Lo cho xe nội!

Đức Thọ
Nỗi lo cho số phận ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước đã bắt đầu đến sớm hơn so với nhiều dự báo trước đó
Thị trường ôtô Việt Nam liệu có ngập tràn xe nhập? - Ảnh: Việt Tuấn.
Thị trường ôtô Việt Nam liệu có ngập tràn xe nhập? - Ảnh: Việt Tuấn.
Nỗi lo cho số phận ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước đã bắt đầu đến sớm hơn so với nhiều dự báo trước đó.

Liên doanh… xe nhập

Sự kiện Công ty Liên doanh Mercedes-Benz Việt Nam (MBV) công bố đã được cấp phép nhập khẩu xe nguyên chiếc từ hãng mẹ để phân phối tại thị trường Việt Nam đã “khai hỏa” cho một “trào lưu” liên doanh… xe nhập.

Theo lộ trình thực hiện cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), kể từ ngày 1/1/2009 các doanh nghiệp nước ngoài và có vốn đầu tư nước ngoài mới được phép phân phối các loại xe nguyên chiếc. Tuy nhiên, các nguồn tin của VnEconomy cho biết ngay từ giữa năm 2007 một số liên doanh thuộc Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) đã đệ đơn xin phép được nhập khẩu xe nguyên chiếc và việc MBV chính thức công bố thông tin cũng chỉ là “nước cờ” đầu tiên của các liên doanh này.

Sau MBV, nhiều người dự báo liên doanh tiếp theo rất có thể sẽ là Công ty TNHH Ford Việt Nam và Công ty Ôtô Toyota Việt Nam mặc dù khi trao đổi với báo giới, đại diện các hãng xe này vẫn chưa khẳng định điều gì.

Sau sự kiện Mercedes-Benz, điều dư luận quan tâm không còn là việc các liên doanh có nhập xe hay không mà là thực hiện sớm hay muộn. Một trong những nguyên nhân cơ bản khiến các liên doanh ôtô trong nước “sốt ruột” xin phép thực hiện trước lộ trình là sức ép từ thị trường xe nhập khẩu ngày càng đè nặng lên hoạt động sản xuất và lắp ráp. Trong đó, nguyên nhân trực tiếp chính là việc các nhà phân phối và công ty thương mại liên tiếp được tăng cường sức mạnh qua 3 lần giảm thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ mức 90% xuống còn 60%.

Như người viết đã từng thử phân tích trong một bài viết trước đây, lý do các liên doanh ôtô đòi nhập khẩu sớm - thậm chí tỏ ý “buông xuôi” - chính là công tác điều chỉnh thuế của Bộ Tài chính. Thực tế sau khi thuế suất thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc giảm mạnh (sớm hơn lộ trình WTO), thị phần của các loại xe nhập khẩu tại Việt Nam đã lập tức tăng lên khoảng 25% với 28.000 chiếc.

Ngay trong cuộc họp tại Bộ Công Thương với sự tham gia của đại diện Bộ Tài chính và Bộ Giao thông Vận tải, các hãng xe đã bày tỏ rõ quan điểm nếu thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc giảm như vậy trong khi thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng và thuế tiêu thụ đặc biệt không giảm, họ sẽ chuyển sang phân phối xe nguyên chiếc thay vì sản xuất trong nước.

Vậy là, các liên doanh đã bước đầu đạt được mong muốn của mình khi nhiều khả năng không phải chờ đợi đến “giờ G”.

Ngập tràn xe nhập?

“May là MBV chỉ đại diện cho thương hiệu có điểm nhận diện là logo ngôi sao 3 cánh nên họ chỉ nhập khẩu và phân phối những loại xe mang thương hiệu Mercedes-Benz. Nếu liên doanh này đại diện cho tập đoàn DaimlerChrysler thì các loại xe họ mang về có thể không chỉ là S500L, CLS350, R350L, ML350, ML500, SLK350, GL320CDI, GL450 mà còn là những mẫu xe “hàng khủng” mang thương hiệu Maybach, Dodge, Chrysler…”, giám đốc một công ty thương mại chuyên nhập khẩu các thương hiệu ôtô đến từ châu Âu tỏ ra lo ngại.

Tại lễ ra mắt mẫu xe MPV Chevrolet Vivant vừa qua, Tổng giám đốc Công ty Ôtô GM-Daewoo Việt Nam (Vidamco) Jung-In Kim, cũng đã bày tỏ quan điểm rằng dù hiện tại liên doanh của ông chưa quyết định nhập khẩu song nếu điều đó xảy ra khi khách hàng cần, ông sẽ đưa về Việt Nam những mẫu xe đến từ cả 13 thương hiệu của tập đoàn General Motor như Opel, Chevrolet, Cadillac, GMC, Hummer, Saab, Saturn…

Trường hợp Ford hay Toyota cũng giống như GM-Daewo, nếu họ nhập khẩu thì rất có thể những nhãn hiệu xe nhập tại Việt Nam không chỉ bó gọn như hiện này mà sẽ chính thức xuất hiện hàng loạt cái tên như Jaguar, Aston Martin, Land Rover, Lincoln, Mercury, Volvo (thuộc Ford) hay Lexus, Scion (thuộc Toyota).

Thực ra để đưa những nhãn hiệu xe hơi lừng danh này về Việt Nam không chỉ các liên doanh này mới làm được mà kể cả các công ty thương mại khác cũng thực hiện trong tầm tay. Tuy nhiên, với lợi thế của mình, các liên doanh có thể đưa những nhãn hiệu xe hơi đó về Việt Nam với giá thấp hơn, thực hiện chính sách bán hàng và sau bán hàng chuyên nghiệp hơn, uy tín hơn.

Đó chính là lý do cơ bản khiến “số phận” xe sản xuất, lắp ráp trong nước (thậm chí cả thị phần xe nhập do các doanh nghiệp thương mại đang chi phối) trở nên “bi đát” hơn.

* Mới đây, một số nguồn tin đã cho biết nhiều khả năng thuế suất thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc sẽ được điều chỉnh tăng trở lại nhằm mục tiêu hạn chế bớt lượng xe lưu hành tránh ách tắc và quá tải giao thông. Mức thuế điều chỉnh có thể sẽ tăng thêm 3% lên mức 63% hoặc trở lại mức 70%.

Tin mới

Doanh số ô tô tại Việt Nam xác lập đỉnh mới trong tháng 10

Doanh số ô tô tại Việt Nam xác lập đỉnh mới trong tháng 10

Theo báo cáo từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), số lượng xe ô tô tiêu thụ tại Việt Nam trong tháng 10 đã lập kỷ lục mới với doanh số đạt mức cao nhất kể từ đầu năm. Số liệu toàn thị trường do VAMA tổng hợp bao gồm doanh số của 17 thành viên và số xe nhập khẩu của các hãng xe ngoài VAMA.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng “rót” thêm gần 2 tỷ USD cho VinFast

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng “rót” thêm gần 2 tỷ USD cho VinFast

Từ nay đến hết năm 2026, tập đoàn Vingroup và ông Phạm Nhật Vượng công bố cam kết hỗ trợ tài chính cho Công ty VinFast. Vingroup có kế hoạch cho VinFast vay mới tối đa 35.000 tỷ đồng, ông Phạm Nhật Vượng cũng cam kết tài trợ cho VinFast 50.000 tỷ đồng. Đồng thời, Vingroup sẽ đầu tư thêm vào VinFast Việt Nam thông qua việc chuyển đổi toàn bộ khoản cho vay hiện hữu khoảng 80.000 tỷ đồng thành cổ phần ưu đãi được hưởng cổ tức.