theo quy định của pháp luật và đồng ý cho chôn cất, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức chôn cất.
Trường hợp vụ tai nạn vượt quá khả năng giải quyết, Uỷ ban nhân dân cấp xã phải kịp thời báo cáo Uỷ ban nhân dân cấp trên.
6. Bộ Công an có trách nhiệm thống kê, tổng hợp, xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về tai nạn giao thông đường bộ, cung cấp cho cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
Tại khoản 18 Điều 8, Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định nghiêm cấm hành vi khi có điều kiện mà cố ý không cứu giúp người bị tai nạn giao thông. Nếu vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định của Nghị định 100/2019/NĐ-CP, cụ thể như sau:
Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với tổ chức không cứu giúp người bị tai nạn giao thông khi có yêu cầu (điểm a khoản 7 Điều 11).
Việc không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng là hành vi phạm tội. Tại Điều 132 Bộ Luật hình sự năm 2015 được sử đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, cụ thể như sau:
1. Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm
b) Người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp.
3. Phạm tội dẫn đến hậu quả 02 người trở lên chết, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Thực tế, cứu giúp người bị nạn khi xảy ra tai nạn giao thông bên cạnh việc chấp hành pháp luật và cũng là hành động nhân văn giữa con người với con người khi xảy ra sự cố không may. Chúng ta không nên chỉ vì một vụ việc mà đánh đồng tất cả, đừng ngần ngại cứu giúp người khác khi họ gặp tai nạn không may.