“Ôtô còn là hàng xa xỉ với người dân Việt Nam”

Ông Denis Soubeyran, Phó Chủ tịch tập đoàn ôtô Renault SA khi chia sẻ cách nhìn về triển vọng đối với ngành ôtô Việt Nam
Ông Denis Soubeygan, Phó Chủ tịch Tập đoàn Renault SA.
Ông Denis Soubeygan, Phó Chủ tịch Tập đoàn Renault SA.
Dù ôtô vẫn còn là một sản phẩm xa xỉ với người dân, nhưng Việt Nam có tiềm năng trở thành một thị trường lớn cho ngành công nghiệp ôtô. Với hiệp định thương mại tự do (FTA), các doanh nghiệp lớn của Pháp và EU sẽ đến Việt Nam đầu tư nhiều hơn.

Đó là nhận định của ông Denis Soubeyran, Phó chủ tịch Tập đoàn Renault SA khi chia sẻ cách nhìn về môi trường đầu tư Việt Nam và triển vọng đối với ngành ôtô Việt Nam trong việc thu hút đầu tư từ các tập đoàn lớn trên thế giới.

Việt Nam: Thị trường ôtô tiềm năng

Là lãnh đạo của một tập đoàn sản xuất ôtô lớn của Pháp, Renault SA, ông nhìn nhận như thế nào về môi trường đầu tư Việt Nam hiện nay?

Tôi nghĩ môi trường của Việt Nam có điều kiện tốt cho đầu tư. Các bạn có nguồn lực lao động giàu có, và chịu khó học hỏi. Điều này rất tốt cho nhiều ngành sản xuất. Riêng đối với các kỹ sư, tôi cho rằng, cần phải nỗ lực hơn trong việc đào tạo lực lượng này.

Về cơ bản, có thể nhìn thấy ở Việt Nam một thị trường tốt, đang lớn mạnh với hơn 80 triệu dân. Riêng với ngành công nghiệp ôtô, điều chúng tôi cần là thị trường. Và chúng tôi có thể thấy ở Việt Nam là tiềm năng trở thành một thị trường lớn.

Tuy nhiên, chúng tôi cần có cơ sở hạ tầng nhiều hơn và tốt hơn. Cơ sở hạ tầng là nhân tố vô cùng quan trọng để quyết định đầu tư. Trong đó, các tuyến đường giao thông tốt, thuận lợi cho ôtô là điều cần thiết.

Theo số liệu từ Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương), ngành công nghiệp ôtô Việt Nam được bắt đầu vào năm 1991 với sự xuất hiện của 2 công ty ôtô có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là Mekong và VMC.
Sau hơn 15 năm hình thành và phát triển, đến nay đã có hơn 160 doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ôtô ra đời, trong đó có tới gần 50 doanh nghiệp lắp ráp ôtô.

Trong khi nhiều doanh nghiệp ôtô lớn nổi tiếng trên thế giới như Toyota, Hyundai đã đến và thành công tại Việt Nam, thì cho đến thời điểm này, Renault vẫn chưa có mặt tại Việt Nam. Ông có thể lý giải nguyên nhân tại sao?

Tôi đã đặt câu hỏi làm thế nào để Renault có thể làm ăn và thu lợi ở Việt Nam. Môi trường đầu tư tương đối tốt. Thị trường ôtô ở Việt Nam khá ổn, nhất là đối với các xe nhỏ. Nhu cầu của người dân Việt Nam đang tăng lên trong khi đó, số lượng xe vẫn còn rất hạn chế. (Việt Nam hiện mới có khoảng 1 triệu ôtô).

Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa nghĩ đến việc bán dây chuyền sản xuất ôtô sang Việt Nam. Chi phí nhập khẩu từ EU quá cao. Việt Nam không có khả năng đáp ứng, bởi lẽ, ôtô vẫn là thứ hàng hóa xa xỉ với đa số người dân. Thu nhập của người Việt Nam tăng lên nhanh chóng, nhưng nhu cầu về xe chưa lớn. Thị trường vẫn còn tương đối nhỏ.

Tập đoàn Renault đòi hỏi những điều kiện như thế nào để có quyết định đầu tư vào một nước nào đó?

