Người Mỹ mừng vì lãnh đạo của General Motors bị sa thải

Kiều Oanh
Chính quyền của Tổng thống Obama đã có những bước đi mới và bất ngờ, liên quan tới số phận của hai hãng xe GM và Chrysler
Tổng hành dinh của hãng GM tại bang Detroit, Mỹ - Ảnh: Getty Images.
Tổng hành dinh của hãng GM tại bang Detroit, Mỹ - Ảnh: Getty Images.
Không ít người Mỹ phấn khởi khi Tổng thống Barack Obama tỏ thái độ cứng rắn đối với ngành ôtô đang điêu đứng của nước này. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến cho rằng, việc ông Obama buộc giám đốc điều hành (CEO) của General Motors (GM) phải từ chức là quá “nặng tay”.

Trong hai ngày 29-30/3, chính quyền của Tổng thống Obama đã có những bước đi mới và bất ngờ, liên quan tới số phận của hai hãng xe GM và Chrysler. Đầu tiên là gây áp lực buộc CEO Rick Wagoner phải từ chức, với lý do, vị CEO này đã mắc nhiều sai lầm trong quá trình lãnh đạo hãng xe, đồng thời chưa nỗ lực tới mức đủ để tái cơ cấu nhằm đưa GM ra khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay. Tạm thời thay thế ông Wagoner ở vị trí CEO của GM sẽ là Giám đốc tài chính Fritz Henderson của hãng này.

Sau đó, ông Obama tuyên bố, Chính phủ Mỹ sẽ không cấp vốn vay mới cho GM và Chrysler. Trước đó, hai hãng xe này đề nghị được vay thêm tổng cộng 21,6 tỷ USD, ngoài khoản 17,4 tỷ USD đã được giải ngân từ trước.

Gây “sốc” hơn, ông Obama còn tuyên bố, GM và Chrysler chỉ còn lại một cơ hội cuối cùng để tái cơ cấu và nếu không làm được điều đó, Chính phủ Mỹ sẽ buộc phải cho hai hãng xe này nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Về Chrysler, ông Obama buộc hãng xe này phải tiến tới hợp nhất với hãng xe Fiat của Italy.

Những động thái trên của Chính phủ Mỹ được xem là dấu hiệu cho thấy, Washington đang can thiệp mạnh hơn nữa vào nền kinh tế nhằm nỗ lực đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng và suy thoái. Nhiều chuyên gia nhận định, đây có lẽ là những động thái can thiệp sâu nhất của một vị tổng thống Mỹ vào lĩnh vực kinh tế tư nhân kể từ thời Tổng thống Harry Truman tới nay.

Vào năm 1952, khi xảy ra chiến tranh Triều tiên, Tổng thống Truman đã nỗ lực nhằm giành quyền kiểm soát ngành công nghiệp thép, nhưng bị cản lại bởi Toà án Tối cao.

“Tôi không cho là Tổng thống nên điều hành nền kinh tế. Họ nên để GM phá sản. CEO của GM kiểu gì mà chẳng mất việc”, nhà kinh tế học Edward Prescott, người đoạt giải Nobel kinh tế năm 2004, nhận xét.

Một số nhà phân tích cũng cho rằng, ông Obama đã có sự chuyển biến thái độ đáng kể từ khi ông còn là một ứng cử viên tổng thống tới khi ông thực sự là ông chủ của Nhà Trắng.

Năm ngoái, khi còn đang chạy đua cho ghế tổng thống, ông ủng hộ việc giải cứu ngành tài chính, nhưng sau khi nhậm chức, ông bắt đầu chỉ trích và có những biện pháp nhằm siết thưởng ở những ngân hàng nhận tiền cứu trợ của dân. Tới nay, ông lại buộc CEO của GM phải thôi việc.

Đảng Cộng hòa đã phản đối quyết liệt những động thái của ông Obama. “Với quyền lực mới to lớn, Nhà Trắng sẽ định đoạt doanh nghiệp nào được tồn tại và doanh nghiệp nào không. Về bản chất, điều này có nghĩa là chính quyền này cho rằng, họ hiểu biết nhiều hơn các tòa án của chúng ta và các quy trình của thị trường tự do về cách thức giải quyết tình hình của các doanh nghiệp”, Thượng nghị sỹ Cộng hòa Bob Corker của bang Tennessee nói.

Nhưng dù các chuyên gia có nói gì, tỷ lệ ủng hộ của dân Mỹ đối với ông vẫn ổn định ở mức trên 60% trong hầu hết các cuộc điều tra gần đây. Quyết định sa thải CEO của GM đã được nhiều người Mỹ tán thành. “Nếu GM cần phải được Chính phủ Mỹ chi thêm tiền thuế của dân để cứu, những người đưa hãng xe này tới tình cảnh hiện nay nên ra đi”, cụ ông Sharon Schmidt 74 tuổi nói.

Theo học giả chuyên nghiên cứu về các tổng thống, ông Stephen Hess, thuộc Viện Brookings, không nên so sánh hành động của ông Obama với những gì đã diễn ra trong lịch sử, vì tình hình của khủng hoảng tài chính hiện nay là hoàn toàn khác biệt.

Chuyên gia này cũng cho rằng, ông Obama có thể thành công, vì dường như ông có khả năng tốt trong việc hiểu được ý muốn của dân chúng. “Tới lúc này, người dân Mỹ đang đứng về phía ông”, chuyên gia Hess nhận định.

Về phần mình, CEO mất việc Wagoner của GM vẫn nhận được gói bồi thường thôi việc trị giá 21 triệu USD, trong đó 20 triệu USD là tiền lương hưu. Theo các nhà phân tích, vụ mất việc của vị CEO này được xem là một lời cảnh báo nghiêm khắc đối với lãnh đạo trong các doanh nghiệp khác cần sự giúp đỡ của Chính phủ.

(Theo Reuters, WSJ)

Tin mới

Doanh số ô tô tại Việt Nam xác lập đỉnh mới trong tháng 10

Doanh số ô tô tại Việt Nam xác lập đỉnh mới trong tháng 10

Theo báo cáo từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), số lượng xe ô tô tiêu thụ tại Việt Nam trong tháng 10 đã lập kỷ lục mới với doanh số đạt mức cao nhất kể từ đầu năm. Số liệu toàn thị trường do VAMA tổng hợp bao gồm doanh số của 17 thành viên và số xe nhập khẩu của các hãng xe ngoài VAMA.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng “rót” thêm gần 2 tỷ USD cho VinFast

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng “rót” thêm gần 2 tỷ USD cho VinFast

Từ nay đến hết năm 2026, tập đoàn Vingroup và ông Phạm Nhật Vượng công bố cam kết hỗ trợ tài chính cho Công ty VinFast. Vingroup có kế hoạch cho VinFast vay mới tối đa 35.000 tỷ đồng, ông Phạm Nhật Vượng cũng cam kết tài trợ cho VinFast 50.000 tỷ đồng. Đồng thời, Vingroup sẽ đầu tư thêm vào VinFast Việt Nam thông qua việc chuyển đổi toàn bộ khoản cho vay hiện hữu khoảng 80.000 tỷ đồng thành cổ phần ưu đãi được hưởng cổ tức.