Bản thân Renault chỉ đến đầu tư tại một quốc gia khi nhận được lời mời từ chính quyền địa phương như tại Nga, Marốc, Thổ Nhĩ Kỳ... Chúng tôi mang các công nghệ mới, các sản phẩm mới đến đất nước đó.

Quyết định đầu tư của Renault vào một thị trường dựa trên 3 yếu tố cơ bản: một thị trường tốt, sự tự do thương mại và địa điểm kinh doanh tốt. Trước hết, chúng tôi sẽ không đầu tư vào một quốc gia khi mà thị trường tiêu thụ cho chính sản phẩm của chúng tôi không được đảm bảo.

Thương mại tự do được đảm bảo với hàng hào thuế quan và phi thuế quan thấp. Có như vậy, hàng hóa của chúng tôi mới có thể đi từ quốc gia đó sang các thị trường bên ngoài một cách thuận lợi. Việt Nam mới chỉ là thị trường mang tính địa phương. Đó là lí do cản trở việc chúng tôi đầu tư vào.

Nhân tố quan trọng là một địa điểm tốt làm cơ sở kinh doanh, từ đó, có thể mở rộng sản xuất.

FTA sẽ đưa các tập đoàn công nghiệp lớn của Pháp vào Việt Nam

Trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới Pháp vừa rồi, hai bên đều thống nhất cần phải thúc đẩy mạnh hơn đầu tư của Pháp vào Việt Nam. Theo cách nhìn của ông với tư cách một CEO của tập đoàn hàng đầu của Pháp, Việt Nam cần làm gì để thu hút sự quan tâm lớn hơn từ các nhà đầu tư Pháp?

Những gì chúng tôi cần để quyết định đầu tư vào một đất nước như Việt Nam là một nền kinh tế và môi trường lành mạnh. Đối với lĩnh vực của chúng tôi, khi đầu tư vào sản xuất, chúng tôi cần có mạng lưới nhà cung cấp, có thể xuất khẩu sản phẩm ra bên ngoài và không phải chịu thuế nhập khẩu cao.

Một nhân tố cũng rất quan trọng là vai trò của thương mại tự do, của môi trường đầu tư, và mức thuế phải đóng góp.

Hiện nay, Việt Nam và EU đang đàm phán về hiệp định đối tác và hợp tác (PCA) đồng thời ASEAN và EU cũng đang thảo luận về một hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa hai khối. Liệu hai thỏa thuận này sẽ tác động gì đến đầu tư của các tập đoàn lớn như Renault vào Việt Nam?

Ký kết hiệp định thương mại tự do sẽ là một cơ hội tốt để các tập đoàn lớn của Pháp thâm nhập và đầu tư vào Việt Nam. Nền kinh tế Việt Nam sẽ mở cửa hơn, và cơ hội cho các doanh nghiệp lớn cũng nhiều hơn. Có thể, lúc đó, Renault và nhiều tập đoàn sẽ xem xét những cơ hội làm ăn ở đất nước này.

Tin mới

Tín chỉ carbon: Nguồn lợi tỷ USD cho VinFast trong tương lai?

Tín chỉ carbon: Nguồn lợi tỷ USD cho VinFast trong tương lai?

Tín chỉ carbon có thể là một khái niệm xa lạ và không tác động trực tiếp đến người mua ô tô, nhưng chúng là tài sản rất quan trọng mà các công ty ô tô cần cân nhắc. Trên thế giới, khái niệm này đã được nhiều quốc gia áp dụng và nhiều công ty đã thu được nguồn lợi không nhỏ.
Xe điện "chất đống" ở các cảng Châu Âu: Điều gì đang xảy ra với các hãng xe Trung Quốc?

Xe điện "chất đống" ở các cảng Châu Âu: Điều gì đang xảy ra với các hãng xe Trung Quốc?

Các nhà sản xuất Trung Quốc đang gửi nhiều xe điện đến châu Âu hơn mức họ có thể bán, dẫn đến hàng nghìn chiếc trong số đó phải “tạm trú” ở các bến cảng. Tình trạng này khiến các nhà khai thác cảng không hài lòng vì tình trạng dư thừa ô tô của Trung Quốc đang cản trở các hoạt động khác của cảng. Một số người nói rằng chúng không còn là cảng nữa mà là bãi đậu xe cho xe điện Trung Quốc mới đến.